Treo hơn 18 năm và chưa biết tiếp tục lỗi hẹn đến khi nào

Năm 2004, Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi, dài 28,7km, là đường đôi khổ lồng 1.000mm và 1.435mm. Trên tuyến sẽ xây dựng hai cầu đường sắt mới qua sông Hồng và sông Đuống để thay thế cầu Long Biên và cầu Đuống hiện tại. Điều đáng nói, đến nay sắp hết năm 2022, tức là đã hơn 18 năm dự án 'treo' đấy, song chưa thấy dấu hiệu triển khai…

Ga Hà Nội dự kiến sẽ được di dời cơ sở hạ tầng để bàn giao mặt bằng cho Hà Nội triển khai thực hiện Dự án đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi.

Ì ạch, tăng vốn sau nhiều năm đình trệ

Theo chủ trương được phê duyệt cho thấy, đường sắt sẽ được xây dựng cao tối thiểu 5m so với mặt đất. Toàn tuyến có 16 ga, trong đó 5 ga dùng chung giữa đường sắt đô thị và đường sắt quốc gia là Ngọc Hồi, Giáp Bát, Hà Nội, Gia Lâm, Yên Viên. Năm 2007, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, tách ra làm hai giai đoạn.

Giai đoạn một sẽ xây dựng tổ hợp Ngọc Hồi và đoạn Gia Lâm - Giáp Bát với tổng mức đầu tư 19.460 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA của Nhật Bản hơn 13.970 tỷ đồng, vốn đối ứng của Việt Nam là 5.480 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2017. Giai đoạn hai gồm xây dựng đoạn Giáp Bát - Ngọc Hồi và đoạn Yên Viên - Gia Lâm. Trong đó, giai đoạn 2A cho đoạn Giáp Bát đến Ngọc Hồi dài 5,6km, với tổng mức đầu tư 24.825 tỷ đồng (trong đó vốn vay ODA của Nhật Bản là hơn 20.340 tỷ đồng, vốn đối ứng 4.470 tỷ đồng).

Năm 2009, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã ký hợp đồng tư vấn kỹ thuật dự án với nhà thầu Nhật Bản là liên doanh 5 công ty mà đứng đầu là Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC). Tuy nhiên, vào năm 2014, một số quan chức của Ban Quản lý dự án đường sắt (RPMU) thuộc VNR bị truy cứu về nhận hối lộ của JTC Nhật Bản. Vụ việc đã ảnh hưởng lớn tới quá trình triển khai dự án đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi. Hợp đồng với đơn vị tư vấn nước ngoài phải chấm dứt, hồ sơ thiết kế kỹ thuật của tư vấn không được phê duyệt. Sau những bê bối dự án này đã được chuyển giao về Bộ GTVT làm chủ đầu tư.

Dự án đã tăng phần “ấn tượng” khi sang năm 2019, Bộ GTVT đã tính toán lại tổng mức đầu tư, dự kiến toàn tuyến đường sắt đô thị số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi cần khoảng 81.530 tỉ đồng mới đảm bảo triển khai. Lý giải về việc chậm tiến độ và đội vốn, đại diện Bộ GTVT cho biết, do dự án có quy mô lớn, kỹ thuật công nghệ mới, quá trình triển khai đã gặp phải nhiều khó khăn như xác định vị trí, phương án kiến trúc cầu đường sắt mới vượt sông Hồng; điều chỉnh hướng tuyến đoạn Gia Lâm đến ga Nam Long Biên để phù hợp với vị trí cầu mới; vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật và cơ chế tài chính, trượt giá xây dựng trong thời gian thực hiện.

Vị trí cầu Long Biên mới để thay thế cầu cũ cũng được các cơ quan bàn thảo, lấy ý kiến qua nhiều năm và đến nay vẫn chưa chốt phương án cụ thể. Và theo Luật Đường sắt, dự án đường sắt đô thị số 1 sẽ do UBND TP Hà Nội làm chủ đầu tư. Do đó, Bộ GTVT đang bàn giao hồ sơ, tài liệu liên quan đến dự án này để TP Hà Nội tiếp tục nghiên cứu, đầu tư trong thời gian tới.

Cuộc sống của người dân quanh dự án “treo” cũng lao đao

Từ năm 2014, Bộ GTVT đã lấy ý kiến về phương án xây dựng cầu đường sắt Long Biên mới qua sông Hồng, theo phương án cầu mới nằm theo tim cầu hiện tại, di dời 9 nhịp cầu cũ về phía thượng lưu để bảo tồn với chi phí khoảng 7.980 tỉ đồng. Sau đó hai năm, Hà Nội mới chốt phương án xây dựng cầu Long Biên mới cách cầu Long Biên hiện tại 75m về phía thượng lưu, kiến trúc dầm - vòm thép, chiều cao thấp để hạn chế che chắn tầm nhìn từ phía thượng lưu đối với cầu Long Biên.

Theo Luật Đường sắt, dự án đường sắt đô thị số 1 sẽ phải do UBND TP Hà Nội làm chủ đầu tư. Do đó, Bộ GTVT đang bàn giao hồ sơ, tài liệu liên quan đến dự án để TP Hà Nội tiếp tục nghiên cứu, đầu tư trong thời gian tới. Dự án này tiếp tục lỗi hẹn vào năm 2024, cầu Long Biên vẫn chưa được thay thế bằng cầu mới phục vụ giao thông đường sắt qua sông Hồng.

Một điều đáng quan tâm nữa đó là dự án ì ạch khiến cuộc sống của người dân quanh khu vực dự án nằm trong diện quy hoạch cũng lao đao. Chờ đợi hết năm này qua năm khác, thế nhưng khu Tổ hợp ga Ngọc Hồi (thuộc dự án đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi) vẫn đang trong tình trạng bỏ hoang, trở thành bãi chăn thả bò tự do, khiến đời sống của người dân tại đây chật vật vì mất kế sinh nhai.

Ông Nguyễn Thành Trung (Trưởng thôn Nhị Châu) cho rằng, việc dự án treo đã lâu, chưa triển khai nhiều năm nay cũng khiến đời sống của người dân gặp khi khăn, trở ngại. Dù người dân tại đây rất ủng hộ nhưng theo ông Trung, việc để đất hoang hóa như vậy thì rất lãng phí, nhân dân muốn tăng gia sản xuất cũng không thể làm được. Ở thôn Nhị Châu có khoảng 59 hộ chưa được bồi thường, nhiều người dân vì không có ruộng nên phải đi làm thuê, tìm việc khác kiếm kế sinh nhai, cuộc sống bị đảo lộn ít nhiều.

Được biết, mới đây Bộ GTVTsẽphối hợp Ủy ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và các đơn vị liên quan di dời cơ sở hạ tầng đường sắt quốc gia như ga Hà Nội, ga Giáp Bát để bàn giao mặt bằng cho Hà Nội triển khai thực hiện dự án đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi. Nhiều người dân sinh sống tại đây đều mong muốn dự án nhanh chóng triển khai để người dân bớt khổ. Thậm chí họ còn kỳ vọng vào dự án, mong muốn cơ quan chức năng, chủ đầu tư sớm có phương án để người dân có thể ổn định, thoát khỏi tình cảnh sống bên quy hoạch treo. Vì nếu như dự án được triển khai nhanh chóng thì rất có thể khu vực xung quanh sẽ được hưởng lợi, phát triển tiện ích, hạ tầng.

Đặng Nhật

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/treo-hon-18-nam-va-chua-biet-tiep-tuc-loi-hen-den-khi-nao-i668043/