Tri ân 'báu vật sống' đờn ca tài tử

Ngoài nhà trưng bày, tỉnh Đồng Tháp còn xây tặng nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo ngôi nhà rộng 200 m2 tại TP Cao Lãnh

Sau gần 45 năm rời xa quê hương Đồng Tháp, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo - người được xem là "báu vật sống" của nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ - đã quyết định trở về sinh sống tại nơi ông được sinh ra và lớn lên.

Cơn mưa chiều không ngăn dòng người mộ điệu kéo đến dự lễ khánh thành nhà trưng bày "Nguyễn Vĩnh Bảo - Giai điệu và cuộc đời" nằm trong khuôn viên Bảo tàng Đồng Tháp (226 Nguyễn Thái Học, phường 4, TP Cao Lãnh).

Nhà trưng bày có 5 không gian: Khu vực trung tâm - tái hiện đúng gian phòng của ngôi nhà ông đã sinh sống 70 năm cùng 4 nội dung: Quê hương và gia đình; Quá trình hoạt động âm nhạc dân tộc; Nhạc sư trong lòng công chúng và giới chuyên môn; Những thành tích nổi bật trong 80 năm nghiên cứu, sáng tác và truyền dạy.

Trước tấm chân tình của lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, cách đây 3 tháng, nhạc sư Vĩnh Bảo quyết định trao tặng toàn bộ tư liệu về sự nghiệp âm nhạc ông theo đuổi cả đời cho tỉnh nhà, gồm: sách, giáo trình, tư liệu giảng dạy đàn tranh, băng đĩa các loại, những bài báo trong và ngoài nước viết về nhạc sư, những tư liệu trao đổi qua lại giữa ông với GS-TS Trần Văn Khê và các học trò, thủ bút của nhạc sư, những bài giảng, huân chương, bằng khen trong và ngoài nước... Nguyện vọng của ông là tiếp tục truyền dạy cho thế hệ trẻ về nhạc cụ dân tộc; đồng thời muốn nhà trưng bày sẽ là không gian ĐCTT Nam Bộ đúng nghĩa.

Nhìn nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo bước đi thật chậm lên sân khấu hòa đàn cùng các con là nghệ sĩ Tiến Anh, Thu Anh, khán giả ai nấy đều xúc động. Tiếng đàn kìm, đàn gáo của vị nhạc sư đã 101 tuổi vẫn mềm mại, ngân vang như tinh thần tuệ mẫn của ông.

Những câu chuyện nhạc sư kể về tuổi thơ: 13 tuổi đi rải truyền đơn chống thực dân Pháp khiến ông bị đuổi học, rời Đồng Tháp ra đi tìm nghề tự nuôi sống bản thân và tiếp tục học các loại nhạc cụ dân tộc... đã làm say mê khán giả.

Nhạc sư Vĩnh Bảo hòa đàn trong lễ khánh thành nhà trưng bày "Nguyễn Vĩnh Bảo - Giai điệu và cuộc đời"

Những ngày qua, các thế hệ nghệ sĩ, nghệ nhân ĐCTT Nam Bộ khắp nơi nôn nao chờ đợi được diện kiến ông tại ngôi nhà mới. Nhìn nhạc sư Vĩnh Bảo cười nói vui vẻ, hoạt bát trong chương trình khánh thành nhà trưng bày mang tên mình (chiều 18-8) và chương trình giao lưu nghệ thuật với sinh viên Trường ĐH Đồng Tháp nhân lễ mừng thọ 101 tuổi của ông (chiều 19-8), các nghệ sĩ và đông đảo khán giả, người dân Đồng Tháp cảm thấy hãnh diện. Công trình này không chỉ mang lại niềm tự hào cho người dân Đồng Tháp mà còn là không gian bảo lưu nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ, hứa hẹn nâng tầm văn hóa du lịch cho cả đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài nhà trưng bày nằm trên nền đất của thầy thuốc Lu có tuổi thọ hơn 100 năm, tỉnh Đồng Tháp còn xây tặng nhạc sư ngôi nhà rộng 200 m2 tọa lạc tại số 134 Đinh Bộ Lĩnh, TP Cao Lãnh. Ngôi nhà do chính quyền tỉnh Đồng Tháp vận động một số doanh nghiệp cùng nhau đóng góp xây dựng nhằm tri ân sự cống hiến của nhạc sư Vĩnh Bảo đối với âm nhạc truyền thống và nghệ thuật của nước nhà. Nhà được xây dựng khang trang, nằm cạnh dòng kênh xanh. Theo nguyện vọng của nhạc sư, đây sẽ là nơi ông tiếp tục cống hiến cho âm nhạc nước nhà thông qua những buổi giao lưu, gặp gỡ các sinh viên, học sinh, các nghệ nhân ĐCTT muốn tìm hiểu về âm nhạc truyền thống.

Bí thư tỉnh Đồng Tháp - Lê Minh Hoan trao tặng bức tranh thư pháp trong ngày mừng thọ nhạc sư Vĩnh Bảo 101 tuổi - sáng 19-8 tại Đại học Đồng Tháp. Ảnh: Thanh Hiệp

"Không ngờ sau 43 năm, tôi lại được sống tại quê nhà. Đồng Tháp bây giờ thay đổi quá nhiều nhưng tình nghĩa và con người Đồng Tháp vẫn nguyên vẹn. Tôi xúc động trước sự tiếp đón của người Đồng Tháp dành cho mình" - nhạc sư bày tỏ xúc động.

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo sinh năm 1918 tại làng Mỹ Trà, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc - nay là phường 1, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Ông đã trải qua nhiều năm tháng nghiên cứu và giảng dạy âm nhạc dân tộc ở nhiều nơi trong và ngoài nước, nhất là với loại hình ĐCTT Nam Bộ. Ông đã học nhiều loại nhạc cụ từ năm 10 tuổi, luyện nét riêng cho từng ngón đàn: tranh, bầu, nguyệt, kìm, gáo, cò... và hệ thống các bài bản với giáo trình giảng dạy bằng Pháp ngữ. Giới chuyên môn gọi ông là "đệ nhứt danh cầm".

Nhạc sư Vĩnh Bảo có 5 người con. Trong đó, nghệ sĩ Tiến Anh theo nghề cha dạy đàn tranh cho giới trẻ. Tam Anh là hậu duệ nghề đóng đàn tranh theo kỹ thuật của cha. Còn nghệ sĩ Thu Anh - trưởng nữ, chơi đàn tranh rất giỏi - là người giữ gìn những di sản của cha lâu nay để trao lại cho nhà trưng bày.

Nhạc sư Vĩnh Bảo được xem như "quốc gia chi bảo" vì có công lao rất lớn trong việc gìn giữ và giúp ĐCTT Nam Bộ vang xa trên thế giới.

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/tri-an-bau-vat-song-don-ca-tai-tu-20180819213530093.htm