Trẻ Yemen còn da bọc xương vì nạn đói thảm khốc

Suy dinh dưỡng nặng, nguy cơ tử vong cao hay chết vì bom đạn, trẻ em Yemen đang trở thành nạn nhân hứng chịu hậu quả nặng nề nhất từ nạn đói và cuộc nội chiến thảm khốc.

“Cuộc chiến này có nguy cơ giết chết cả một thế hệ trẻ đang đối mặt với hàng loạt đe dọa, từ đánh bom cho tới nạn đói và dịch bệnh. Rồi tương lai Yemen sẽ như thế nào?”, Tamer Kirolos, đại diện tổ chức Save the Children tại Yemen, nói với Reuters. Mới đây, Liên Hợp Quốc cũng cảnh báo quốc gia Trung Đông đang đứng trước “nạn đói kinh hoàng nhất trong lịch sử nhân loại”, trong đó nạn nhân phải hứng chịu hậu quả nặng nề nhất chính là trẻ em.

Theo BBC, nạn đói được tuyên bố khi các con số thống kê về an ninh lương thực, suy dinh dưỡng cấp tính và tử vong vượt 3 ngưỡng sau: Ít nhất 1/5 hộ gia đình phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực; hơn 30% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cấp tính và ít nhất 2/10.000 người chết mỗi ngày. Phó tổng thư ký phụ trách các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc Mark Lowcock cho biết con số thống kê đã vượt hoặc xấp xỉ 2/3 ngưỡng ở 107/333 quận của Yemen. Ông giải thích rằng rất khó để xác định số người chết mỗi ngày vì nhiều nạn nhân tử vong không ai hay biết. Liên Hợp Quốc ước tính hơn 28.000 người đã thiệt mạng hoặc bị thương trong chiến tranh ở Yemen. Tổ chức Save The Children cho biết khoảng 50.000 trẻ em đã chết vì đói hoặc vì bệnh tật vào năm 2017.

Tháng 8, Save the Children cảnh báo những gì diễn ra ở Yemen đang biến thành “cuộc chiến chống lại trẻ em” với hàng ngàn trẻ bị thương nặng. Các cuộc tấn công vào trường học và bệnh viện đang gia tăng trong khi các cơ sở y tế không thể đáp ứng đủ nhu cầu chữa trị. "Hệ thống miễn dịch của hàng triệu người đang bị phá vỡ, làm cho họ - đặc biệt là trẻ em và người già phải sống nhờ vào viện trợ - có nguy cơ mắc bệnh suy dinh dưỡng, bệnh tả và nhiều bệnh khác. Trong đó, trẻ em suy dinh dưỡng nặng có nguy cơ tử vong cao gấp 12 lần khi mắc các bệnh thông thường”, ông Kirolos cho biết.

Liên Hợp Quốc từng cảnh báo nguy cơ nạn đói ở Yemen từ năm 2017, nhưng ông Lowcock nói tình hình giờ đây "nghiêm trọng hơn nhiều" vì hai lý do: "Thứ nhất, vì số lượng người dân có nguy cơ rơi vào nạn đói, và thậm chí phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ để sống sót, đã tăng từ 11 triệu lên 14 triệu người. Và thứ hai, lương thực viện trợ chỉ giúp hàng triệu người không chết đói, chứ không thể giúp họ phát triển”.

Guardian dẫn lời bà Lise Grande, điều phối viên của một cơ quan nhân đạo tại Yemen, cho rằng: “Nhiều người trong chúng ta có thể nghĩ rằng sang thế kỷ 21 sẽ không thể còn xuất hiện những nạn đói trong quá khứ như ở Ethiopia, Bengal. Nhưng những gì đang xảy ra ở Yemen chính xác là như vậy, thật không thể chấp nhận được”.

Bà Grande cho biết: “Các cơ quan Liên Hợp Quốc làm việc tại Yemen đã lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công vào dân thường và gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến gia đình các nạn nhân”. Theo Guardian, số dân thường, bao gồm nhiều trẻ em, bị tàn sát và giết hại ở thành phố Biển Đỏ đã tăng vọt từ tháng 6 tới tháng 9. Hơn 170 người đã thiệt mạng, ít nhất 1.700 người bị thương ở tỉnh Hodeidah và 425.000 người khác buộc bỏ nhà ra đi.

Khoảng 51.000 tấn lúa mỳ, lượng lương thực đủ nuôi sống 3,7 triệu người Yemen trong một tháng, đã bị kẹt tại kho chứa ở cảng Biển Đỏ, tỉnh Hodeidah. Chương trình Lương thực Thế giới không thể tiếp cận vì các phiến quân liên tục giao tranh tại khu vực này. “Nếu công tác viện trợ lương thực và nhiên liệu qua cảng Hodeidah bị gián đoạn dù trong thời gian rất ngắn thì cũng có thể gây nên cái chết cho hàng trăm nghìn trẻ em suy dinh dưỡng cần viện trợ để sống sót”, ông Kirolos nói thêm.

Nội chiến ở Yemen đã kéo dài 3 năm kể từ khi phiến quân Houthi, được Iran hỗ trợ, chiếm đóng phần lớn quốc gia Trung Đông, bao gồm cả thủ đô Sana'a. Saudi Arabia, các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và nhiều nước đồng minh khác tham gia vào cuộc chiến kể từ năm 2015 để hỗ trợ chính phủ Yemen. Trước khi cuộc xung đột nổ ra, Yemen đã là nước nghèo nhất trong khối Arab và phải chật vật để có đủ lương thực. Đất nước này chỉ toàn sa mạc và đồi núi, nguồn nước đang thu hẹp chỉ cho phép canh tác trên 2-4% đất đai và 90% lương thực phải nhập khẩu.

Ông Kirolos nói rằng “nền kinh tế sụp đổ là kẻ giết người thầm lặng tại đây”. Nhân viên chính phủ Yemen không được trả lương trong nhiều tháng hay thậm chí nhiều năm. Khoảng 2/3 người dân Yemen thất nghiệp và không có bất kỳ khoản thu nhập nào. Ngay cả với những người có việc làm, họ cũng phải vật lộn để nuôi sống bản thân và gia đình. Giá trị đồng riyal của Yemen hiện chỉ bằng 1/3 mức giá so với năm 2015. Lạm phát và tình trạng thiếu nguồn cung hàng hóa đã đẩy giá lương thực tại nước này tăng cao.

Hương Ly
Ảnh: Reuters

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tre-yemen-con-da-boc-xuong-vi-nan-doi-tham-khoc-post887335.html