Trí tuệ nhân tạo cho phép tiêm kích Su-57 đưa ra quyết định tức thì trong chiến đấu

Tiêm kích Su-57 sẽ có khả năng phản ứng nhanh cực nhanh trước mọi đe dọa nhờ được trang bị trí tuệ nhân tạo (AI).

Cổng thông tin 19FortyFive của Mỹ đã dành sự quan tâm đặc biệt tới chuyến bay đầu tiên của tiêm kích Su-57 hiện đại hóa. Sự kiện nói trên diễn ra vào ngày 21/10/2022 tại cơ sở thuộc Viện thử nghiệm bay Gromov, Nga.

Chuyên gia quân sự nổi tiếng người Mỹ Peter Suchiu nhấn mạnh trong bài phân tích rằng suốt cả chuyến bay, các thiết bị trên chiếc tiêm kích với chức năng nâng cao và hỗ trợ AI cho phi hành đoàn đã được thử nghiệm.

"Một trong những tính năng đáng chú ý nhất của tiêm kích tàng hình Su-57 là công nghệ trí tuệ nhân tạo, có thể hoạt động như một phi công phụ ảo, thu thập dữ liệu từ nhiều cảm biến của máy bay và cung cấp thông tin quan trọng cho người điều khiển", tác giả lưu ý.

“AI được coi là thành phần quan trọng của máy bay chiến đấu 'thế hệ thứ sáu' trong tương lai, nơi các cụm máy tính trên bo mạch gồm bộ xử lý mạnh mẽ, hiệu suất cao có thể biến những chiếc tiêm kích này thành trung tâm dữ liệu trên bầu trời".

Bài báo còn cung cấp ý kiến của ông Roger Entner - một nhà phân tích tại công ty từ Recon Analytics. Vị chuyên gia giải thích AI là một phần không thể thiếu của các máy bay chiến đấu hiện đại, giúp mở rộng đáng kể khả năng so với chỉ dựa vào phi công.

Ông Entner nói: “Cách nhanh nhất để nâng cao hiệu suất tác chiến là sử dụng trí tuệ nhân tạo. AI thế hệ tiếp theo sẽ đóng một vai trò quan trọng hơn nữa trong việc cải thiện khả năng sống sót của máy bay cũng như thực hiện nhiệm vụ".

Máy bay chiến đấu đa chức năng thế hệ thứ năm Su-57 Felon được tạo ra bởi Phòng thiết kế Sukhoi trong khuôn khổ chương trình PAK FA, nó được phân biệt bởi một hệ thống điện tử mới về cơ bản.

Ngoài radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) tiêu chuẩn, các trạm radar thụ động và cảm biến quang học được lắp đặt trên toàn bộ bề mặt của máy bay sẽ tạo ra một "làn da thông minh", giúp nâng cao nhận thức chiến trường.

Máy tính kỹ thuật số với bộ vi xử lý cực nhanh của tiêm kích Su-57 sẽ tự động phân tích tốc độ, độ cao, vận tốc góc, và nhiều thông số cơ bản khác để nhanh chóng đưa ra quyết định liên quan đến điều khiển.

Những công nghệ trên rõ ràng mang dáng dấp của tiêm kích thế hệ 6 - đó sẽ là một chiến đấu cơ có khả năng tự hành hoàn toàn, không bắt buộc phải có phi công ngồi trong buồng lái để điều khiển như truyền thống.

Các nhà thiết kế người Nga rất tự tin với những cải tiến mới nhất được ứng dụng trên tiêm kích tàng hình Su-57 Felon, họ thậm chí còn tuyên bố gói nâng cấp nói trên sẽ biến chiếc Su-57 thành "chiến đấu cơ thế hệ 5 ++".

Tuy nhiên bên cạnh đó, cũng xuất hiện không ít lo ngại về tính khả thi của những tuyên bố trên, bởi công nghệ máy tính chưa bao giờ được xem là thế mạnh của Nga khi đặt cạnh các đối thủ phương Tây.

Không chỉ có vậy, lệnh cấm vận khắc nghiệt mà Mỹ cùng với các đồng minh áp đặt khiến Nga đối diện vấn đề thiếu hụt nguồn cung đối với chip xử lý tốc độ cao ở mức độ nghiêm trọng, điều này có thể đẩy lùi tham vọng của Moskva.

Hiện tại có thông tin cho rằng một số máy bay chiến đấu Su-57 hiện đại hóa đã được mang ra thử nghiệm trong cuộc xung đột Ukraine như biện pháp nhằm kiểm tra tính năng, tuy vậy chưa có bằng chứng nào giúp xác thực điều này.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tri-tue-nhan-tao-cho-phep-tiem-kich-su-57-dua-ra-quyet-dinh-tuc-thi-trong-chien-dau-post521648.antd