Tri Tôn ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp

Tuy là địa phương có xuất phát điểm thấp nhưng Tri Tôn lại có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thu hút đầu tư, đẩy mạnh liên kết sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp… là những định hướng giúp Tri Tôn nâng cao giá trị trong nông nghiệp.

Hướng đến sản xuất lớn

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm cho biết, thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của Tỉnh ủy An Giang về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ngành nông nghiệp huyện Tri Tôn đã xây dựng chương trình hành động và triển khai quy hoạch các sản phẩm thế mạnh, đặt mục tiêu đưa ngành nông nghiệp chuyển sang sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, phát triển bền vững.

Trong canh tác lúa, diện tích liên kết tiêu thụ với các công ty, doanh nghiệp không ngừng tăng lên. Nếu như năm 2014 chỉ có 3.326ha liên kết sản xuất thì năm 2018 tăng lên 11.148ha (gấp 3,35 lần). Các công ty thực hiện liên kết tiêu thụ khá ổn định như: Hợp tác xã (HTX) Vinacam, Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Trịnh Văn Phú, Xí nghiệp Lương thực Tri Tôn, Công ty Lương thực Miền Bắc, Công ty Tấn Vương, Công ty Agimex - Kitoku, Công ty ADC, Công ty Gentraco... Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện đã chuyển đổi 5.000ha lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu. Đồng thời, xây dựng mô hình trồng rau an toàn, phát triển vườn cây ăn trái có giá trị cao, liên kết phát triển cây dược liệu… Nhằm hướng đến liên kết sản xuất bền vững, Tri Tôn đã xây dựng được 6 HTX nông nghiệp kiểu mới, đồng thời định hướng mỗi xã, thị trấn phải có ít nhất 1 HTX liên kết nông dân với doanh nghiệp sản xuất theo quy trình và tiêu chuẩn chất lượng.

Phát triển mô hình trồng chuối cấy mô

Trong lĩnh vực chăn nuôi, hiện có trang trại SD thực hiện nuôi bò quy mô lớn tại xã Vĩnh Gia, ứng dụng công nghệ ủ rơm, sử dụng hèm bia cho bò ăn. Đối với đàn heo, trang trại Hoàng Vĩnh Gia đang thực hiện liên kết nuôi gia công cho Tập đoàn CP (Thái Lan) với 6.000 con/lứa; Công ty Cổ phần Việt Thắng có 2 phân trại ở xã Lương An Trà và xã Lương Phi, tổng đàn khoảng 11.000 con heo thịt và heo giống. Thời gian qua, Tri Tôn đã thu hút 16 dự án với tổng vốn 1.974 tỷ đồng. Có 3 doanh nghiệp đầu tư trồng chuối cấy mô xuất khẩu với diện tích 243ha và có tiềm năng mở rộng diện tích lớn là Vĩnh Phát, SD và Xanh Việt. Ngoài ra, UBND tỉnh đã công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Vifaba của Công ty Vĩnh Phát, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Công ty Xanh Việt.

Khắc phục khó khăn

Dù đạt nhiều kết quả tích cực nhưng theo ông Cao Quang Liêm, thời gian qua, nông nghiệp của huyện vẫn tồn tại những khó khăn nhất định như: việc phát triển diện tích rau màu, cây dược liệu còn chậm, sản xuất còn manh mún, chưa hình thành vùng chuyên canh cây màu, dược liệu. Trong khi đó, nhiều nông dân chưa thay đổi tư duy canh tác, sản xuất nhỏ lẻ chưa gắn với thị trường; chưa có nhiều HTX hoạt động mạnh gắn với doanh nghiệp hiệu quả cao. Công tác tổ chức lại sản xuất, hình thành HTX, tổ hợp tác còn chậm và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng vùng chuyên canh sản xuất lớn gắn với doanh nghiệp. Những tác động của thời tiết, biến đổi khí hậu, thị trường nông sản không ổn định cũng tác động đến nông dân trong huyện. Bên cạnh đó, việc đầu tư trang thiết bị, máy móc phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa triển khai rộng do nguồn vốn đầu tư lớn, người dân thiếu nguồn lực. Việc tạo quỹ đất mời gọi doanh nghiệp đầu tư còn gặp nhiều khó khăn, nhất là giá thương lượng và thời gian thuê đất với người dân…

Ông Liêm cho biết, thời gian tới, Tri Tôn tiếp tục tập trung triển khai phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tổ chức lại sản xuất. Đồng thời, chuyển giao các tiến bộ khoa học-kỹ thuật, thiết bị máy móc, đẩy mạnh cơ giới hóa trong các khâu sản xuất. Huyện tiếp tục vận động, hướng dẫn nông dân ứng dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến trong sản xuất lúa, rau màu và cây ăn trái như: hệ thống tưới, phun tự động; sản xuất theo dạng chuỗi logistics; vận dụng hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình, dự án và các gói hỗ trợ kỹ thuật - tài chính - thị trường của các sản phẩm. “Nhằm tăng hiệu quả và giá trị sản xuất, về lâu dài không thể thiếu vai trò của doanh nghiệp. Huyện sẽ tăng cường tạo quỹ đất, đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp tục phát triển sản xuất tại địa phương. Huyện khuyến khích, hỗ trợ nông dân thành lập tổ hợp tác, HTX, gắn nông dân với doanh nghiệp, hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững” - ông Liêm nhấn mạnh.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/tri-ton-ung-dung-cong-nghe-cao-vao-nong-nghiep-a253587.html