Tre và điện mặt trời vì du lịch bền vững

Từ ngày 10 – 18/9, tại Hà Nội, Trường Đại học Leuven (Vương quốc Bỉ), Trường Đại học Xây dựng và Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn LASUCO cùng phối hợp tổ chức hội thảo và xưởng thực hành quốc tế 'Tre và sự bền vững' năm 2019 với chủ đề 'Tre và điện mặt trời vì du lịch bền vững'.

Chương trình được tổ chức với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Bỉ tại Hà Nội và Chính quyền tỉnh Đông Flanders (Vương quốc Bỉ). Hội thảo này dành cho các sinh viên và người làm nghề trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng và kỹ thuật môi trường, và diễn ra tại Trường Đại học Xây dựng (Hà Nội) và Công viên sinh thái Tre luồng Thanh Tam (Thanh Hóa).

Các đại biểu tham dự hội thảo “Tre và sự bền vững” sáng ngày 10/9 tại Hà Nội.

Các đại biểu tham dự hội thảo “Tre và sự bền vững” sáng ngày 10/9 tại Hà Nội.

Tại Việt Nam, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và quá trình hiện đại hóa, cùng quá trình di dân từ nông thôn đã góp phần nâng cao mức sống của người dân. Điều này cũng lại gây ra những hệ lụy trong đô thị như quá tải dân số, bất bình đẳng kinh tế-xã hội, sự phá vỡ và ô nhiễm môi trường. Chênh lệch giữa người giàu (thường sống ở đô thị), trung lưu và những người dân sống tại nông thôn có thu nhập thấp đang ngày càng gia tăng. Cùng với đó, các khu vực nông thôn lại có nhiều cơ hội để tạo thu nhập nhờ các nguồn tài nguyên thiên nhiên, như tre luồng.

Việc phát triển vùng nông thôn và tiềm năng của tre tại Việt Nam có tiềm năng bắt đầu hình thái kinh tế tuần hoàn, để nâng tới một tầm phát triển cao hơn thành nền kinh tế bền vững, tuần hoàn và có khả năng phục hồi tốt. Đây sẽ là cách ứng phó với những thách thức về xã hội đến từ nguyên nhân khan hiếm nguyên liệu, năng lượng và biến đổi khí hậu, quản lý rác thải, sự cần thiết phải tái sử dụng vật liệu và sự dịch chuyển sang quá trình sản xuất, tiêu thụ và mô hình việc làm bền vững hơn.

Điều cần thiết là cần có nhận thức rõ hơn về chuỗi giá trị tổng thể do tre mang lại, bao gồm quá trình sản xuất (tối ưu hóa, đa dạng hóa phương pháp thu hoạch), quá trình xử lý (xử lý nhiệt …), thiết kế (trong kiến trúc và quy hoạch đô thị), xây dựng (từ các nguồn lực địa phương), vận hành và bảo dưỡng (hiệu quả năng lượng và tiện nghi nhiệt). Hơn nữa, cần phải có sự hiểu biết rõ hơn về những tác động về các mặt kinh tế (hoàn vốn), sinh thái (đánh giá vòng đời) và xã hội (xây dựng trình độ nhân lực, sự năng động, sự hạnh phúc, hoàn vốn về xã hội).

Trong bối cảnh đó, chương trình phối hợp này tập trung rõ nét vào việc xây dựng những cơ hội về kinh tế để phù hợp với những hoạt động thương mại sẽ diễn ra trong quá trình tiếp cận một nền kinh tế tuần hoàn cho cả Việt Nam.

Mục đích của chương trình nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và phổ biến rộng rãi các kiến thức, kinh nghiệm trong sử dụng tre và năng lượng mặt trời trong các công trình phục vụ du lịch, qua đó góp phần thúc đẩy hoạt động xây dựng công trình xanh nói chung, và đặc biệt là công trình xanh cho du lịch nói riêng, hướng tới du lịch bền vững.

Chương trình sẽ bao gồm nhiều hoạt động sôi nổi và có ý nghĩa như: Hội thảo chuyên môn bàn về phát triển tiềm năng của tre và điện mặt trời cùng các vấn đề liên quan trong xây dựng; Thực hành thiết kế các công trình du lịch bằng tre và có sử dụng điện mặt trời; Thực hành thi công nhà mẫu để xe buýt điện bằng kết cấu tre có lắp hệ thống pin mặt trời phục vụ các khu du lịch và Liên hoan chào mừng Ngày hội Tre thế giới 18/9/2019.

Tại hội thảo chuyên môn, các đại biểu được nghe các bài trình bày của các chuyên gia Việt Nam và quốc tế trong lĩnh vực tre luồng và điện mặt trời, cũng như được trao đổi, chia sẻ quan điểm và ý tưởng để thúc đẩy tiềm năng của tre luồng và điện mặt trời hướng tới xây dựng xanh nói chung và xây dựng xanh cho du lịch nói riêng.

Bên cạnh hội thảo, các đại biểu còn có thể tham gia cùng các nhóm sinh viên của Trường Đại học Xây dựng thiết kế một số công trình du lịch bằng tre kết hợp với hệ thống thu năng lượng Mặt trời tại Công viên sinh thái tre luồng Thanh Tam (thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) như: biệt thự nghỉ dưỡng, nhà thiền, trung tâm văn hóa cộng đồng… Các nhóm có phương án thiết kế xuất sắc sẽ được Ban Tổ chức trao thưởng và chứng nhận.

Đặc biệt, các đại biểu sẽ có dịp cùng nhau xây dựng Nhà mẫu để xe buýt điện bằng kết cấu tre có lắp hệ thống pin mặt trời, nằm trong khuôn viên Công viên sinh thái tre luồng Thanh Tam. Công trình này sẽ là minh chứng tiêu biểu cho sự tham gia của cộng đồng trong việc chung tay phát triển tiềm năng tre luồng và điện mặt trời tại Việt Nam, và sẽ được khánh thành vào ngày 18/9/2019 để chào mừng Ngày hội Tre thế giới. Các bên thực hiện chương trình mong muốn Công trình mẫu này sẽ là đòn bẩy cho tương lai để thúc đẩy năng lực và kỹ năng trong sản xuất, xử lý, thiết kế, xây dựng, vận hành và bảo dưỡng trong toàn chuỗi giá trị./.

Tin, ảnh: Khánh Linh

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/kinh-te/tre-va-dien-mat-troi-vi-du-lich-ben-vung-534804.html