Trên đất Kẻ Cham

Kẻ Cham - làng Cham - làng Lam Sơn nay thuộc thị trấn Lam Sơn (Thọ Xuân) là quê hương của Anh hùng dân tộc Lê Lợi. Vùng đất tổ của nhà Lê, nơi sản sinh ra nhiều nhân tài, hào kiệt cho đất nước còn là một không gian văn hóa làng Việt cổ với những tên núi, tên sông, những tín ngưỡng văn hóa, lễ hội đặc sắc... Tất cả làm nên nét đẹp riêng của đất và người Kẻ Cham.

Chính điện Lam Kinh trong Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh là điểm đến tham quan hấp dẫn du khách khi về với đất thiêng Lam Sơn.

Tôi không còn nhớ, mình đã bao nhiêu lần về thăm Lam Kinh trên đất Lam Sơn, đứng nơi bảo vật quốc gia Bia Vĩnh Lăng, để lại lắng lòng nghe từng dòng giới thiệu về vua Lê Thái tổ và vùng đất Lam Sơn do văn thần Nguyễn Trãi soạn. Rằng vua họ Lê, tên Lợi. Cụ tổ tên Hối. Một ngày đi chơi Lam Sơn, thấy có đàn chim bay lượn dưới núi Lam như vẻ đông người tụ họp, cho rằng chỗ này là đất tốt, liền dời nhà đến đây được 3 năm thành sản nghiệp, con cháu ngày một đông, tôi tớ ngày một nhiều, việc dựng nước mở đất thực gây nền từ đấy...

Từ cụ tổ Lê Hối bắt đầu “khai sơn phá thạch” đến đời Lê Lợi, Lam Sơn đã trở thành một cộng đồng Mường - Việt đông đúc, tốt tươi, thịnh vượng. Thóc lúa đầy kho, đủ nuôi hàng ngàn người, trở thành nơi “chiêu hiền đãi sĩ”, chuẩn bị cho cuộc khởi Lam Sơn hào hùng.

Ngược thời gian, tên gọi Kẻ Cham - làng Cham là từ cổ xuất hiện từ xa xưa. Theo cố PGS Vũ Ngọc Khánh trong sách Lê Lợi con người và sự nghiệp: “Lam Sơn là tên núi, cũng là tên làng. Núi Lam là chỉ cả một bạt đồi trập trùng cao thấp trong vùng chứ không chỉ riêng một ngọn núi nào... Làng Cham là một làng nhỏ trong sách Khả Lam. Làng Cham là tên gọi theo tiếng cổ, còn Lam Sơn hương (làng Lam Sơn) là tên chữ đã thấy xuất hiện trong cuốn Lam Sơn thực lục...”. Cũng theo tác giả sách Lê Lợi con người và sự nghiệp, tên gọi Lam Sơn có thể do phiên âm Hán hóa chữ Cham mà ra.

Đền thờ vua Lê Thái tổ ở làng Lam Sơn (nay thuộc thị trấn Lam Sơn).

Về với đất cổ Lam Sơn, hẳn mỗi người vẫn được nghe nhắc đến những tên núi như núi Lam, núi Dầu, núi Mục....Cố nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ với những tìm tòi điền dã đã có những lý giải khá thú vị. Theo ông, các địa danh Cham, Dầu, Mục đều là danh sơn. Trong đó, núi Cham mọc nhiều cây chàm, lá xanh đem giã, ngâm, nhuộm vải hoặc phủ lên vải thành nâu chàm, sợi bền đẹp, may quần áo, lẫn vào sắc cây rừng; núi Dầu có cây dầu rái, gỗ, cành làm đuốc cháy bùng, quả ép dầu thắp đèn sáng trưng; còn núi Mục (Mục sơn) không phải “núi Mắt” như người ta lầm tưởng. Nó nguyên là núi Hổ, dáng hùm to lớn, ngồi sừng sững bên sông Lương, hướng về Lam Sơn. Sau khi một nhà sư tìm đất động Chiêu Nghi táng mộ thân phụ Lê Lợi, núi Hổ mới đổi tên thành núi Mục để thành thế đất “tả Chiêu hữu Mục”, thế đất quý của vùng đất thiêng Lam Sơn - Lương Thủy (theo sách Những làng cổ tiêu biểu ở Thanh Hóa, tác giả Hoàng Tuấn Phổ).

Khi đất nước bị họa xâm lăng, vận mệnh dân tộc lâm nguy, nơi đất Lam Sơn, Phụ đạo Khả Lam Lê Lợi đã “hiệu triệu” muôn tấm lòng kẻ sĩ, hào kiệt cùng về giúp sức. Bấy giờ, Kẻ Cham - Lam Sơn trở thành căn cứ địa của cuộc khởi nghĩa buổi ban đầu muôn vàn khó khăn.

Sau khi Bình Định vương Lê Lợi lên ngôi vua, lập ra vương triều nhà Lê, định đô ở Đông Kinh (tức Thăng Long) Lam Sơn trở thành đất “thang mộc” của nhà Lê. Từ Lam Sơn, một Lam Kinh - giữ vị trí “kinh đô tâm linh” của vương triều Hậu Lê từng bước được dựng xây với quy mô bề thế.

Trải qua thời gian và những cuộc binh biến khói lửa, đến thế kỷ XX, Lam Kinh đã thực sự trở thành phế tích, dân làng phiêu tán. Theo lưu truyền tại vùng đất Lam Sơn, khoảng đầu thế kỷ XX, một nhà phú hào quê Nam Định vào đất Lam Sơn gây dựng cơ nghiệp, chẳng mấy chốc mà đã nên sản nghiệp lớn. Vì thế, gia đình phú hào đã xuất tiền của, cùng với người dân dựng đền thờ vua Lê Thái tổ bằng gỗ uy nghiêm thay thế đền cũ tranh tre nứa lá. Cùng với đó, ông còn kêu gọi người dân góp tiền của đúc tượng đồng vua Lê Thái tổ đặt trong hậu cung của đền thờ. Ngày nay, tượng vua Lê Thái tổ được người dân làng Lam Sơn giữ gìn cẩn trọng như báu vật.

Cùng với việc khôi phục, tôn tạo Khu di tích lịch sử Lam Kinh, cuối thế kỷ XX, đền vua Lê Thái tổ cũng được nhà nước đầu tư kinh phí trùng tu, tôn tạo trên nền móng cũ với kiến trúc truyền thống.

Núi Dầu trên đất Lam Sơn.

Trên đất Lam Sơn hôm nay, Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh đang từng bước được khôi phục với diện mạo vốn có. Ghé thăm đền thờ vua Lê Thái tổ, nghe các cụ cao niên trong làng “kể chuyện” vua Lê, về làng Lam Sơn cổ xưa và niềm tự hào về vùng đất “địa linh nhân kiệt”. Gặp chúng tôi, ông Tạ Trung Dũng, khu phố Phúc Lâm (thuộc làng Lam Sơn xưa) trông coi tại đền thờ vua Lê Thái tổ suốt 30 năm qua, tự hào đọc hai câu thơ đã lưu truyền bao đời ở vùng đất này: “Cao nhất là núi Lam Sơn/ Có ông Lê Lợi trong ngàn bước ra”. Trong “ký ức” của người dân Lam Sơn, đức vua Lê Thái tổ vừa anh dũng, uy nghiêm, phi thường, lại rất đỗi thân tình, gần gũi. Hàng năm, vào ngày sinh và mất của đức vua Lê Thái tổ, dân làng lại tề tựu về đền vua Lê, thành kính tổ chức lễ hội. Đặc biệt, mỗi năm đến Lễ hội Lam Kinh, người dân làng Lam Sơn lại cùng nhau rước kiệu vua Lê từ đền thờ về sân Điện Lam Kinh (sân Rồng) tế lễ, vui hội.

Cũng theo ông Tạ Trung Dũng, Lam Sơn là đất cổ, lại là quê hương của vua Lê, nên trong lịch sử, vẫn thường nhận được những “đặc ân” quan tâm của các triều đình phong kiến. Trên đất Lam Sơn xưa, bên cạnh Khu di tích Lam Kinh, đền thờ vua Lê Thái tổ, còn có sự hiện hữu của nhiều công trình kiến trúc, tâm linh, như đình làng, chùa, điện, miếu, văn chỉ... Cùng với truyền thống lịch sử, các di tích đã góp phần làm “dầy” và phong phú hơn giá trị của đất thiêng Lam Sơn.

Lam Sơn, là tên núi, tên làng và cũng là tên cuộc khởi nghĩa khẳng định cho ý chí, tinh thần quật cường chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Tất cả, đã thấm đẫm, khắc sâu, trở thành một phần lịch sử, là niềm tự hào của đất và người xứ Thanh.

(Bài viết có tham khảo tư liệu trong sách Những làng cổ tiêu biểu ở Thanh Hóa và một số tài liệu khác).

Bài và ảnh: Khánh Lộc

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/diem-den-xu-thanh/tren-dat-nbsp-ke-cham/28816.htm