Trí thức Việt Nam với vận mệnh quốc gia

TS. Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sảnXuyên suốt lịch sử dựng nước và giữ nước, nhìn khắp các triều đại, thời nào biết quý trọng trí thức, quy tụ và phát huy được sức mạnh trí tuệ trong tầng lớp tinh hoa của dân tộc, triều đại ấy hưng thịnh. Trái thế tất là suy vong.

Lẽ tất yếu thịnh suy, hưng phế ấy, kỳ thực được các bậc tiên hiền tổng kết. Khi bàn về quy luật thịnh suy của mọi thời, cách nay hơn 250 năm, Bãng nhãn Lê Quý Đôn khái quát: “Phi trí bất hưng” hợp thành trong tổng thể của bốn lẽ “phi nông bất ổn”, “phi công bất phú”, “phi thương bất hoạt”. Thông điệp ấy như một lời răn dạy nghiêm cẩn của ông trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước!

Trước thời Bảng Nhãn Lê Quý Đôn độ 300 năm, trên tấm văn bia tiến sĩ đầu tiên khoa Nhâm Tuất (1442) dựng tại “Văn Miếu”, Tiến sĩ Thân Nhân Trung tạc một thông điệp đáng của muôn thời: “… Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết…”.

Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt và phát triển của thế giới xưa nay càng xác tín, lãng phí lớn nhất là lãng phí nhân tài, cạnh tranh lớn nhất là cạnh tranh nhân tài. Không một quốc gia nào trở nên hùng cường mà không thu hút và trọng dụng nhân tài. Việt Nam ta không thể trở nên hùng cường và Dân tộc không thể trường tồn, nếu không tôn vinh, trọng dụng con người, nhất là chưa đối đãi xứng đáng với trí thức, nhất là với những bậc hiền tài.

Lại nhớ vì sao trên thế giới 20 năm nay xuất hiện các Công ty headhunter (hay còn gọi là Công ty Săn đầu người) chuyên “săn chất xám” của các nhân tài theo yêu cầu đặt hàng từ công ty khách hàng. Công ty headhunter mang đến cho doanh nghiệp nguồn nhân sự chất lượng, nhất là các ứng viên tài năng cho các vị trí thuộc cấp độ quản lý trở lên mà tối ưu chi phí tuyển dụng. Những vị trí cần “săn” ứng viên thường là vị trí quan trọng trong doanh nghiệp và doanh nghiệp không muốn công khai thông tin tuyển dụng vị trí này một cách rộng rãi.

Tròn nửa năm nay, ngày 30.11.2022, giới công nghệ thế giới đang rung chuyển bởi ChatGPT ra mắt. Không ít người lo ngại, nó sẽ thay thế con người! Đúng là nó sẽ thay thế một số công việc của con người, nhưng không thể thay thế con người, càng không thể thay thế người trí thức. Nó chỉ là sản phẩm của một phần trí tuệ người vô lượng, đang được dẫn dắt bởi trí thức. Trí thức đã và đang làm đảo lộn văn minh thế giới, nâng lên được thì cũng đặt xuống được.

Thiên chức của trí thức muôn đời là vậy.

*

* *

Vì sự ổn định - phát triển - phú cường - danh dự của đất nước

Xem vị thế, xét thiên chức của “kẻ sĩ”, trí thức, lịch sử nhân loại xác tín, ở khắp mọi thời: Bất cứ xã hội nào, muốn phát triển và trở nên huwg thịnh cũng phải cần có đội ngũ trí thức và phải trọng dụng trí thức.

Đó cũng là tầm nhìn, là bản lĩnh hành động, là thái độ sống từng cần có của mọi triều đại thịnh trị ở nước ta. Nhất là ở những bước ngoặt của sự phát triển quốc gia, đặc biệt trong các cuộc dọn dẹp hủ bại, chấn hưng và phát triển Đất nước, càng hiểu vì sao các đấng quân vương, những bậc tiên hiền tận tâm tôn vinh và hết lòng trọng đãi kẻ sĩ; và nước cường, dân thịnh quả là chưa cầu ắt cũng tự đến.

"Phi nông bất ổn". Nông nghiệp làm trụ cột và là nền móng để xã hội ổn định. “Dân dĩ thực vi thiên” (Dân lấy việc ăn làm điềm giời). Nay, chúng ta xem kinh tế nông nghiệp làm giá đỡ quốc gia, cấp bách đòi hỏi đời sống nông thôn, phương thức sản xuất, chất lượng của sản phẩm tùy thuộc vào chất lượng mối quan hệ giữa nhà nông với nhà khoa học, xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, nhân văn luôn giữ nền móng ổn định quốc gia, cân bằng Dân tộc ở những bước ngoặt hưng phế của thế kỷ XX, phải chăng đó chính là nguyên lý căn bản “phi nông bất ổn” xuyên thấm và hòa vào làm một với nguyên lý muôn đời “phi trí bất hưng” của Bảng nhãn Lê Quý Đôn từ 250 năm trước?

Không ổn định không thể mưu tính làm giàu: “Phi công bất phú”, phải lấy công nghiệp làm đầu, làm động lực phát triển vươn tới phú cường. Sự ổn định và giàu có tự nhiên thúc đẩy giao thương, do đó nhất định phải phát triển thương mại, sản xuất hàng hóa từ kinh tế nông nghiệp và kinh tế công nghiệp. Không thể nói chuyện và hành động “Phi thương bất hoạt” khi xã hội rối ren, dân sinh bất ổn, của cải nghèo nàn, mà ngược lại. Sau 250 năm, nhìn nền kinh tế mấy năm nay, nguồn lực huy động trong nước và từ bên ngoài rất cao, song hiệu quả kinh tế lại thấp với chỉ số ICOR (tỷ lệ nghịch với hiệu quả đầu tư) tăng nhanh, lên mức cao nhất từ trước đến nay và cũng là cao nhất trong khu vực. Vậy là, “trí” mà Bảng nhãn Lê Quý Đôn từng khuyến cáo lúc bấy giờ và hiển hiện hôm nay sao tách rời nông, công, thương cho được!

Và, một khi nguồn nhân lực Việt Nam ngày càng tụt hậu thì khó mà nói đến sự phát triển mạnh mẽ, bền vững và nhân văn nào dù của nông, của công, của thương. Một cách tự nhiên cần phải truy tìm tới việc trọng dụng trí thức với sự thấu triệt nguyên lý của mọi thời và chúng ta gặp tư tưởng “phi trí bất hưng” của Bảng nhãn Lê Quý Đôn. Một quy luật của muôn đời. Nếu giáo dục là quốc sách hàng đầu thì triết lý phát triển của nền giáo dục nước ta hẳn là không ai không thấy vẫn lấp lánh tư tưởng của Bảng nhãn Lê Quý Đôn về sự vun đắp, phát triển cội nguồn, chủ thể của sự hưng thịnh quốc gia là Dân trí, mà rường cột là kiến tạo đội ngũ trí thức.

“Trí” phải tỏa rộng và thấm sâu trong sự phát triển kinh tế hay kiến tạo nền chính trị quốc gia… Hàm lượng trí tuệ trong mỗi bước phát triển của Dân tộc, cái làm nên bản chất nhân văn trong mỗi chính trị gia, kỹ trị gia và mỗi người Việt Nam… chính là thước đo sức mạnh, uy tín Việt Nam, chính là "hàn thử biểu" của sự phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam, vì Đất nước Việt Nam.

Tất cả không nằm ngoài sự tiên liệu của Bảng nhãn Lê Quý Đôn, vì sự Ổn định - Phát triển - Phú cường - Danh dự của Đất nước từ thưở bấy giờ, dù cách nay 250 năm.

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh, hẳn là vì thế, Người nghiêm khắc tự nhận lỗi về trọng sự với trí thức, hiền tài: Nước nhà cần kiến thiết. Kiến thiết phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận.

Và, trong sự nghiệp cách mạng của Người, hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người tiên phong cảm nhận thấu đáo tư tưởng phát triển căn bản của quốc gia và quyết hành động về ổn định, phát triển và phú cường từ tầm viễn kiến tư tưởng của Bảng nhãn Lê Quý Đôn!

*

* *

Khâu đột phá của đột phá về phát triển nguồn nhân lực là phát triển nhân tài

Càng về cuối thế kỷ XX, lịch sử của chúng ta càng là lịch sử của sự phát triển ngắn hạn, thậm chí là phát triển nhảy vọt. Thể chế - Công nghệ và Con người là ba nhân tố cơ bản quyết định sự phát triển Đất nước hiện nay. Trong ba nhân tố thể chế, công nghệ và lực lượng, chúng ta cần những con người viễn kiến, đi tiên phong giữ vai trò đột phá thậm chí quyết định sự phát triển. Đó cũng chính là cách tạo ra thời cơ phát triển. Bởi vậy, càng phải chăm lo phát triển Con người ngay từ gốc, vun đắp Nguyên khí ngay từ căn bản. Đó là bài học lớn về phát triển con người và trọng đãi trí thức và cũng là yêu cầu của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ trong tầm nhìn năm 2045: Tất cả vì Hạnh phúc của Nhân dân. Đó là Quốc sách phát triển mạnh mẽ, bền vững và nhân văn Việt Nam.

“Phi trí bất hưng”!

Khâu đột phá của đột phá về phát triểnnguồn nhân lực chính là phát triển nhân tài mà rường cột là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chiến lược và đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Công cuộc đổi mới cần những người có cá tính sáng tạo khác thường: nhìn thấy những điều chưa ai nhìn thấy, nói những điều ít ai dám nói, làm những việc không ai dám làm; chịu trách nhiệm khi không ai dám chịu trách nhiệm…; càng cần sự đột phá, sáng tạo, vượt trước… hoặc làm thay đổi thực trạng hoặc tạo ra điều mới chưa từng có hoặc tạo ra thời thế hoặc chuyển vần lịch sử hoặc tạo ra vận khí quốc gia hoặc thậm chí đảo lộn đời sống quốc gia, quốc tế, vượt thời đại… Sự nghiệp Đổi mới cần tất cả mọi người, trước hết là những trí thức có óc nghĩ trước, dũng cảm đi trước, tiên phong chịu trách nhiệm, thậm chí chấp nhận hy sinh trước, vì quốc gia dân tộc, một cách xứng đáng và ngang tầm. Đây là lực lượng có vai trò quyết định dẫn dắt quốc gia và đi tiên phong hội nhập quốc tế, bảo đảm song hành sự phát triển bền vững chính trị đồng bộ với phát triển kinh tế, chính trị với kỹ trị, kinh tế với xã hội và môi trường sinh thái… phù hợp với quy mô, tốc độ, yêu cầu đổi mới và hội nhập toàn cầu.

Sự hưng vong của một triều đại, một chính thể tùy thuộc vào việc có chiêu tập, quy tụ được anh tài, hun đúc, gìn giữ và phát triển “nguyên khí quốc gia”. Nói như học giả Cao Huy Thuần: Ai đánh thức không cho xã hội ngủ, người ấy là trí thức, bất kỳ họ là ai. Do đó, tiếp tục hoàn thiện và thực thi Chiến lược Phát triển nhân tài quốc gia trong tầm nhìn 2045, trước mắt tới năm 2030, trong đó đội ngũ trí thức giữ vị thế xứng đáng, với tư cách là một quốc sách xứng tầm. Nếu coi giáo dục là quốc sách thì vì sao hiện nay có tới 200 nghìn cử nhân, kỹ sư sau khi tốt nghiệp ra trường bị thất nghiệp? Các bậc tiên hiền từng nhắc rằng: “Đại học giả đại nhân chi học giả” (Đại học là cái học để làm người lớn). Không phải ai khác, đây là những chủ nhân sẽ làm việc lớn tương lai của quốc gia.

Đổi mới cơ chế, hoàn thiện bộ thể chế tương dung bảo đảm sự hoạt động sáng tạo và thống nhất đội ngũ chính trị gia - chiến lược gia - quản trị gia - kỹ trị gia doanh gia, không kể nguồn gốc xuất thân một cách cách tổng thể, với phương châm: Trọng thị - Trọng dụng - Trọng đãi thật cầu thị và chân thành, thật công bình và chính trực, thật dân chủ và khoa học, thật quang minh và chính đại mang tầm chiến lược. Quyết không để cho những bậc hiền tài “rũ áo khoanh tay”, những trang tuấn kiệt và “sỹ phu ngoảnh mặt”. Ở đây, quyết không có chỗ cho sự hẹp hòi, thiển cận, cục bộ, càng không dung thứ những thói kỳ thị, thậm chí xa lánh và đây đó cả sự trù dập trí thức một cách kém nát nhân văn làm mất không ít trí thức, không ít bậc nhân tài. Đây là “khoảng trống” chết người. Do đó, vì danh dự chính trị quốc gia, trước hết tiếp tục định vị, xây dựng và phát triển môi trường xã hội - chính trị xứng đáng, chăm lo và bảo vệ văn hóa chính trị, văn hóa pháp luật để trí thức đứng khắp trong đội ngũ lãnh đạo, quản trị quốc gia, trên khắp mọi lĩnh vực và ở khắp chốn xứng đáng giữ vai trò tiên phong dẫn dắt và là động lực phát triển Đất nước ngang tầm thế giới là hành động trước hết và mang ý nghĩa quyết định.

“Phi trí bất hưng”! Không thể để trí thức lẫn vào ngụy trí thức. Chỉ nhân tài mới chọn đúng và dụng đúng nhân tài. Trên con đường chung của Dân tộc, dù thế nào trí thức vẫn giữ liêm sỉ vô giá, danh dự thiêng liêng, dù sinh tử chẳng thể đổi thay. Những người làm quan vốn lại xuất thân trí thức mà cả gan đặt lợi lộc của mình làm đầu, mưu cầu “lợi ích nhóm”, xâm hại lợi ích cộng đồng, phá vỡ lợi ích của Dân tộc, thì khi đó cũng là lúc nguy nan đang đến với Đất nước và bản thân sao mà không thân bại danh liệt cho được.

Khi trí thức giữ trọng sự chính trị gia, kỹ trị gia quyết đặt Dân tộc, Tổ quốc, nòi giống lên trên hết, đề cao sự đoàn kết dân tộc, để muôn người quy về một mối thì vạn sự dù sinh tử tới đâu lo gì không hóa giải được. Vì thế, ở đây, những người được trao quyền chọn người của bộ máy, nhất là chọn nhân tài, trước hết phải hàm 10 chữ: Trung thực - Khách quan - Dũng cảm - Trách nhiệm - Trong sạch. Sự thất bại của mọi thời và hiện nay luôn cảnh báo rằng: Không nhìn thấy người hiền tài là mắc tội. Tội to hơn là thấy người hiền tài mà không dùng họ. Tội nặng hơn thế nữa là dùng mà không tin họ. Thật là trọng tội, nếu thấy họ mắc oan mà không bảo vệ được họ. Nhưng, cộng cả bốn tội ấy cũng không to và nguy ngập bằng tội đem cái mũ của bậc hiền tài đội lên đầu kẻ bất tài vô hạnh.

*

* *

Một quốc gia hùng mạnh là một quốc gia có nhiều bậc hiền tài. Cổ nhân thường xem trọng “giáo” trước “chính”, tức là đặt công việc “giáo hóa” lên trên và trước công việc “chính trị”. Người đảm nhiệm công việc khó khăn đó, không ai khác, là “kẻ sĩ”, là trí thức. Nói rộng ra, trọng trí thức là hằng số xuyên lịch sử. Sự thịnh suy của mọi thời tùy thuộc vào việc biết “vun trồng nguyên khí quốc gia”, làm vẻ vang nòi giống.

“Phi trí bất hưng”!

Tới đây, lại nhớ sự cảnh báo từ hơn 250 năm trước của Bảng nhãn Lê Quý Đôn, vềnăm nguy cơ có thể mất nước: “1. Trẻ không kính già, 2. Trò không trọng thầy, 3. Binh kiêu tướng thoái, 4. Tham nhũng tràn lan, 5. Sĩ phu ngoảnh mặt”. Hơn 150 năm sau đó, với nhời nhắc nhủ của Tiến sĩ Nguyễn Khắc Niêm, về “Tứ tôn châm”: “Tôn tộc đại quy. Tôn lộc đại nguy. Tôn tài đại thịnh. Tôn nịnh đại suy”. Nghĩa là: Đề cao nòi giống ắt đại hòa hợp. Coi trọng bổng lộc ắt đại nguy nan. Tôn trọng tài năng, ắt đại phồn thịnh. Ưa thích xiểm nịnh, ắt đại suy vong.

Xưa nay, người trí thức chân chính hành động và hội nhập quốc tế không phải để tranh hơn kém với người, với đời, với các quốc gia dân tộc, không vì cái danh hão nào đó mà vì uy tín, danh dự thiêng Việt Nam và cũng để thỏa cái chí, cái khí mài chẳng thể khuyết, nhuộm chẳng thể đen của người làm ra sách. Sáng tạo và phản biện là con đường trí thức khẳng định bản ngã và đứng trong thiên hạ. Đó cũng chính là sự kết tinh và thăng hoa của “trí tuệ dân tộc” hòa mình vào trí tuệ của thời đại, đưa Dân tộc mình nhịp bước cùng thế giới, khẳng định bản lĩnh, phẩm giá, sức mạnh và uy tín của Dân tộc Việt Nam một cách quang minh lỗi lạc và không hổ thẹn vì sự hùng cường của Đất nước, vì hạnh phúc của đồng bào mình.

Thiển nghĩ, người cầm trọng trách không chỉ tôn vinh liêm sỉ, giữ trọn liêm chính mà bụng phải "rộng như biển" để người tài có thể "giương buồm, chèo thuyền" trong đó, để hiền tài khắp trong thiên hạ vẫy vùng; càng nên đặt mình ở chỗ thấp để ngẩng trông và chiêm ngưỡng mọi kẻ đọc sách và nhập thế. Tâm thái rộng rãi tới đâu thì sức hút nhân tâm rộng tới đó, tín nghĩa với trí thức cao tới đó. Nghĩa là, coi trọng hiền tài phải là một phương châm ứng xử tối thiểu đã xuyên suốt lịch sử của ta mà các bậc tiền nhân ở các thời thịnh trị từng làm. Nên nhớ rằng, nếu dân chủ, nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, là làm cho Dân được mở cái miệng ra thì tranh luận, phản biện một cách dân chủ là con đường ngắn nhất dẫn tới chân lý, là môi trường chính trị nhân văn bậc nhất để trí thức vẫy vùng ngõ hầu xây dựng một nền học thuật chân chính làm cái căn cơ để phát triển thịnh vượng nước nhà.

Tròn 80 năm trước, tầm nhìn của Đề cương về Văn hóa Việt Nam đã chạm tới điểm viễn kiến tất yếu này. Và, đó cũng là phương thức để phá bỏ những lối mòn, cửa hẹp từng bó mình lẽo đẽo đi theo người khác, để xây đường lớn sáng tạo một cách tự do và dân chủ, vì danh dự và uy tín một Dân tộc muôn đời trọng trí thức. Nô lệ về trí tuệ thì muôn đời thân kia sẽ làm nô lệ. Và, do thế, trước danh dự với Nhân dân, khi được trao trọng trách cầm quyền, lấy đó làn răn. Vả nữa, nếu mục tiêu hành động không có đạo đức thì trí thức sẽ không chỉ trở nên vô cảm mà những mớ tri thức kia cũng nguyên vẹn chỉ là những sự bạo tàn vô lượng mà thôi. Lúc ấy, Nhân dân chẳng còn đâu để hỏi, để mà hy vọng cập bến phồn vinh, Dân tộc tìm ai để hành động, để mà quyết nắm tay nhau tới bờ văn minh được nữa.

Kiến tạo, ban hành Luật về trí thức và nhân tài

“Phi trí bất hưng”!

Do thế, tới phận sự mình, thiết nghĩ, người trí thức luôn răn mình mà cẩn trọng: “gặp lúc nước hữu đạo mà nghèo và hèn là đáng hổ, gặp lúc nước vô đạo mà giàu sang là đáng thẹn”. Đức như cái gốc, tài như lá, cành. Chỉ trong hành động vì Nước vì Dân, thì tâm và đức mới xuyên thấm trong nhau, đạo đức hành động mới trở thành hành động đạo đức, tài mới tỏa sáng, mới xứng là kẻ sĩ, là danh sĩ của muôn đời.

Vẫn biết cách ứng xử “dụng chi tắc hành, xả chi tắc tàng” (được dùng thì ra làm việc, không được dùng thì lui về), nhưng, nếu rũ áo khoanh tay, ngoảnh mặt làm ngơ với vận nước là có lỗi. Vẫn hiểu chuyện “xuất” và “xử” của kẻ sĩ, của trí thức gắn liền với thời cuộc “thiên hạ hữu đạo tắc hiện, thiên hạ vô đạo tắc ẩn” (có đạo thì hiện, vô đạo thì ẩn), nhưng hơn lúc nào hết, lúc này, vì danh dự của giống nòi hãy bước qua tiểu tiết, dũng cảm nhập thế và “đánh thức xã hội”, bởi nếu thúc thủ, buông xuôi trước Nhân dân khao khát tiến bộ, văn minh càng là có tội.

Vả nữa, trước sứ mệnh đất nước, nếu kiêu căng, tự đại sẽ tự dồn mình vào chỗ thất bại; nếu phách lối, thớ lợ, hai lòng ngả nghiêng, không giữ được liêm chính học thuật nhất định tự đẩy mình tới chỗ nguy nan không cách nào tránh được và càng không thể cứu rỗi nổi rồi. Như thế, Dân tộc còn trông đợi vào kẻ sỹ, vào trí thức những gì tốt đẹp, dù mảy may được nữa. Và khi ấy, quốc gia không lụn bại mới lạ, tới lượt mỗi người, thân không lâm vào sự tăm tối, cổ không tự quàng vào ách nô lệ của tù đày, của kẻ khác mới càng là sự lạ.

Tầm nhìn - Sáng tạo - Dũng cảm - Liêm chính - Nhân văn phải là tư chất bất di bất dịch và là bộ gen truyền đời vì Đất nước của kẻ sĩ, trí thức Việt Nam!

Đó là kết tinh và tỏa sáng sức mạnh của chủ thể quốc gia, đặng gánh vác sứ mệnh phát triển Đất nước mạnh mẽ, bền vững và nhân văn Việt Nam.

*

* *

Lúc này, nếu không nói là quá muộn, rất cần kiến tạo và ban hành Luật Trí thức và Nhân tài! Theo đó, mỗi người thành tâm và xả thân vì Đất nước thì sự hùng cường quốc gia tất “vô cầu tự đáo”, lúc ấy thì tiếng thơm mình lo gì không vang khắp trong thiên hạ.

Tới đây, lại càng nhớ lời di duệ của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: Trọng học vấn, trọng nhân tài, vì đó là những của quý không gì thay thế được của một nước, một dân tộc. Có nó thì sẽ có tất cả, thiếu nó, thì cái còn lại còn gì là đáng giá.

Được thế, thì lo gì không chỉ hơn 6,5 triệu trí thức trong nước mà trăm nghìn trí thức ta ở ngoài nước và cả những bậc trí thức nước ngoài không tụ hội Việt Nam. Muôn bậc trí thức nhất định sẽ xả thân vì công cuộc đổi mới, vì sự tỏa sáng của danh dự giống nòi Việt Nam ta giữa cõi hoàn cầu!

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/tri-thuc-viet-nam-voi-van-menh-quoc-gia-i327999/