Trí tuệ Nhân tạo - công cụ đắc lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu

Các mô hình AI dành riêng cho từng ngành có thể đặc biệt hữu ích tại các nước châu Á-Thái Bình Dương, khu vực rất dễ bị tổn thương trước các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu.

Ảnh minh họa. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ảnh minh họa. (Ảnh: AFP/TTXVN)

“Làn sóng” Trí tuệ Nhân tạo (AI), với các chatbot như ChatGPT, đang trở nên ngày một phổ biến hơn, tạo ra sự quan tâm và hứng thú toàn cầu đối với công nghệ này.

Đặc biệt, các mô hình AI đang được phát triển và điều chỉnh để phù hợp cho từng ngành nghề cụ thể, nhất là trong các lĩnh vực đang đối mặt với thách thức phát triển như biến đổi khí hậu.

Các mô hình AI dành riêng cho từng ngành có thể đặc biệt hữu ích tại các nước châu Á-Thái Bình Dương, khu vực rất dễ bị tổn thương trước các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu.

Người dùng cũng có thể được cung cấp những kiến thức ở từng địa phương, chẳng hạn như nguy cơ xảy ra lũ lụt hoặc hạn hán ở một khu vực cụ thể tại một thời điểm nhất định.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, các mô hình AI dành riêng cho từng ngành có thể được sử dụng để đẩy nhanh tiến độ hành động vì khí hậu, thích ứng với hậu quả của biến đổi khí hậu nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn tại, đồng thời phản ánh tác động chung của vấn đề này trên toàn thế giới.

Việc xây dựng các mô hình AI dành riêng cho từng ngành ngày càng trở nên dễ tiếp cận, đòi hỏi nguồn lực và sự hỗ trợ tối thiểu so với các công cụ truyền thống.

Quá trình phát triển bao gồm xác định mục tiêu, chuẩn bị và đào tạo dữ liệu, tùy chỉnh, đánh giá liên tục và thử nghiệm nhằm đảm bảo tính chính xác, mạch lạc và độ tin cậy trước khi triển khai rộng rãi hơn.

Tùy thuộc vào độ phức tạp của mô hình, tài nguyên và dữ liệu sẵn có cũng như mức độ quen thuộc với ngôn ngữ lập trình, một tổ chức hay một cá nhân có thể mất từ vài giờ đến vài tuần trước khi ra mắt một mô hình AI khí hậu.

Ví dụ, "Agrpreneur"- một nền tảng công nghệ tài chính nông nghiệp sử dụng AI để cung cấp lời khuyên theo thời gian thực cho các hộ nông dân nhỏ về quản lý trang trại, chẳng hạn như cách tối ưu hóa các nguồn lực sẵn có và ngăn ngừa bệnh cây trồng, đồng thời cũng sẽ đánh giá mức độ tin cậy.

Ngoài ra, “Viamo” cũng là một ứng dụng AI khác, dựa trên giọng nói cung cấp hướng dẫn về thực hành nông nghiệp bền vững cho những người nông dân có khả năng truy cập mạng Internet hạn chế.

"ClimateGPT" cũng là một mô hình AI được đào tạo về nghiên cứu liên ngành, cung cấp cho người dùng sự hiểu biết toàn diện về tình hình biến đổi khí hậu hiện nay.

Các mô hình AI có tiềm năng đóng vai trò tạo động lực cho các tổ chức phát triển, đẩy nhanh tiến độ hành động và thích ứng với khí hậu.

Những mô hình này có thể tiết lộ xu hướng toàn cầu hoặc được tùy chỉnh cho các quốc gia cụ thể, cung cấp những hiểu biết sâu sắc quan trọng về khả năng phục hồi và bền vững của khí hậu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/tri-tue-nhan-tao-cong-cu-dac-luc-chong-bien-doi-khi-hau-toan-cau-post954637.vnp