Tri thức với cách mạng công nghiệp thời kì sơ khai

Nền sản xuất công nghiệp sơ khai được coi là vĩ đại bởi một ngày nó làm ra những giá trị bằng với cả năm nền nông nghiệp oằn lưng mới làm ra. Cái vĩ đại ấy vẫn là kết quả của những tri thức mới do con người sáng tạo.

Nhân loại bước vào cách mạng công nghiệp 1.0

Vào khoảng 4.000 năm trước Công nguyên, người Ai Cập cổ đại đã biết làm ra những chiếc thuyền gỗ có gắn cánh buồm để lợi dụng sức gió đẩy con thuyền đi trên mặt nước.

Sau đó, khoảng 1.200 năm trước Công nguyên, người Phoenician và Hy Lạp đã làm ra những thuyền buồm lớn. Sự xuất hiện thuyền buồm đánh dấu một bước tiến của nhân loại, vì nó mở đầu cho sự giao thương các khu vực khác nhau trên thế giới. Người La Mã cổ đại cũng biết gắn cánh buồm vào thuyền chèo để kết hợp năng lượng gió với năng lượng cơ bắp để con thuyền chuyển động.

Năm 1420, vua Bồ Đào Nha - Henrique - đã chế tạo thuyền Caraven để thám hiểm châu Phi. Thuyền Caraven có 3 cánh buồm hình tam giác, chở được 20 người và hàng chục tấn hàng cần cho chuyến đi. Mục đích dùng thuyền buồm được mở rộng.

Tiếp sau đó là giai đoạn đóng chiến thuyền sử dụng cột buồm. Giai đoạn 1571 - 1862 được mọi người gọi là Kỷ nguyên thuyền buồm. Kỷ nguyên này mở đầu từ trận Lepanto năm 1571.

Đây là trận hải chiến dữ dội giữa các đội tàu chiến cánh buồm giữa Liên minh thần thánh do Giáo hoàng Pio 5 thành lập (gồm Venezia, Napoli, Sicillia, Sardinia, Cộng hòa Genova, Công quốc Savoie, Dòng chiến sĩ toàn quyền Matta) và hạm đội Đế chế Ottoman. Liên minh Kito giáo huy động 68.000 quân, 206 chiến hạm, 1.815 khẩu đại bác. Phía Ottoman có 84.000 quân, 230 chiến hạm, 780 đại bác. Trong 5 giờ chiến đấu, Ottoman bại trận.

Năm 1862, tại trận Hampton (thời nội chiến Hoa Kỳ), tàu CSS Virgina của Liên minh miền Nam Hoa Kỳ, là tàu bọc thép chạy bằng hơi nước, đã phá vỡ tàu USS Congress và USS Cumberland của hải quân Hoa Kỳ. Trận đánh Hampton kết thúc kỷ nguyên thuyền buồm bởi những chiến hạm năng lượng cánh buồm đã bộc lộ sự lỗi thời.

Những chuyến xe bò kéo hoặc ngựa kéo rất cồng kềnh cũng giảm dần trên đường bộ khi đầu máy xe lửa chạy bằng hơi nước xuất hiện. Với những xe chở hàng quá nặng, người Úc dùng tới cả chục đôi bò kéo một xe.

Đầu thế kỷ XVII, tại Paris (Pháp), khách đi trên phố có thể dùng Omnibus - một loại bus dùng sức ngựa. Khách đi Omnibus đông nhất là 8 người một xe. Chiếc xe được cải tiến từng bước, trở thành một phương tiện lịch sử thời ấy. Đến năm 1824, người ta thấy có loại Omnibus phục vụ khách đi những tuyến đường dài.

Xe ngựa chở khách xuất hiện ở New York sau Paris. Xe ngựa đi mọi đường phố, kể cả những phố cổ khá hẹp. Thuận lợi của xe ngựa chở khách thì người dân New York công nhận, nhưng họ chấp nhận mỗi lần dọn vệ sinh đường phố, dân thành phố phải hót đi có tới 10.000 tấn phân ngựa.

Con đường tơ lụa xưa kia bắt đầu từ Phúc Châu, Hàng Châu, Bắc Kinh, Trường An (Trung Quốc), tới Mông Cổ, Ấn Độ, Afghanistan, Kazakhstan, Iran, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp... sang đến Triều Tiên, Nhật Bản. Lạc đà là phương tiện vận tải chủ yếu. Hành trình của vải vóc, tơ lụa, hồ tiêu, da thú... trên lưng lạc đà cứ từng bước một qua các vùng núi hiểm trở, những sa mạc nóng bỏng, những bão cát mịt mùng. 6.437km là đoạn đường theo các ngả. Ngày nay, những dấu chân lạc đà đã bị những đợt sóng cát xóa mờ sau các trận bão cát chết người.

Cách mạng công nghiệp 1.0 ra đời thế nào?

Cách mạng công nghiệp 1.0 đã góp phần cải thiện sự giao thương mà trước kia diễn ra dọc theo con đường tơ lụa. Con đường đó giờ được coi là một biểu tượng ban đầu của xu thế toàn cầu hóa trong thời đại ngày nay.

Cuộc cách mạng công nghiệp 1.0 đánh dấu một giai đoạn phát triển xã hội trong khoảng thời gian 1769 - 1860. Nhiều người coi cách mạng công nghiệp 1.0 là sự kiện mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử phát triển nhân loại: Kỷ nguyên sản xuất cơ khí.

Cách mạng công nghiệp 1.0 diễn ra ở Anh. Ảnh: Tư liệu

Cách mạng công nghiệp 1.0 diễn ra ở Anh. Ảnh: Tư liệu

Kỷ nguyên sản xuất cơ khí mở đầu bằng việc hình thành ngành công nghiệp dệt ở Anh.

Năm 1764, một thợ mộc có tên James Hagreaves đã làm ra chiếc máy kéo sợi với 8 cọc suốt quay cùng một lúc. So với cái xa quay tay thì đây đã là một sáng kiến vĩ đại. Máy kéo sợi của Hagreaves đã giúp cho năng suất kéo sợi tăng lên 8 lần. Năm 1769, Richard Arkright đã cải tiến máy kéo sợi bằng tay sang sức ngựa kéo, năng suất tiếp tục được nâng lên. Cuối cùng, Arkright đã chế tạo máy của mình chạy bằng hơi nước và sáng chế của ông được phổ biến rộng rãi tại Anh Quốc.

Người Anh không dừng ở đây. Năm 1779, một công nhân dệt tên là Cromton đã cải tiến máy kéo sợi với kỹ thuật cao hơn, kéo được sợi nhỏ, chắc, vải dệt đẹp. Máy được đặt tên là Mule. Máy Mule được cải tiến, thành máy kéo sợi 2.000 cộc chạy cùng lúc.

Nhờ động cơ hơi nước, năm 1785, mục sư Edmund Cartwright phát minh ra máy dệt vải chạy bằng hơi nước. Việc dệt vải thủ công chấm dứt. Năm 1784, Cartwright xây dựng nhà máy dệt đầu tiên ở nước Anh.

Cùng với công nghiệp dệt phát triển, ngành luyện kim cũng mở ra một chương trình mới và dẫn đến sự phát triển ngành cơ khí. Năm 1784, Henry Cort đã tìm ra cách luyện sắt pudding. Sắt tuy có chất lượng hơn các loại sắt thời bấy giờ nhưng vẫn chưa bảo đảm được độ bền của máy móc.

Năm 1885, Henry Bessemer đã phát minh ra lò cao, có khả năng luyện gang lỏng thành thép. Thành công này làm bùng nổ ngành giao thông đường sắt ở châu Âu và châu Mỹ.

Năm 1825: Máy bào và máy tiện ra đời.

Năm 1839: Máy búa được chế tạo thành công.

Năm 1848: Người ta chế tạo ra máy phay.

Các nhà máy với ống khói cao được xây dựng. Ống khói của các nhà máy nhả vào bầu trời xanh những luồng khói đen cuồn cuộn. Đó là biểu tượng của nền "công nghiệp ống khói". Những chiếc cối xay gió của thời nông nghiệp hoàng kim đã yên lặng và trầm mặc bởi sự lỗi thời của mình.

Những đoàn tàu hỏa lăn bánh với những hồi còi chói tai. Chúng cũng phun khói đen lên trời và phì ra những hơi nước nóng trắng xóa mỗi khi bắt đầu chuyển bánh.

Tàu thủy hơi nước trên Hồ Wakatipu ở Queenstown, New Zealand ngày nay dùng cho du lịch đường thủy. Ảnh: Travel Guides

Dọc ngang trên sông, các con tàu chạy bằng hơi nước cũng nhả khói đen vào bầu trời, không kém gì tàu hỏa.

Các nhà ga xe hỏa, các bến tàu thủy chở hành khách đông đúc gấp bội so với thời đi xe ngựa đường dài trên bộ và đi đò dọc trên các sông lạch.

Nền sản xuất công nghiệp đó được coi là vĩ đại bởi một ngày nó làm ra những giá trị bằng với cả năm nền nông nghiệp oằn lưng mới làm ra. Cái vĩ đại ấy vẫn là kết quả của những tri thức mới do con người sáng tạo.

GS.TS Phạm Tất Dong

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/tri-thuc-voi-cach-mang-cong-nghiep-thoi-ki-so-khai-179230601111601617.htm