Trên đỉnh Đèo Nai ta hát

'Em đứng trên Đèo Nai/ Chiều nay tiếng hát em đang bay xa' là câu hát trong bài 'Trên đỉnh Đèo Nai em hát' của nhạc sĩ Trần Quý. Tôi lẩm nhẩm bài hát này khi cùng đội thợ mỏ lên tầng than của đỉnh Đèo Nai. Không phải tôi đi tìm bóng hồng trên mỏ, một 'em' nào đó hát mà đi tìm bài ca lao động giữa than đen.

Đèo Nai xưa có tên là núi Trọc. Vì khu khai trường cây cối tươi tốt, muông thú sinh sôi, đường đi lên mỏ gặp nhiều nai, hoẵng nên các cụ mới đổi tên là Đèo Nai. Nói thế để thấy rằng, trước kia Đèo Nai vốn là nơi có môi trường trong lành. Sau này, đất nước cần nhiều than để kiến thiết và xuất khẩu thu ngoại tệ, những moong than ngày càng được khai sâu hơn, những mảnh đồi cũng giảm dần diện tích.

Với những nỗ lực giảm áp lực khai thác than tới môi trường, công tác bảo vệ, hoàn nguyên môi trường đã được các thế hệ lãnh đạo mỏ Đèo Nai rất quan tâm. Than ra nếu gặp mùa mưa sẽ được che bạt, đường than ra được làm mặt đường, bờ an toàn, rãnh thoát nước, gạt đá rơi, tưới nước dập bụi tại các tuyến đường vận chuyển. Công ty đã tiến hành trồng và chăm sóc cây tại các khu vực bãi thải đã ngừng đổ thải, ven các tuyến đường mỏ để hoàn nguyên môi trường, tạo cảnh quan.

Không chỉ trồng cây phủ xanh khu vực bãi thải và các tuyến đường mỏ, các công trường, phân xưởng, cũng được trồng nhiều loại cây xanh, cây ăn quả, vườn hoa cây cảnh khang trang, đẹp mắt. Hàng năm, Công ty tổ chức thu gom và xử lý trên 200 tấn chất thải nguy hại và trên 100 tấn rác thải sinh hoạt. Nước thải mỏ được dẫn vào hệ thống thoát nước chung trên công trường, sau đó tập trung vào trạm xử lý nước thải chung với mỏ Cọc Sáu.

Đèo Nai áp dụng công nghệ tự động hóa trong điều hành và quản lý sản xuất.

Con đường chúng tôi lên mỏ cây cối um tùm che mát cả lối đi. Nếu chị Hoàng Thị Quỳnh Trang, Phó Chánh Văn phòng Công ty, không giới thiệu, chắc chúng tôi khó mà biết đây vốn là bãi thải mỏ. Đất đá của quá trình bốc xúc để lấy than được tập kết đổ thải sau đó được trồng keo tai tượng để hoàn nguyên môi trường. Bởi vậy, khai trường dường như thay đổi từng ngày. Dù là công nhân của Công ty đi chăng nữa nhưng cứ độ 1 tuần mà chị Trang không lên mỏ thì có thể sẽ lạc lối đi.

Từ khi di chuyển bằng xe ca cùng thợ mỏ lên Đèo Nai, tôi đã nhìn quanh xem có ánh mắt đen huyền nào như trong câu hát: “Em đứng trên Đèo Nai/ Chiều nay tiếng hát vang trên tầng cao/ Trông sóng trên Hạ Long/ Biển xanh trời mây đẹp tươi xiết bao/ Xung quanh em tầng than đen/ Đẹp óng ánh như muôn đôi mắt đen huyền". Thì ra mắt đen huyền thiếu nữ ấy là ánh than đen, cố nhà văn Lý Biên Cương thì gọi một cách lãng mạn là than “con gái”.

Du khách bắt nhịp bài hát.

Tôi cứ thắc mắc rằng tại sao không phải là "ta hát" mà lại là "em hát". Trên khai trường vất vả thì chủ yếu thấy anh công nhân chứ mấy khi thấy nữ. Bởi thế bài ca của họ trên công trường là bài ca hăng say lao động làm ra nhiều than cho Tổ quốc. Mà khi họ cùng hòa nhịp thì phải là “ta hát” nghĩa là bài hát tập thể chứ sao lại “em hát”...

Và sự thực tôi đã gặp trên mỏ Đèo Nai một số chị em làm công việc phụ trợ. Do đó có thể tin rằng đây là bài hát của người phụ nữ. Những người phụ nữ trên mỏ, không cần biết họ có mặt ở đó để lao động hay vì lý do gì nhưng cũng đã làm vơi bớt đi nỗi vất vả của người thợ giữa bụi bặm ồn ào. Và trên hết theo tôi họ cùng nhìn về một hướng. Tôi nghiệm ra điều đó khi lẩm nhẩm hát mấy câu của bài này: “Năm xưa em nhìn anh ơi/ Gửi tới anh bao tình chẳng nói nên lời/ Đôi ta sinh một nơi/Đường ta đi một lối/ Kề vai nhau cùng khơi dòng suối than đẹp tuyệt vời/ Cho đất nước ta tươi đẹp muôn nơi”.

Nghệ sĩ Vùng mỏ Dương Tuyết Nhung thì bảo rằng bà còn rất thích bài hát “Đường lên mỏ hôm nay” của nhạc sĩ Tân Huyền nữa. Là vợ, là mẹ của 2 giám đốc mỏ nhưng Nghệ sĩ Vùng mỏ Dương Tuyết Nhung ít lên thăm khai trường. Vì vậy, mỗi lần lên mỏ những cảm xúc của bà luôn tươi mới như ngày nào. Nói rồi bà cất giọng hát bài của nhạc sĩ Tân Huyền ngay trên đỉnh Đèo Nai: “Đường đi lên mỏ hôm nay có gì làm ta thêm ngất ngây/ Trời đẹp đồi xa nắng trải vỉa than đen lấp lánh chào áng mây/ Đường đi lên mỏ hôm nay cô gái chữa đường san đất nhanh tay/ Xe ta đi lên thêm nhiều chuyến/ Thợ máy khoan vui theo từng máng than đầy”.

Ông Phạm Duy Thanh, Giám đốc Công ty, bảo rằng Than Đèo Nai đã từng được đón rất nhiều văn nghệ sĩ đến thăm. Họ đã sáng tác rất nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật về Đèo Nai. Riêng lĩnh vực âm nhạc, cái tên Đèo Nai nghe thân thương êm tai dễ đi vào ca khúc, dễ hát lên.

Đèo Nai còn được đón nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến thăm. Có một vinh dự khác mà không đơn vị ngành Than nào có được, đó là mỏ than duy nhất được đón Bác Hồ về thăm năm 1959. Trong suốt 10 năm sau đó, Người đã dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt đến công nhân mỏ Đèo Nai. Ngày 15/11/1968, trong đoàn đại biểu được Bác Hồ gặp mặt tại Phủ Chủ tịch có 2 công nhân mỏ Đèo Nai. Tại đây, Bác đặc biệt quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của công nhân mỏ, nhất là chuyện bữa ăn hàng ngày. Bác đã khen ngợi và nêu gương bà Nguyễn Thị Cầm, cấp dưỡng nhà ăn Than Trụ, một trong 2 đại biểu của mỏ Đèo Nai có mặt hôm đó.

Du khách tham quan di tích quốc gia Bác Hồ về thăm mỏ Đèo Nai năm 1959.

Nhờ sự quan tâm của Bác, học và làm theo lời Bác, Đèo Nai đã phấn đấu vươn lên từ một công trường khai thác than trở thành Công ty Than Đèo Nai năm 1993 và Công ty CP Than Đèo Nai năm 2007 với số vốn điều lệ 80 tỷ đồng. Công ty đã đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động sản xuất, phong trào văn hóa, thể thao, tăng năng suất lao động, phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, tái cơ cấu.v.v. Nhờ vậy, Công ty đã liên tục hoàn thành vượt mức các kế hoạch, vinh dự được phong tặng 2 danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới, 5 lần được giữ Cờ thưởng thi đua luân lưu của Bác Hồ cho ngành Than, 2 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. 9 tháng đầu năm 2018, Công ty đã sản xuất được gần 1,7 triệu tấn than, tiêu thụ hơn 1,6 triệu tấn doanh thu trên 2.000 tỷ đồng, đạt 80% kế hoạch năm. Thu nhập bình quân của người lao động đạt khoảng 8 triệu đồng/người/tháng.

Nơi Bác Hồ đến thăm mỏ Đèo Nai và nói chuyện với công nhân mỏ (năm 1959) đã được khoanh vùng bảo vệ di tích và được công nhận là di tích quốc gia vào cuối năm 2016. Tới đây, Công ty sẽ đầu tư xây dựng nhà lưu niệm Bác Hồ trưng bày các hình ảnh hiện vật về Bác để phục vụ du khách khi đến thăm di tích.

Moong than Đèo Nai.

Một trong những điều hấp dẫn du khách là di tích này nằm trên đỉnh khai trường Đèo Nai, cao 280m so với mực nước biển. Đây không chỉ là khai trường cao nhất mà còn có điểm quan sát gần như đẹp nhất TP Cẩm Phả. Đứng trên đỉnh Đèo Nai, du khách có thể bao quát cả thành phố mỏ, những dãy nhà ngói đỏ của thợ mỏ, thấy những cảng than vươn dài; thấy những đảo đá trên Vịnh Bái Tử Long như những con rồng. Lên đỉnh Đèo Nai, trước phong cảnh bao la, hữu tình như vậy thì những du khách có tâm hồn nghệ sĩ dễ tức cảnh sinh tình mà có được cho mình những sáng tác mới. Tôi nghiệm ra điều Giám đốc Thanh nói quả là đúng khi thấy Nghệ sĩ Vùng mỏ Dương Tuyết Nhung và nhóm bạn của mình đã bắt nhịp và hát vang bài “Trên đỉnh Đèo Nai em hát”. Có người thuộc, người không thuộc lời nhưng tôi thấy ai cũng hồ hởi khi lên đỉnh Đèo Nai này.

Qua khai trường trụ 27 đến moong Lộ Trí, từng đoàn xe nối đuôi nhau chở đất đá, chở than ầm ì vang cả công trường. Sau lưng tôi, tiếng phi lao vi vút hòa vào tiếng gió, tiếng máy chạy, tiếng than reo.

Như lý giải cho không khí sản xuất sôi động này, ông Nguyễn Đăng Hưng, Chủ tịch Công đoàn Công ty, cho chúng tôi biết đơn vị vừa phát động đợt thi đua 90 ngày đêm sản xuất tiêu thụ than trong 3 tháng cuối năm, đẩy mạnh sản xuất tiêu thụ đảm bảo an toàn sản xuất cho công nhân. Công ty phấn đấu khai thác 2,1 triệu tấn năm 2018. Theo ông Hưng, để khích lệ công nhân, nếu anh em chạy xe vượt định mức đề ra Công ty sẽ nâng giá trị của chuyến chạy vượt đó lên đến 150% thậm chí lên gần 200% so với đơn giá bình thường.

Vận hành máy xúc siêu năng suất.

Chị Trang giới thiệu thêm với chúng tôi chiếc máy xúc công suất lớn như minh chứng cho không khí thi đua sản xuất dịp cuối năm. Chiếc máy mới đưa vào hoạt động, mỗi gầu xúc xuống là 12m3 đất đá được bốc lên.

Anh Trần Đình Hiền, công nhân làm việc ở Công trường Xúc, cho biết: “Chúng tôi đang vận hành sử dụng máy xúc của hãng CAT rất mới, hiện đại, thuộc dạng siêu năng suất. Công ty giao chúng tôi 3.400m3/ca. Nhưng chưa dừng ở đó, chúng tôi vận hành thuần thục bây giờ đã có thể nâng công suất lên đến 5.000m3/ca”.

Anh Hiền và đồng nghiệp cho máy chạy. Tiếng máy nổ vang vang. Vốn là người sợ tiếng ồn nếu mà nghe tiếng máy này ở ngoài đường chắc tôi khó chịu lắm. Nhưng khi lên mỏ, máy chạy cỡ nào tôi vẫn thấy êm tai. Phải rồi, trên mỏ Đèo Nai luôn có tiếng hát, tiếng than reo thành điệu nhạc, tiếng phi lao vi vút và tiếng người thợ như bài ca lao động say mê.

Ghi chép của Huỳnh Đăng

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/201810/tren-dinh-deo-nai-ta-hat-2406076/