Trì hoãn 2 năm, đến giờ đồng minh số 1 của Nga mới nhận được Su-30SM

Sau một thời gian dài trì hoãn thì cuối cùng không quân Belarus cũng đã nhận được những chiến đấu cơ đa năng Su-30SM đầu tiên từ Nga.

Bộ Quốc phòng Belarus cho biết, 2 chiếc tiêm kích Su-30SM đầu tiên trong tổng số 12 máy bay mà nước này đặt hàng tổ hợp Irkut chế tạo đã đến căn cứ không quân số 61 ở Baranovichy vào ngày 13/11.

Bộ Quốc phòng Belarus cho biết, 2 chiếc tiêm kích Su-30SM đầu tiên trong tổng số 12 máy bay mà nước này đặt hàng tổ hợp Irkut chế tạo đã đến căn cứ không quân số 61 ở Baranovichy vào ngày 13/11.

Vào tháng 6/2017, Belarus và Nga đã đồng ý ký hợp đồng cung cấp 12 máy bay chiến đấu Su-30SM thế hệ mới nhất, dự kiến từ nay trở đi mỗi năm Belarus sẽ nhận 4 chiếc.

Như vậy Belarus là quốc gia thứ hai sau Kazakhstan được tiếp nhận tiêm kích Su-30SM bản nội địa của Nga, đây là một phần trong chính sách của Matxcova nhằm tạo lập hàng rào phòng thủ từ xa cho chính mình.

Điều cần lưu ý là trong khi Belarus chỉ mới nhận được chiếc Su-30SM đầu tiên thì không quân Kazakhstan đã được Nga bàn giao đủ số lượng 12 chiếc Su-30SM từ đầu năm nay.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên được Bộ trưởng Quốc phòng Belarus Andrei Ravkov thông báo rằng do các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Nga mà việc cung cấp thiết bị và bảng điện tử cho máy bay gặp một số trục trặc.

Điều này dẫn tới việc Nga không thể giao máy bay chiến đấu Su-30SM cho nước cộng hòa Belarsus đúng thời hạn, tuy nhiên việc giao hàng có thể được thực hiện vào năm 2019, và thực tế dự định này đã hoàn thành.

Tiêm kích đa năng Su-30SM đã bắt đầu phục vụ trong lực lượng không quân Nga từ năm 2012 và đến năm 2014 thì không quân hải quân Nga cũng tiếp nhận dòng chiến đấu cơ đa năng này.

Tiêm kích đa năng Su-30SM là trường hợp "nội địa hóa ngược" điển hình của Nga, nó được chế tạo dựa trên cấu hình của Su-30MKI xuất khẩu cho Ấn Độ.

So với Su-30MKI thì Su-30SM sử dụng hệ thống điện tử hàng không thuần chất Nga chứ không "cấy ghép" thêm nhiều thiết bị có nguồn gốc Pháp hay Israel như máy bay Ấn Độ.

Điều này mặc dù phần nào có thể gây ảnh hưởng tới sức chiến đấu nhưng lại đảm bảo tốt hơn cho công tác bảo dưỡng, duy trì hệ số kỹ thuật cho máy bay.

Các thành phần cốt lõi của chiếc tiêm kích đa năng này cũng tương tự với Su-30MKI của Ấn Độ, đầu tiên là radar mảng pha quét thụ động N011M BARS.

Radar N011M BARS là thế hệ trước của N035 Irbis lắp trên Su-35S, nó cũng có tầm trinh sát tối đa 400 km nhưng kém nhạy hơn với vật thể bay có diện tích phản xạ radar nhỏ.

Động cơ của Su-30SM là loại kiểm soát vector lực đẩy 2 chiều (2D TVC) AL-31FP, nó thua kém một chút so với loại AL-41F1S 3D TVC của Su-35S.

cNhưng nhờ sự kết hợp cùng cánh mũi mà tiêm kích đa năng Su-30SM vẫn có khả năng thực hiện các động tác thao diễn linh hoạt chẳng thua kém Su-35S là bao.

Tuy nhiên có thể thấy thông qua sự trục trặc của quá trình giao hàng thì khả năng cao không quân Belarus đã đề nghị "cấy ghép" các thành phần điện tử không phải do Nga sản xuất.

Nhưng dưới hiệu lực của các lệnh cấm vận, có lẽ không quân Belarus đã đồng ý sẽ sử dụng hoàn toàn thiết bị điện tử hàng không do Nga chế tạo để việc cung cấp máy bay diễn ra suôn sẻ hơn.

Theo Việt Dũng/An ninh Thủ đô

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/tri-hoan-2-nam-den-gio-dong-minh-so-1-cua-nga-moi-nhan-duoc-su-30sm/20191122090215874