Trí tuệ nhân tạo dự đoán tội phạm bạo lực

Cảnh sát Anh có thể sớm ngăn chặn các tội ác bạo lực trước khi chúng xảy ra nhờ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) nghiên cứu camera giám sát an ninh để dự đoán tội phạm bạo lực.

Đây là mục tiêu của hệ thống camera giám sát được thiết lập sử dụng AI để dự đoán liệu một cá nhân có thể sắp phạm một tội ác hay không. Các nhà nghiên cứu của dự án đang có kế hoạch phát hành một bản thử nghiệm trong năm 2020 mặc dù các chuyên gia cho rằng đề xuất này có "các vấn đề đạo đức nghiêm trọng".

Cảnh sát Anh có thể sớm ngăn chặn các tội ác bạo lực trước khi chúng xảy ra nhờ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).

Cảnh sát Anh có thể sớm ngăn chặn các tội ác bạo lực trước khi chúng xảy ra nhờ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).

Theo một báo cáo độc quyền của tạp chí New Scientist, hệ thống Giải pháp Phân tích Dữ liệu Quốc gia (NDAS) sử dụng AI và số liệu thống kê để phát hiện sớm động cơ thúc đẩy một cá nhân phạm tội bằng súng hoặc dao. Hệ thống cũng có thể phát hiện một ai đó sẽ là một nạn nhân của tội phạm hoặc nô lệ thời hiện đại. Iain Donnelly, Thanh tra Sở Cảnh sát West Midlands và người đứng đầu dự án, tiết lộ nhân viên xã hội và y tế cũng có thể được cảnh báo về một cá nhân có vấn đề sức khỏe tâm thần nhằm sớm ngăn cản người này phạm tội. Nạn nhân cũng có thể được nhân viên dịch vụ xã hội giúp đỡ tư vấn.

Theo các nhà nghiên cứu, dự án tham khảo trực tiếp hồ sơ của 5 triệu đối tượng có tiền án ở Anh. AI cũng nhận diện được một số dấu hiệu cảnh báo trong một nhóm cá nhân nào đó có khả năng phạm tội. Nhưng theo một báo cáo từ Viện Alan Turing ở London, hệ thống dự đoán tội phạm bằng AI có "vấn đề đạo đức nghiêm trọng" và câu hỏi đặt ra liệu có đạo đức hay không khi bắt đầu có hành động can thiệp nếu một cá nhân chưa thực sự phạm tội.

Anh không phải là quốc gia duy nhất quan tâm đến công nghệ dự đoán tội phạm. Ví dụ như một công ty an ninh và nghiên cứu AI của Israel sẽ sớm sử dụng AI để phân tích terabyte dữ liệu được truyền trực tiếp từ camera giám sát triển khai tại nhiều khu vực công cộng ở Ấn Độ. Đây là chương trình hợp tác an ninh giữa 2 công ty Cortica của Israel và Best Group của Ấn Độ, theo thông tin từ tờ Digital Trends.

AI sẽ phân tích "sự khác thường trong hành vi" để phát hiện khi ai đó có thể sắp phạm tội. Loại công nghệ giám sát này đã được sử dụng ở 40 địa phương ở Trung Quốc. Các hệ thống cảnh báo dự đoán có thể dự báo thời điểm và nơi xảy ra tội phạm dựa trên các báo cáo tội phạm trước đó và các dữ liệu khác. Karina Odinaev, nữ đồng sáng lập và CEO của Cortica, cho biết, công nghệ xác định các chuyển động thường bị các chuyên gia an ninh bỏ qua và giúp cho các thành phố trở nên an toàn hơn.

Mới đây, hệ thống kiểm soát dự báo tội phạm của Công ty Mỹ Palantir Technologies cũng được cấp phép để sử dụng tại các địa phương nước này. Hệ thống của Palantir nhập một lượng lớn dữ liệu - bao gồm địa lý, hồ sơ tội phạm, thời tiết và hồ sơ truyền thông xã hội. Từ đó, hệ thống dự đoán khá chính xác về cá nhân có khả năng tham gia phạm tội cũng như địa điểm xảy ra tội ác.

Hiện tại, có nhiều hệ thống cảnh báo dự đoán tội phạm khác đang được sử dụng. Sở Cảnh sát Chicago (Mỹ) sử dụng một danh sách "nhiệt" nổi tiếng do thuật toán tạo ra có khả năng sàng lọc những đối tượng có nhiều khả năng tham gia vào một vụ nổ súng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã xác định "danh sách nhiệt" của Chicago có vấn đề.

Hệ thống camera giám sát được thiết lập sử dụng AI để dự đoán liệu một cá nhân có thể sắp phạm một tội ác hay không.

Ví dụ như tập đoàn nghiên cứu RAND được chính phủ Mỹ tài trợ công bố một báo cáo nhận định "danh sách nhiệt" của Cảnh sát Chicago không hiệu quả như mong muốn để trở thành "danh sách cảnh báo tiêu chuẩn". Danh sách có thể tạo ra dấu hiệu cảnh báo thu hút sự chú ý của cảnh sát một cách không cần thiết. Một nghiên cứu học thuật khác cho thấy "danh sách nhiệt" có thể có một "tác động khác biệt" đối với các cộng đồng người da màu.

Công ty khởi nghiệp PredPol tại California (Mỹ) cũng xây dựng phần mềm lập kế hoạch dự báo tội phạm được các quan chức thực thi pháp luật sử dụng, bao gồm Sở Cảnh sát Los Angeles (LAPD). Sở Cảnh sát New York (NYPD) cũng thỏa thuận với Palantir Technologies để sử dụng các hệ thống cảnh báo của công ty này.

Duy Minh

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/ho-so-interpol-cstc/tri-tue-nhan-tao-du-doan-toi-pham-bao-luc-544542/