Tri Tôn nâng cao giá trị sản xuất nhờ hợp tác xã

Với sự tham gia tích cực của các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được nhân rộng. Tham gia HTX, nông dân được cung cấp những dịch vụ, vật tư nông nghiệp với giá gốc, được hướng dẫn áp dụng kỹ thuật tiến bộ, yên tâm đầu ra, tăng giá trị nông sản và thu nhập.

Liên kết sản xuất góp phần nâng cao hiệu quả canh tác

Mở rộng dịch vụ

Là xã đồng bằng của huyện miền núi Tri Tôn, xã Tà Đảnh có diện tích đất nông nghiệp lớn (3.915ha), là lợi thế phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Nếu như ở những địa phương khác, việc phát triển HTX gặp nhiều khó khăn thì trên địa bàn xã Tà Đảnh, hiện có đến 4 HTX hoạt động theo Luật HTX 2012 là HTX nông nghiệp dịch vụ và du lịch Tân Thạnh, HTX nông nghiệp Tân Thạnh Lợi, HTX nông nghiệp Tân Bình Tiến và HTX nông nghiệp Tà Đảnh. Các HTX đều phát huy được vai trò và hiệu quả.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tà Đảnh Tiêu Đình Hiếu Nhân Trung cho biết, trong số các HTX trên địa bàn thì HTX nông nghiệp dịch vụ và du lịch Tân Thạnh (HTX Tân Thạnh, thành lập năm 2017) hoạt động hiệu quả nhất. HTX có vốn điều lệ 1,61 tỷ đồng, vốn góp đến thời điểm này là 400 triệu đồng, thu hút 61 thành viên tham gia. Hội đồng quản trị HTX có 7 thành viên (1 chủ tịch, 1 giám đốc và 5 thành viên), do ông Lê Quang Trường làm người đại diện theo pháp luật.

Với dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp, HTX Tân Thạnh không chỉ cung cấp cho thành viên HTX mà còn mở rộng phạm vi cung cấp cho nông dân trong vùng. HTX giữ vai đầu mối giữa công ty và thành viên, nông dân, cung cấp vật tư nông nghiệp với giá thấp hơn so với các đại lý phân phối khác. Vụ đông xuân 2020-2021 và hè thu 2021, HTX đã cung ứng vật tư cho thành viên và nông dân với tổng doanh thu 2,45 tỷ đồng, lợi nhuận 85 triệu đồng/năm. Dịch vụ này vừa mang lại nguồn thu lớn cho HTX, vừa hỗ trợ thành viên HTX, nông dân địa phương.

Ông Trung cho biết, đối với dịch vụ liên kết tiêu thụ lúa, ngay từ khi HTX Tân Thạnh mới thành lập, Đảng ủy, UBND xã Tà Đảnh đã tích cực tuyên truyền, vận động nông dân tham gia; mời gọi các công ty, doanh nghiệp (DN) ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với HTX. Qua đó, đã thu hút được các DN, như: Công ty TNHH TMDV Hai Thụ, Công ty TNHH TMDV Thái Bình Nosanfood, Công ty TNHH sản xuất lúa giống Ngọc Chín Sơn, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời… tham gia liên kết, giúp nông dân ổn định đầu ra. Thời gian tới, HTX dự kiến sẽ mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp qua các vùng, khu vực lân cận, đồng thời tăng diện tích liên kết tiêu thụ lúa nhằm đem lại lợi nhuận cao cho thành viên HTX.

Hỗ trợ hợp tác xã phát triển

Theo ông Tiêu Đình Hiếu Nhân Trung, từ hiệu quả hoạt động của HTX Tân Thạnh, UBND xã Tà Đảnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thành lập thêm 3 HTX hoạt động theo Luật HTX 2012, thúc đẩy kinh tế tập thể của địa phương phát triển. Cả 3 HTX Tân Thạnh Lợi, Tân Bình Tiến và Tà Đảnh đều được thành lập năm 2020, bước đầu tạo được sức hút với nông dân.

Đối với HTX nông nghiệp Tân Bình Tiến, có vốn điều lệ 330 triệu đồng, vốn góp đến thời điểm hiện tại là 135 triệu đồng, thu hút 47 thành viên tham gia, có trụ sở làm việc và nhà kho tại ấp Tân Thạnh (xã Tà Đảnh). Vụ đông xuân 2020-2021, HTX đã ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa diện tích 151,9ha với Tập đoàn Lộc Trời. Vụ hè thu 2021, diện tích liên kết với Tập đoàn Lộc Trời được mở rộng lên 257,9ha…

Đối với HTX nông nghiệp Tà Đảnh, có vốn điều lệ 350 triệu đồng, vốn góp đến thời điểm hiện tại là 150 triệu đồng, thu hút 9 thành viên tham gia, trụ sở làm việc tại ấp Tân Bình (xã Tà Đảnh). HTX chuyên sản xuất và cung cấp sản phẩm nấm bào ngư trắng, nấm bào ngư xám theo công nghệ sản xuất an toàn cho thành viên, nông dân trong và ngoài xã Tà Đảnh.

Ông Trung cho biết, về lợi ích kinh tế, các HTX trên địa bàn xã đã thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa tại ruộng cho thành viên và nông dân với diện tích bao tiêu ngày càng lớn, từ 70ha (năm 2019) lên 847,7ha (năm 2021). Trong liên kết, nếu các thành viên, nông dân thực hiện tốt các quy định về chất lượng (khử lẫn, không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật) thì được DN liên kết cộng thưởng từ 50-100 đồng/kg lúa tươi (cho thành viên, nông dân) và chiết khấu 50 đồng/kg cho HTX.

“Việc liên kết giúp nông dân an tâm đầu tư vào sản xuất, thực hiện quy trình sản xuất đồng bộ theo hướng an toàn, chất lượng, thay đổi tập quán canh tác lạc hậu; sản xuất theo hướng tập trung hàng hóa để nâng cao sức cạnh tranh, giảm chi phí sản xuất, đồng thời không bị thương lái ép giá. Hoạt động của các HTX góp phần nâng cao hiệu quả, giá trị trong sản xuất nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu thị trường” - ông Trung đánh giá.

Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tà Đảnh, khi nông dân tham gia vào thành viên các HTX sẽ được hỗ trợ vay vốn, tập huấn kỹ thuật tiến bộ trong sản xuất, như: “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, các chương trình ứng dụng công nghệ cao, các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào đồng ruộng, các mô hình trình diễn sản xuất nông nghiệp. Thành viên cùng học hỏi lẫn nhau, nâng cao tay nghề, kinh nghiệm sản xuất, kiến thức học sát với thực tế, góp phần tăng năng suất, chất lượng nông sản.

NGÔ CHUẨN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tri-ton-nang-cao-gia-tri-san-xuat-nho-hop-tac-xa-a330071.html