Tri thức hóa nông dân phát triển nông nghiệp nông thôn - Bài cuối: Nền tảng phát triển nông thôn

Khi đã có nền tảng phát triển năng lực trong nước, đội ngũ nông dân Việt Nam ngày càng trở nên năng động và linh hoạt hơn trong sản xuất, đặc biệt là sản xuất cung ứng cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, đáp ứng được yêu cầu của thị trường nói chung, thị trường khó tính nói nói riêng.

Xưởng làm gốm Chu Đậu. Ảnh: Đỗ Phương Anh/TTXVN

Xưởng làm gốm Chu Đậu. Ảnh: Đỗ Phương Anh/TTXVN

Trong nhiều chương trình phát triển kinh tế nông thôn của Chính phủ đề ra, người nông dân luôn là chủ thể chủ đạo để thúc đẩy các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội. Thậm chí, ngay trong và sau khi ứng phó dịnh bệnh COVID-19, vai trò của người nông dân Việt Nam không suy chuyển, khi cả nước cần nguồn lương thực, thực phẩm sau phục hồi kinh tế, hoạt động chế biến, xuất khẩu rất cần nguyên liệu để đẩy mạnh giao thương, cung ứng hợp đồng. Từ đó có thể thấy, người nông dân tri thức sẽ có nhiều phương pháp, giải pháp sản xuất tối ưu, giúp nông thôn được giữ vững và phát triển.

Bàn đạp xây dựng nông thôn mới

Từ các chương trình hành động của Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ có thể thấy, Chính phủ đã dành nhiều chương trình ưu tiên cho nông dân Việt Nam phát triển, như nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người dân nông thôn, chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn 2045, giải pháp phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…

Theo đánh giá của bà Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội nông dân Việt Nam, trong 5 năm qua, dưới sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng và nhà nước với nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững tiếp tục đạt được nhiều kết quả, có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo động lực khích lệ nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, vươn lên làm giàu.

Đặc biệt, người nông dân giỏi, điển hình, với tri thức cao sẽ nắm bắt nhanh nhạy những chương trình đào tạo, chương trình hành động trong sản xuất, tiến tới xây dựng nông thôn phát triển, văn minh, hiện đại, tiến gần tới văn minh đô thị, rút ngắn khoảng cách kinh tế và văn hóa với khu vực đô thị. Có tri thức, nông dân nông thôn vượt qua những rào cản nhận thức hạn hẹp, sẵn sàng đầu tư cho những thứ lớn hơn ngoài mảnh ruộng, vườn rau, ao cá,… Đây là nền tảng để các địa phương làm bàn đạp trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 2/2023, cả nước có hơn 6.000/8.211 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong những xã đạt chuẩn nông thôn mới này, có hơn 950 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, hơn 110 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Nhờ sự phát triển tri thức của người nông dân mà tỷ lệ xã nông thôn mới nâng cao và xã nông thôn mới kiểu mẫu ngày càng tăng lên trong hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới vừa qua.

Nhìn từ thành phố Cần Thơ, địa phương trung tâm của 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, tính đến thời điểm này, thành phố Cần Thơ đã có 100% xã nông thôn mới, 25/36 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, trong năm 2022, thành phố Cần Thơ đã huy động hơn 1.550 tỷ đồng thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; trong đó vốn ngân sách nhà nước hơn 620 tỷ đồng, vốn tín dụng hơn 740 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp hơn 173 tỷ đồng, vốn huy động từ người dân, cộng đồng hơn 14 tỷ. Đó là chưa kể đến những người dân hiền đất làm đường giao thông nông thôn. Điều này có thể nhận thấy, với trình độ tri thức cao của người nông dân, thì việc đầu tư vào những thứ lớn lao để làm sáng hơn vùng nông thôn là điều cần thiết. Từ đây, sản xuất, phát triển kinh tế sẽ thuận lợi, thu hút nhiều nhà tiêu thụ đến với nông thôn hơn.

Hướng đến hội nhập đa chiều

Khi đã có nền tảng phát triển năng lực trong nước, đội ngũ nông dân Việt Nam ngày càng trở nên năng động và linh hoạt hơn trong sản xuất, đặc biệt là sản xuất cung ứng cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, đáp ứng được yêu cầu của thị trường nói chung, thị trường khó tính nói nói riêng.

Là một địa phương có thế mạnh về công nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch, nhưng thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều đề án đưa nông dân đi học tập kinh nghiệm sản xuất ở nước ngoài, nhằm trang bị nhiều hơn kiến thức cho nông dân, tăng khả năng cạnh tranh về kiến thức lẫn kinh nghiệm sản xuất cho đội ngũ nông dân thành phố.

Bà Nguyễn Thanh Xuân, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, nông dân thành phố Hồ Chí Minh được Đảng và chính quyền quan tâm, không chỉ khuyến khích việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng chất lượng và hiệu quả cao, mà còn chăm lo phát triển nguồn lực lao động nông nghiệp ngang tầm với yêu cầu công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn thành phố. Trong những gần 10 năm qua, thành phố Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện cho đội ngũ nông dân đi học tập sản xuất ở nước ngoài, quan sát cách làm của các quốc gia có trình độ khoa học kĩ thuật cao để có thể tích lũy kinh nghiệm, duy trị sản xuất hiệu quả tại nông trại của mình.

Trong suốt thời gian từ 2006 cho đến nay, Hội Nông dân thành phố đã được phê duyệt đưa hàng trăm nông dân đi học hỏi, giao lưu kinh nghiệm sản xuất tại Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc,… đồng thời học hỏi cách áp dụng công nghệ mới trong nông nghiệp, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu. Điển hình cho những nông dân tiêu biểu đi học tập kinh nghiệm sản xuất tại nước ngoài, bà Đặng Lê Thị Thanh Huyền chia sẻ, quy trình sản xuất và ứng dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất hoa lan tại Malaysia và Singapore rất đa dạng và chặt chẽ. Nhờ đó, bà Đặng Lê Thị Thanh Huyền đã mạnh dạn mở rộng vườn lan tại Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh, và thành lập Hợp tác xã hoa lan Huyền Thoại với diện tích hơn 30 ha, có 13 thành viên sản xuất hoa lan khác tham gia. Những sản phẩm hoa lan của Hợp tác xã hoa lan Huyền Thoại đủ tiêu chuẩn đáp ứng cho nhu cầu của thị trường trong nước, đồng thời có thể xuất khẩu sang Lào, Campuchia.

Đánh giá về hiệu quả khi được đi giao lưu, học hỏi kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp tại nước ngoài, anh Trần Văn Bạch, nông dân chuyên sản xuất hoa lan tại quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh cho biết, muốn sản xuất giỏi, tiến bộ, thì bản thân phải không ngừng học hỏi, cầu tiến, không ngại khó. Nếu nông dân nước bạn làm được, thì nông dân Việt Nam cũng phải nỗ lực để tìm tòi, làm được sản phẩm chất lượng tương tự mới có thể cạnh tranh.

Những nông dân này không chỉ là nòng cốt trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi mà còn là những khuyến nông viên tự nguyện cơ sở ở ngoại thành, sẵn sàng giúp đỡ kiến thức kinh nghiệm cho nông dân lân cận.

Hơn nữa, nông dân phải tham gia các hội, nhóm để có thể học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Những nông dân chưa đủ điều kiện đi học tập ở nước ngoài rất cần tham gia vào hội nhóm trao đổi kiến thức và kinh nghiệm sản xuất. Ở đó, họ sẽ có thêm điều kiện trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu kết quả ứng dụng việc học ở nước ngoài, được dự các hội thảo kỷ thuật chuyên môn, giới thiệu sản phẩm mới, anh Trần Văn Bạch cho biết thêm.

Trinh Hoàng Nhan (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/tri-thuc-hoa-nong-dan-phat-trien-nong-nghiep-nong-thon-bai-cuoi-nen-tang-phat-trien-nong-thon-20230425173521386.htm