Trên ba lô người lính Tây Nam

Sau 1970, bộ đội chính quy ở miền Tây Nam bộ đã có sự góp mặt đông đảo con em của miền Bắc. Ngoài trung đoàn U Minh của tướng Phạm Văn Trà (sau này ông thành Bộ trưởng Bộ Quốc phòng), còn có những trung đoàn, thậm chí sư đoàn gì gì nữa mà cánh dân sự không được biết.

Quân tình nguyện Việt Nam chia gạo cứu đói cho người dân Campuchia

Họ, những trung đoàn sư đoàn ấy không có sắc áo riêng. Một màu xanh lá. Dân chúng chỉ phân biệt khi họ đóng quân ở cùng hoặc ở gần với dân qua tiếng Việt vùng miền. Tất thảy đều di chuyển bằng xuồng nhỏ, ba người một xuồng, trên miên man nẻo đường sông nước. Tự lực ăn uống, đánh bắt tôm cá, rau dại, có những khi dân thấy họ chỉ có cá khô hoặc muối suông. Nhưng miền Tây giàu sản vật, chuyện đó không kéo dài, rồi họ cũng xoay được đạm tươi từ sông rạch, từ cánh đồng hoặc trong bùn sệt biền lá dừa nước.

Rồi chiến dịch cuối cùng mùa xuân 1975. Quân di chuyển như những dòng sông lớn đổ về một nơi, đó là các thị trấn, thị xã, thành phố, những mục tiêu co cụm cuối cùng của đối phương. Người dân không để ý bộ đội ăn và ngủ thế nào nữa, hay là họ chỉ lương khô và nước sông nước giếng dằn bụng qua bữa. Không ai có thời giờ chú ý đến cái ăn cái mặc, xưa nay sao thì cứ thế mà lướt đi, gần như là bay đi, bay lên với cuộc chiến đang cuồn cuộn thắng. Thắng như chẻ tre là cụm từ chuẩn xác của những ngày tháng Tư năm ấy.

Nhưng chưa thu dọn xong mọi thứ, chưa mừng vui đủ, người lính đã phải lên biên. Người dân truyền tin miệng, hình như Tây Ninh, Long An, Châu Đốc, Hà Tiên… đang có động. Chưa biết thực hư ra sao đã thấy thanh niên vào Thanh niên xung phong để đi, không phải đi nông trường mà đi biên giới. Nghe dân bị thảm sát chỗ này chỗ kia, rồi xuất hiện nhiều người Campuchia không biết một câu tiếng Việt nào lếch thếch chạy sâu vào xin ăn bằng làm mướn làm thuê. Dân chúng lại tự nhận định, người Miên biên giới ai cũng nói được ít câu tiếng Việt, dân này chắc ở sâu trong nước họ chạy loạn, vậy tình hình bên đó khốn cùng dữ rồi.

Cuộc sống bộ đội doanh trại bắt đầu bên trong những bức tường của căn cứ cũ từng thuộc đối phương. Người dân nói chung không nhìn thấy được nữa. Nhưng dân buôn bán ở các chợ nhỏ gần đó biết họ sống ra sao, ăn gì, qua những tốp bộ đội tiếp phẩm mỗi ngày cho cánh anh nuôi. Dù sao đất nước cũng đã thống nhất và yên bình, sông ngòi biển cả, đồng ruộng và vườn tược. Cá tôm rau trái đầy đủ, người lính không phải lo chuyện tăng gia sản xuất như một trong những nhiệm vụ khi ngơi binh.

Nhưng chưa gì đã phải rời căn cứ lên đường. Rải dọc biên cương, đào hào đắp lũy, nếu có căn cứ là căn cứ tạm, mái rạ, mái lá sơ sài. Chuyện tiếp phẩm nhọc nhằn hơn, nấu bằng gì, có hôm đã lại đồ hộp và lương khô. Nhưng trên đất Mẹ, đất và nước, có hai thứ đó thì không có gì không xoay xở được? Người dân bám lại và vẫn có các mẹ các chị ủy lạo sau mỗi lần quân đội hai bên ghìm nhau.

Sớm muộn gì cũng phải cất quân đi. Toàn cục cho thấy khả năng đó. Tin tức thảm sát Ba Chúc như một cơn đau lan truyền, quân và dân rùng rùng căm hận. Trên những cỗ xe đưa người lính vào chiến trường xa lạ không chở theo được gì ngoài những thứ đã chán ngấy từ khi nằm hào. Một lần nữa không ai kịp nghĩ ăn và uống ra sao, giao tranh ác liệt chỉ máu và máu. Quá kỳ lạ, quá gian nan. Hậu cần không thể giải quyết nỗi thèm của lính, không thèm gì, chỉ thèm rau, lúc nào cũng chỉ muốn rau rau rau.

Người Việt mình là giống ăn cỏ, người lính nói vui. Các bà mẹ đã nuôi con bằng thực đơn ấy, một giống dân thiếu rau thì sinh bệnh, cái dạ dày người Việt đã như vậy hàng ngàn năm qua. Khi các vị chỉ huy xác định cuộc chiến ở ngoài biên giới này sẽ lâu dài, chúng ta sẽ bị giam chân vì quỷ kế của những thế lực hắc ám, người lính phải có trong ba lô của họ một thứ không thể thiếu: đó là hạt giống. Các loại hạt giống của rau do hậu cần cung cấp và do anh em tự xoay được từ những người lính hay đi về bên nước.

Một trung đội hay một đại đội mỗi khi chuyển chỗ, việc đầu tiên là dọn nền ở gần nguồn nước rồi chia nhau đào công sự, cắt tranh cắt lá hạ cây dựng lán. Ngay khi đó, một số khác phải tìm một bãi trống để dọn cỏ, đánh luống. Một toa-lét đơn giản gồm mấy tấm vách thấp, bên dưới là cái gì đó có thể đựng nước tiểu của tập thể. Chỉ vài ngày là những liếp rau đã loi thoi xanh, cũng không bao lâu rau ấy được tưới tắm tưng bừng bằng “phân u-rê” tự túc. Và một vườn rau, cải xanh, rau muống cạn, rau dền, rau thơm… Người lính Việt thở phào, không còn lo ốm đói vì rau.

Kỳ diệu một đội quân đã cầm cự hàng chục năm trời với tài tổ chức căn cơ và thông minh như vậy đó.

Dạ Ngân

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/tren-ba-lo-nguoi-linh-tay-nam-post236800.html