Tréo ngoe chuyện lạm phát cấp phó vẫn thiếu người đi họp

Việc bố trí, sắp xếp vị trí việc làm chưa khoa học, dẫn tới tình trạng chồng chéo chức năng, nhiều người làm nhưng vẫn thiếu người họp.

Vất vả tí

Ngày 17/10, trao đổi với báo Đất Việt, ông Phan Văn Kha, Giám đốc sở Công thương TP. Đà Nẵng cho rằng, đơn vị đang gặp khó khăn do thiếu cấp phó để bố trí đi họp.

Lạm phát cấp phó vẫn thiếu người đi họp. Ảnh minh họa

Ông Kha cho biết, hiện tại nhân sự cấp phó của sở đang có 2 người. Việc thiếu hụt nhân sự có đôi lúc khiến sở gặp khó khăn trong việc bố trí, sắp xếp người đi họp. Trong khi đó, có trường hợp cán bộ đi họp hết khiến công việc buộc phải chững lại.

Trước khó khăn trên, ông Kha đã đề xuất xin bố trí thêm một cấp phó để củng cố thêm bộ máy quản lý, điều hành, giúp công việc trôi chảy, thuận lợi.

"Nếu chỉ có 2 người thì cũng phải sắp xếp công việc theo hai người, 1 người thì bố trí theo 1 người, vất vả hơn tí nhưng công việc vẫn chạy. Tôi lấy ví dụ, bình thường làm việc đến 5 giờ chiều thì bây giờ làm đến 5 giờ 30 - 6 giờ chiều mới nghỉ, cũng không sao cả. Nhưng nếu có thêm một người nữa thì sẽ phân công công việc tốt hơn, bố trí người đi họp hành cũng thuận lợi hơn", ông Kha chia sẻ.

Chồng chéo chức năng, lạm phát nhân sự

Tình trạng thiếu cấp phó đi họp được cho là nghịch lý bởi một thực tế khác được ở nhiều địa phương, cơ quan, sở, ban ngành là đang bị dư thừa hàng loạt lãnh đạo.

Theo kết quả giám sát năm 2017, ở địa phương, nếu biên chế trung bình của một cơ quan chuyên môn cấp tỉnh là 40 thì với tỷ lệ trung bình 8,1 phòng/sở, sẽ có đến 20 công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng trở lên (mỗi đơn vị gồm 1 cấp trưởng và từ 2 - 3 cấp phó). Ví dụ, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị có 25 biên chế, bố trí thành 8 phòng, mỗi phòng bố trí 2 - 3 người nên dẫn đến tình trạng người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý nhiều hơn nhân viên.

Tương tự, tình trạng “lạm phát” cấp phó cũng tồn tại ở nhiều tỉnh, thành phố. Một số địa phương có số lượng Phó giám đốc sở hoặc tương đương, số lượng Phó phòng cấp huyện vượt quá quy định. Đơn cử, TP Hà Nội có Sở Nội vụ; Hà Tĩnh có Văn phòng UBND tỉnh, Sở Y Tế, Sở NN&PTNT; Lai Châu có Sở NN&PTNT, Sở Công Thương; Bạc Liêu có Phòng LĐ-TB&XH huyện Hòa Bình, Phòng Tài chính - Kế hoạch TP Bạc Liêu...

Bình luận về hiện tượng tréo nghoe, ĐBQH Phạm Văn Hòa - Đồng Tháp cho rằng, đây là thực tế và nguyên nhân là do việc bố trí, sắp xếp vị trí việc làm chưa khoa học, dẫn tới tình trạng chồng chéo chức năng, nhiều người làm nhưng vẫn thiếu người họp.

Vị ĐB phân tích, theo nghị quyết của Trung ương về chủ trương tinh giảm biên chế, tinh gọn bộ máy, trong đó có mục tiêu giảm cấp phó tại một số cơ quan, sở ban ngành nhằm tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả.

Tuy nhiên, chủ trương là vậy song hiện đang tồn tại nhiều quy định về phân cấp, phân quyền, phân công chức năng, nhiệm vụ chưa rõ ràng, dẫn tới tình trạng bị chồng chéo chức năng, nhiệm vụ nhưng cơ chế chịu trách nhiệm lại không rõ ràng.

Ở cấp bộ ngành, tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, số đầu mối đơn vị hành chính tăng, tỷ lệ cán bộ lãnh đạo tăng.

Một nội dung chuyên môn do chuyên viên xử lý để được báo cáo lên Bộ trưởng thường phải trải qua quy trình 7 bước.

Cụ thể, (1) chuyên viên soạn thảo; (2) Phó trưởng phòng cho ý kiến; (3) Trưởng phòng cho ý kiến; (4) Phó Vụ trưởng cho ý kiến; (5) Vụ trưởng cho ý kiến; (6) Thứ trưởng duyệt văn bản; (7) Bộ trưởng xử lý, ký văn bản.

Trong xử lý công việc cũng vậy, do cơ chế tập thể lãnh đạo nên khi xảy ra sự cố cần giải quyết lập tức phải triệu tập hàng loạt cán bộ lãnh đạo các cấp, từ cấp phó, cấp vụ, cấp phòng cho tới các cấp lãnh đạo của các cơ quan, đơn vị có liên quan cùng phải tham gia họp hành, giải quyết.

Ví dụ, sự việc xảy ra trong lĩnh vực nào cơ quan đó phải chịu trách nhiệm chủ trì. Cơ quan chủ trì lại có thủ trưởng điều hành, có đơn vị phụ trách chuyên môn, lại có cả chuyên viên nghiên cứu... Tương tự, các đơn vị mời tham gia cũng phải có đầy đủ ban bệ như vậy. Việc của ngành nông nghiệp thì còn phải lấy ý kiến của ngành công thương, tài chính, kế hoạch đầu tư..., như vậy là rất nhiều đơn vị cùng tham gia.

Lại chuyện "lạm phát cấp phó": Không chỉ ở Hà Nội

Chính vì thế, rất nhiều cuộc họp được tổ chức, nhiều cơ quan ban ngành cùng tham gia nhưng nhiều khi vẫn không giải quyết được vấn đề do quá nhiều cơ quan cùng tham gia.

ĐBQH đoàn Đồng Tháp cho rằng, từ những bất cập trên đã dẫn tới nhiều hệ lụy nguy hiểm, điển hình là tình trạng giải quyết công việc không được tới nơi, tới chốn, bị nhây nhưa, kéo dài, không ai chịu trách nhiệm.

Để giải quyết triệt để tình trạng lạm phát cán bộ, nhiều tầng nấc, không tinh giảm được biên chế nhưng vẫn thiếu người đi họp, ĐBQH Phạm Văn Hòa cho rằng phải thay đổi tư duy quản lý, không thể tồn tại cơ chế tập thể lãnh đạo, tập thể chịu trách nhiệm được.

Bên cạnh đó, việc tổ chức, sắp xếp lại bộ máy, đặc biệt là các đơn vị hành chính hiện nay là hết sức quan trọng nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, ý thức phục vụ của cán bộ công chức, viên chức đối với với nhân dân. Mặt khác, nó còn giúp giảm được việc chi thường xuyên ngân sách cho một bộ máy Nhà nước hoạt động chưa thực sự hiệu quả.

Hoài An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/treo-nghoe-chuyen-lam-phat-cap-pho-van-thieu-nguoi-di-hop-3367490/