Trên 200 đại biểu tham dự hội thảo về giải pháp thúc đẩy phát triển ngành nuôi tôm nước lợ

Chiều ngày 15/3, tại thị xã Duyên Hải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức hội thảo với chủ đề trên.

Đại biểu tham dự hội thảo.

Đồng chí Trần Trường Giang, Giám đốc Sở NN-PTNT chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có đại diện Cục Thủy sản thuộc Bộ NN-PTNT; cùng với hơn 200 đại biểu là lãnh đạo các sở, ngành tỉnh; lãnh đạo các huyện: Châu Thành, Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú và thị xã Duyên Hải; đại diện Phòng NN-PTNT, Kinh tế các huyện, thị xã có diện tích nuôi tôm nước lợ; UBND các xã, phường, thị trấn của một số huyện ven biển; đại diện các tổ chức sản xuất, kinh doanh giống tôm, thuốc, thức ăn, chế biến lĩnh vực thủy sản và đông đảo nông dân có diện tích nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, hội thảo có sự tham gia của các diễn giã đến từ Trường Đại học Thủy sản - Đại học Cần Thơ; Công ty Cổ phần tập đoàn thủy sản Minh Phú...

TS. Lê Quang Huy, Phó Tổng Bộ phận Kỹ thuật nuôi - Công nghệ sinh học Tập đoàn Thủy sản Minh Phú nêu “Tình hình thu mua, chế biến và tiêu thụ tôm nước lợ hiện nay”.

Phát biểu chào mừng, đồng chí Trần Trường Giang, Giám đốc Sở NN-PTNT nhấn mạnh: Trà Vinh là tỉnh có thế mạnh về nuôi tôm nước lợ; để phát huy ngành thủy sản hiệu quả, tăng trưởng tương ứng với tiềm năng, hội thảo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng; mục tiêu phân tích, làm rõ các vấn đề: Thực trạng và giải pháp phát triển ngành tôm nước lợ của tỉnh, diễn biến môi trường và dịch bệnh trong nuôi tôm nước lợ hiện nay cần khắc phục; tình hình thu mua, chế biến và tiêu thụ tôm nước lợ; cung ứng thức ăn và giới thiệu qui trình nuôi tôm hiệu quả; thuận lợi, khó khăn trong sản xuất, cung ứng giống tôm nước lợ và nhiều nông dân chia sẻ kinh nghiệm nuôi tôm hiệu quả trên địa bàn tỉnh...

Đồng chí Trần Trường Giang, Giám đốc Sở NN-PTNT phát biểu chào mừng đại biểu tham dự hội thảo.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến của đại biểu khẳng định: nuôi tôm nước lợ của Trà Vinh trong những năm qua có những thuận lợi, khó khăn đan xen. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực của ngành chuyên môn, sự vào cuộc của nông dân, trong 05 năm (2019 - 2023), diện tích, sản lượng và giá trị từ nuôi tôm nước lợ luôn tăng.

Năm 2019, diện tích nuôi 28.230ha (tôm sú 20.413ha, chiếm 72,3%, tôm thẻ 7.817ha, chiếm 27,7%), chiếm 55,6% diện tích nuôi của tỉnh (50.741ha), năm 2023 là 31.650ha (tôm sú 24.150ha chiếm 76,3%, tôm thẻ 7.500ha, chiếm 23,7%), diện tích nuôi nước lợ của tỉnh chiếm 52% diện tích nuôi thủy sản (60.543ha), tăng trưởng bình quân 3,6%/năm. Trong đó, diện tích nuôi tôm thâm canh mật độ cao từ 440ha năm 2019, lên 1.074ha năm 2023. Sản lượng tôm nước lợ luôn chiếm tỷ trọng lớn: 50,4%/tổng sản lượng nuôi thủy sản của tỉnh và tăng dần hàng năm. Năm 2019, sản lượng đạt 59.703 tấn, chiếm 43,3% sản lượng thủy sản; năm 2023 đạt 90.031 tấn (tôm sú 13.484 tấn, chiếm 15%, tôm thẻ 76.547 tấn, chiếm 85%). Riêng nuôi thâm canh mật độ cao năm 2019 sản lượng đạt 12.438 tấn, năm 2023 đạt 35.438 tấn (tăng 185%).

Đồng chí Lê Tân Thới, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản - Quản lý chất lượng, Bộ NN-PTNT nêu “Thực trạng và giải pháp phát triển ngành tôm nước lợ tỉnh Trà Vinh”.

Từ những vấn đề đặt ra tại hội thảo, lãnh đạo sở, ngành tỉnh, các diễn giã đã làm rõ; thống nhất thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp năm 2024 và những năm tiếp theo: phối hợp, liên kết giữa các tỉnh, địa phương, đơn vị, tổ chức tham gia chuỗi giá trị tôm nhằm ngăn chặn kịp thời về con giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi tôm không đảm bảo chất lượng. Tăng cường thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm trong nuôi tôm nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm phục vụ chế biến, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Các sở, ngành, địa phương và nông dân phối hợp thực hiện tốt các quy định về điều kiện nuôi, đăng ký đối tượng nuôi tôm nước lợ theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP, ngày 08/3/2019 của Chính phủ, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản. Đặc biệt, thực hiện hiệu quan trắc, cảnh báo môi trường để kịp thời khuyến cáo, cảnh báo cho người nuôi; hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật để nuôi tôm hiệu quả, giảm thiểu tối đa thiệt hại.

Nông dân Lê Văn Nhược, khóm Long Thạnh, Phường 1, thị xã Duyên Hải đặt vấn đề với các diễn giã về tình hình bệnh trên tôm nuôi.

Song song đó, tăng cường thông tin, tuyên truyền, chuyển giao khoa học - kỹ thuật để nhân rộng các mô hình nuôi tôm nhiều giai đoạn, nuôi sử dụng chế phẩm sinh học, nuôi tuần hoàn khép kín, nuôi tôm an toàn sinh học, nuôi công nghệ cao... và các mô hình liên kết sản xuất hiệu quả giúp người nuôi, doanh nghiệp giảm thiệt hại, chủ động sản xuất.

Vận động doanh nghiệp cung cấp vật tư đầu vào, các hợp tác xã, tổ hợp tác và người nuôi tôm tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi để giảm khâu trung gian, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; áp dụng các hình thức nuôi có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, ASC… để nâng cao giá trị sản phẩm. Vận động các doanh nghiệp chế biến thủy sản quan tâm xây dựng các vùng nuôi liên kết chặt chẽ, gắn kết với cơ sở nuôi thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm có đầu tư, hỗ trợ kinh phí, cùng có trách nhiệm trong giám sát theo dõi quá trình sản xuất.

Tin, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/tren-200-dai-bieu-tham-du-hoi-thao-ve-giai-phap-thuc-day-phat-trien-nganh-nuoi-tom-nuoc-lo-35700.html