Trên cánh đồng người

Nhà thơ của Việt Nam Nguyễn Quang Thiều được trao giải thưởng văn học Changwon KC international literary Prize (Giải thưởng văn học quốc tế Hàn Quốc Changwon) năm 2018, cùng với trị giá của giải thưởng lên đến 5.000 USD. Đến thời điểm hiện tại, Nguyễn Quang Thiều là nhà thơ đầu tiên của Việt Nam đoạt giải thưởng danh giá này. Nhân dịp này, Văn hiến trân trọng giới thiệu bài của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đọc trong sự kiện trao giải thưởng Changwon tại Hàn Quốc.

Ở một địa điểm của sự kiện trao giải thơ Changwon

Tôi sinh ra và lớn lên ở một ngôi làng có tên gọi là làng Chùa. Đấy là ngôi làng mà hầu hết những người nông dân đều làm thơ như công việc gieo trồng của họ kể từ khi làng được thành lập hơn mấy trăm năm về trươc. Trên những bức tường cổ kính của những ngôi nhà dọc đường làng, những người nông dân làng tôi đã viết những lời nói của họ về thơ ca và về sự sống. Lớn lên, tôi đã đọc những dòng chữ ấy. Và những dòng chữ ấy đã dẫn tôi đi trên con đường để làm người và để sáng tạo thi ca cho đến tận bây giờ.

Những người nông dân làng tôi nói: “Thơ ca không làm ra lúa vàng, gạo trắng, nhưng làm ra giấc mơ cho người gieo trồng”. Đấy chính là con đường của thơ ca, là sứ mệnh của thơ ca và là bến bờ mà thơ ca hướng đến. Hầu hết mọi con người, mọi dân tộc trên thế gian này đều đã phải đi qua những năm tháng của đói rét, của bóng tối thù hận, của sự độc ác của các chế độ độc tài, của chết chóc bởi chiến tranh... Nhưng tất cả những thứ đó đã không làm họ bị khuất phục và gục ngã bởi họ luôn mang trong mình giấc mơ về những điều tốt đẹp sẽ đến với thế gian. Và tôi nghĩ, lịch sử của dân tộc Việt Nam cũng như của dân tộc Hàn Quốc đã đủ để minh chứng điều này.

Những người nông dân làng tôi nói: “Thơ ca là ngũ cốc trên cánh đồng người”. Trên những cánh đồng mà ta còn gọi là đất đai thì ngũ cốc như lúa, ngô, đậu... là di sản lớn nhất mà tổ tiên tôi đã để lại. Đấy là thứ cây giản dị mà thiêng liêng nhất trên những cánh đồng xứ sở tôi. Đấy là những thứ cây đã nuôi sống con người. Và trên cánh đồng người hay có thể gọi đó là nhân loại, một cánh đồng được làm bằng máu thì thơ ca chính là ngũ cốc. Cái ngũ cốc thơ ca ấy đã mọc lên, đã ra hoa kết trái và đã tỏa hương trên cánh đồng máu ấy. Ngũ cốc thơ ca ấy đã nuôi sống vẻ đẹp và tư tưởng của nhân loại.

Những người nông dân làng tôi nói: “Người làng Chùa tặng kẻ ăn mày cơm áo, tặng kẻ khổ đau thơ ca”. Khi đã lớn lên, đã trải nghiệm, đã từng khổ đau và cả tuyệt vọng, tôi mới thấu hiểu câu nói này của những người nông dân làng tôi. Món quà lớn nhất cho những người khổ đau không phải là cơm áo cụ thể mà là những vẻ đẹp, tình yêu thương, sự cảm thông, những giấc mơ và khát vọng sống cùng ý chí hành động cho khát vọng ấy. Những điều này là bản chất của thơ ca. Những điều này trong hình thức của những bài thơ cụ thể sẽ bước đến những số phận khổ đau, đỡ họ đứng dậy và thì thầm với họ hãy bước đi.

Và những người nông dân làng tôi nói: “Tay ta gieo hạt, miệng ta gieo lời”. Mỗi khi đọc lời ấy viết vụng về trên bức tường một ngôi nhà ở làng mình, tôi lại thấy hiện lên hình ảnh của nhân loại từ thuở xuất hiện trên trái đấy này. Nhân loại cày cấy, gieo hạt xuống những cánh đồng rộng lớn và gieo lời (ngôn từ) vào tâm hồn rộng lớn của mình. Và nếu một ngày nào đó hình ảnh kia mất đi thì cũng là lúc nhân loại suy tàn và biến mất.

Đó là những điều giản dị mà tôi muốn nói trong giờ phút trọng đại này của thơ ca ở chính nơi chốn tôi đang hiện diện. Thơ ca là một điều gì đó thật giản dị, đôi khi thật mong manh nhưng thật kỳ vĩ, nhưng đời sống và những suy tưởng của những người nông dân ở một làng quê nhỏ bé trên một xứ sở nhiều buồn bã, nhiều khổ đau và nhiều máu chảy cũng có thể minh chứng một phần về quyền lực và sứ mệnh thơ ca nhân loại.

Nguyễn Quang Thiều |

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/tren-canh-dong-nguoi-63755