Tri ân dân công hỏa tuyến

Sáng 12-7, tại Nhà bia tưởng niệm thôn Nam Sơn (xã Hòa Tiến, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng), Ban liên lạc cán bộ, chiến sĩ Khu II Hòa Vang, tỉnh Quảng Đà (cũ) phối hợp với các xã Hòa Tiến và Điện Tiến (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) tổ chức lễ tri ân 23 liệt sĩ đã ngã xuống cách đây tròn 48 năm vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Sáng 12-7, tại Nhà bia tưởng niệm thôn Nam Sơn (xã Hòa Tiến, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng), Ban liên lạc cán bộ, chiến sĩ Khu II Hòa Vang, tỉnh Quảng Đà (cũ) phối hợp với các xã Hòa Tiến và Điện Tiến (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) tổ chức lễ tri ân 23 liệt sĩ đã ngã xuống cách đây tròn 48 năm vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Ban liên lạc cán bộ, chiến sĩ Khu II Hòa Vang tổ chức lễ giỗ chung các liệt sĩ tại Nhà bia tưởng niệm thôn Nam Sơn.

Ban liên lạc cán bộ, chiến sĩ Khu II Hòa Vang tổ chức lễ giỗ chung các liệt sĩ tại Nhà bia tưởng niệm thôn Nam Sơn.

Theo tư liệu, chấp hành chỉ lệnh của Mặt trận 44 Đặc khu Quảng Đà, Khu II Hòa Vang hợp đồng tác chiến với đơn vị Pháo binh 575 quyết tâm pháo kích vào căn cứ liên hợp Sân bay Đà Nẵng, nơi xuất phát gây ra biết bao tội ác với nhân dân 2 miền Nam, Bắc; đêm 13-7-1972, Phó Bí thư Khu ủy Khu II Ngô Văn Đông (1938, quê xã Hòa Tiến) chỉ huy trực tiếp cùng với Đảng ủy xã Điện Sơn (nay thuộc xã Điện Tiến) tổ chức thực hiện huy động nhân dân phục vụ việc vận chuyển đạn dược cùng với các cơ sở cách mạng xã Hòa Tiến. Một lực lượng dân công hỏa tuyến xã Điện Sơn khoảng 50 người thay nhau khiêng vác bộ một số lượng lớn đạn pháo DKB, tên lửa A12 từ bến đò Bà Diên (thượng nguồn sông Yên) đến các trận địa pháo binh 575 đặt tại xã Hòa Tiến.

Trên đường vận chuyển ngang qua nổng cát trắng thôn Nam Sơn thì đoàn tải đạn bị máy bay địch phát hiện phóng rocket xối xả, cùng với tiếng gầm rú của xe tăng và những đợt xung phong liên tiếp của kẻ thù đã sát hại tại chỗ 23 người. Ông Đông và 22 người trong đoàn hy sinh tại chỗ, nhiều người còn bị địch bắt tù đày; trong số những người hy sinh có 18 người là dân công hỏa tuyến xã Điện Sơn mà nhiều người tuổi đời vừa mới mười bốn, đôi mươi như các chị Phạm Thị Hoa, Nguyễn Thị Mai, Nguyễn Thị Cúc...

Những phụ nữ tham gia tải đạn còn sống sót viếng hương tưởng nhớ đồng đội.

Bà Nguyễn Thị Húy (1957, trú xã Điện Tiến) trải lòng, mặc dù được sống sót trong đêm hôm đó nhưng khoảng thời gian ấy vẫn còn là quá ít để có thể xóa đi những vết thương tinh thần mà nó để lại trong lòng bà. Nỗi đau mất người thân, bạn bè vẫn âm thầm dấy lên trong lòng những người còn sống. "Thế hệ chúng tôi lớn lên vào đúng giai đoạn lịch sử ấy. Kẻ cuốc, người cày, người đang đi học cũng đều tự giác tham gia cách mạng và không ít người hy sinh ngay trên mảnh đất mà cha mẹ đã sinh ra mình", bà Húy bộc bạch.

Được biết, trong chiến dịch Hè 1972, lãnh đạo Khu II Hòa Vang chọn Đảng bộ và nhân dân xã Điện Sơn đứng trên tuyến đầu trừng trị quân thù. Và sự kiện đêm 13-7 tuy có tổn thất về người và của, song bài học lớn thu được là mỗi khi lợi ích của đất nước và nhân dân hòa quyện thành "Ý Đảng, lòng dân" thì không một khó khăn nào không thể vượt qua. Bao đau thương trong vụ thảm sát đó đã không làm chùn bước những người sống sót. Họ tiếp tục sống với bom đạn và những trận càn quét hủy diệt. Bây giờ, họ lại là những người tiên phong cùng với chính quyền địa phương trong việc xây dựng và phát triển quê hương, làng xóm ngày càng thêm sức sống.

Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Hòa Vang (trái) tặng Kỷ yếu Khu II Hòa Vang cho thân nhân liệt sĩ.

Đến dự và phát biểu tại lễ tưởng niệm, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Hòa Vang Lê Văn Hùng Vương nhấn mạnh, Bia tưởng niệm 23 liệt sĩ tại thôn Nam Sơn phải được chính quyền các địa phương hợp sức tôn tạo, xứng tầm với sự hy sinh vì nghĩa lớn của người dân trong khu vực. Hy vọng sau sự kiện này, nơi đây sẽ sớm hình thành một Khu lưu niệm chung mang hơi thở của một thời hoa lửa cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Có thể nói, vành đai giáp ranh dưới chân núi Bồ Bồ của 2 xã Điện Tiến, Hòa Tiến hôm nay vẫn đứng hiên ngang, trầm mặc giữa đất trời quê hương. Màu xanh của sự sống yên bình thức dậy từ mặt đất đầy đạn bom đang mênh mang, say sưa trong hương đất ngọt ngào. Cùng với vùng thượng nguồn sông Yên êm ả, tháng năm cần mẫn mang phù sa đắp bồi cho đất, tiếp tục cải thiện cho cuộc sống người dân ở rốn "mưa bom, lửa đạn" này. Điều đáng ghi nhận là bên cạnh việc tổ chức tri ân, Ban liên lạc cán bộ, chiến sĩ Khu II Hòa Vang còn phối hợp với nhân dân địa phương tổ chức lễ giỗ chung cho 23 liệt sĩ nhân kỷ niệm 27-7 và tặng Kỷ yếu cho thân nhân các liệt sĩ và vinh danh những người đã trực tiếp tham gia trong đoàn tải đạn đêm hôm đó.

VY HẬU

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_227896_tri-an-dan-cong-hoa-tuyen.aspx