Tri ân đồng bào có công bảo vệ cách mạng

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Quyết định 1006/QĐ-TTg, ngày 30-8-2023 công nhận xã an toàn khu, vùng an toàn khu thuộc tỉnh Kiên Giang. Theo đó, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) có 7/7 xã là xã an toàn khu. Việc công nhận xã an toàn khu, vùng an toàn khu có ý nghĩa quan trọng, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, chính sách đền ơn đáp nghĩa của Đảng, Nhà nước ta.

Vĩnh Thuận là vùng đất gắn liền với những chiến công hiển hách đánh giặc giữ nước vĩ đại của dân tộc, là căn cứ địa cách mạng vững chắc qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Năm 1867 nghĩa quân của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực từng đóng quân tại vùng Cái Nứa, Đồng Tranh, Đường Sân, Sân Gạch để kháng Pháp.

Năm 1872 tại vùng đất Vĩnh Thuận - U Minh, hai anh em Đỗ Thừa Luông, Đỗ Thừa Tự đã lãnh đạo dấy lên phong trào nông dân đấu tranh giết bọn lính mã tà, đắp cản chống cự giặc đến đàn áp.

Đại tướng Lê Hồng Anh (hàng đầu, thứ ba, từ phải qua) - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư kiểm tra tiến độ xây dựng công trình Khu chứng tích chiến tranh rừng tràm Bang Biện Phú và đền thờ anh hùng, liệt sĩ, người có công huyện Vĩnh Thuận.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, kẻ thù đã dùng nhiều chiến thuật, chiến lược với những mưu mô xảo quyệt, thâm độc và tàn ác; tập trung lực lượng, vũ khí càn quét, bình định, lấn chiếm, gom dân ra vùng địch kiểm soát, tách dân ra khỏi Đảng để tiêu diệt cách mạng.

Giặc tập trung lực lượng đông và mạnh như quân bảo an, dân vệ, địa phương, chủ lực... ; tăng cường bộ máy kềm kẹp, bọn đặc khu An Phước, tình báo, công an, gián điệp, tâm lý chiến, sử dụng bọn địa chủ, lưu manh phản động, ác ôn, bọn đầu hàng, phản bội như Lâm Quang Phòng, Phạm Dữ, Cái Văn Ngà, Đỗ Mậu Lâm, Du Xuân Nở… để ra tay sát hại cán bộ và quần chúng nhân dân.

Mỹ - ngụy đã sử dụng nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại và các chiến thuật tân kỳ như trực thăng vận (nhảy dù, đổ quân), pháo đài bay B-52, thiết xa vận, hạm đội nhỏ trên sông… đánh phá, rải chất độc hóa học để phá hoại địa hình, tiêu diệt cơ sở cách mạng. Địch mở hàng ngàn cuộc càn quét đánh phá và mở chiến dịch “nhổ cỏ U Minh” để giành dân, giành đất với ta.

Song, quân và dân huyện Vĩnh Thuận vẫn kiên cường bám trụ quyết chiến, quyết thắng với kẻ thù. Vĩnh Thuận trở thành một căn cứ lòng dân bảo vệ tuyệt đối an toàn cho Khu ủy Tây Nam bộ, Trung ương Cục miền Nam, Tỉnh ủy Rạch Giá…; nuôi chứa, đùm bọc nhiều cán bộ lãnh đạo như cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, Trung tướng Đồng Văn Cống, Trung tướng Nguyễn Đệ, Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ - nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ…

Ngày 20-12-1994, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Vĩnh Thuận. Các xã Vĩnh Bình Bắc, Vĩnh Bình Nam, Vĩnh Thuận, Vĩnh Phong được phong tặng xã anh hùng.

Huyện Vĩnh Thuận có các đồng chí Đặng Chí Anh (Hai Công Nhân), Mai Thành Tâm, Mai Văn Trương, Phạm Thành Lượng (Phạm Truyền Thống) được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Hơn 2.000 người con của quê hương Vĩnh Thuận anh dũng hy sinh cho độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

Được công nhận xã an toàn khu, vùng an toàn khu là sự tri ân to lớn của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào vùng căn cứ kháng chiến Vĩnh Thuận. Nơi có những “địa chỉ đỏ” góp phần quan trọng giáo dục truyền thống cách mạng như Khu di tích Ranh Hạt - nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Kiên Giang; khu tập kết 200 ngày đêm “đi vinh quang, ở anh dũng” vàm Chắc Băng; Khu chứng tích chiến tranh rừng tràm Bang Biện Phú và đền thờ anh hùng, liệt sĩ, người có công huyện Vĩnh Thuận…

Người dân Vĩnh Thuận được thụ hưởng các chính sách quan trọng trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, khám và điều trị bệnh; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; đời sống vật chất, tinh thần tiếp tục cải thiện.

Công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị lịch sử cách mạng sẽ được quan tâm đầu tư; cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân trong huyện tích cực thi đua lao động, sản xuất, góp phần xây dựng quê hương Vĩnh Thuận anh hùng ngày càng đổi mới, phát triển.

VÕ THANH XUÂN

(Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Vĩnh Thuận)

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/chinh-tri/tri-an-dong-bao-co-cong-bao-ve-cach-mang-17456.html