Trí tuệ nhân tạo - lĩnh vực cạnh tranh mới

Thuật ngữ 'Trí tuệ nhân tạo' (Artificial Intelligence - AI) được sử dụng từ những năm 1950, nhưng cho tới gần đây, nó mới trở nên phổ biến nhờ lượng dữ liệu ngày càng nhiều, các thuật toán nâng cao và những tiến bộ trong năng lực tính toán và lưu trữ dữ liệu.

AI hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều ứng dụng vượt trội trong nhiều lĩnh vực; trong đó có quân sự - quốc phòng. Cùng với sự gia tăng căng thẳng quan hệ Mỹ - Trung, giới truyền thông nhận định cuộc chạy đua AI sẽ trở thành một kiểu chạy đua vũ trang mới trong giai đoạn Cách mạng công nghiệp 4.0.

Một số nguồn tin cho hay, Trung Quốc đang cố gắng chạy đua để vượt mặt quân đội Mỹ với sự trợ giúp của AI. Trung Quốc chuẩn bị cho một bước chuyển từ "kỹ thuật hóa" thành "trí tuệ hóa" quân sự, với AI chứ không chỉ là công nghệ thông tin, đóng vai trò then chốt. Kế hoạch phát triển AI thế hệ mới của Bắc Kinh được đưa ra vào tháng Bảy năm ngoái, đưa ra mục tiêu biến Trung Quốc trở thành quốc gia hàng đầu trên thế giới về AI vào năm 2030; trong đó, quốc phòng là một trong những lĩnh vực ứng dụng.

Tuy nhiên, các thử nghiệm của lực lượng vũ trang Trung Quốc với AI chỉ mới ở giai đoạn khởi đầu. Elsa Kania, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm An ninh Hoa Kỳ mới, trụ sở tại Washington, cho biết: "Cho tới nay, mối quan tâm chính của phía Trung Quốc là nhằm kiểm soát và chỉ đạo AI, và sử dụng công nghệ thực tế ảo cho các hoạt động tập trận".

Một thiết bị không người lái dân sự được trưng bày tại triển lãm Internet+ Expo vừa qua tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

Đối với hệ thống vũ khí, Trung Quốc đang tìm hiểu cách sử dụng AI để xử lý các hình ảnh từ vệ tinh cũng như khai thác dữ liệu cho việc nhận diện và định hướng mục tiêu tên lửa. Đặc biệt, Trung Quốc rất quan tâm tới vũ khí tự động. Lĩnh vực vũ khí này không có sự điều khiển trực tiếp của con người, có thể sẽ là then chốt trong cuộc đua kiểm soát vũ trang quân sự AI.

Động lực của Trung Quốc để tiến hành cuộc "pha trộn quân sự - dân sự" hiện nay là cơn ác mộng đối với các chính phủ phương Tây. Hai bên đang đầu tư ngày một nhiều vào một thế hệ vũ khí mới, được trông đợi sẽ giúp hai nước này có được thế mạnh quân sự trong những năm tới. Cả hai bên đều đang nghiên cứu các hệ thống khác nhau, bao gồm nhiều thiết kế vũ khí bán-tự động, nhằm tận dụng các tiến bộ gần đây trong công nghệ robot, tính toán lượng tử và AI.

Trong một bài phát biểu gần đây Phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã buộc tội các nhà chức trách Trung Quốc đánh cắp "các công nghệ quân sự hàng đầu" và cho rằng "Bắc Kinh đã ưu tiên các năng lực làm xói mòn lợi thế quân sự của Mỹ trên đất liền, trên biển, trên không và trong vũ trụ".

Một nghiên cứu vừa mới công bố gần đây của Viện Nghiên cứu Chính sách chiến lược Úc (được Bộ Ngoại giao Úc tài trợ một phần kinh phí), cho thấy Trung Quốc đã cử khoảng 3.000 nhà khoa học tới các trường đại học ở phương Tây trong suốt thập kỷ qua, trong nhiều trường hợp sử dụng danh tính giả, nhằm thu thập các công nghệ thường được sử dụng trong các lĩnh vực liên quan đến AI, có thể được ứng dụng để phát triển các năng lực quân sự mới.

Nhiều người trong số họ giấu kín các mối quan hệ của mình với giới quân sự - như một phần các nỗ lực của nước này nhằm xây dựng một mạng lưới hợp tác nghiên cứu, có khả năng thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ quân sự Trung Quốc.

Kết quả là, công nghệ AI, được phát triển từ vài thập kỷ trước trong một môi trường hợp tác quốc tế, với sự trao đổi tự do của ý tưởng, do khả năng có thể được ứng dụng cả trong giới quân sự và dân sự, đang phải chịu sức ép thường thấy đối với các ngành công nghiệp vũ khí.

Sean Gourley, Giám đốc điều hành của Primer, một start-up về AI tại San Francisco, cho biết, "việc sử dụng đồng thời công nghệ AI trong dân sự và quân sự là nhất quán tuyệt đối", và "việc nhận diện hình ảnh có thể được sử dụng cả trong việc chụp ảnh selfie lẫn cho việc xác định mục tiêu". Mỹ đang tích cực tìm kiếm các công cụ chính sách giúp theo dõi và kiểm soát dòng chảy các công nghệ có khả năng được sử dụng đồng thời cho hai mục đích quân sự và dân sự ra khỏi nước Mỹ.

Trong một bài phát biểu vào hồi tháng Mười vừa qua, Christopher Ford, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách an ninh quốc tế và không phổ biến vũ khí đã cảnh báo rằng các công nghệ được các công ty tư nhân chuyển giao cho Trung Quốc có thể được sử dụng để đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ.

Trong những nỗ lực nhằm phát triển các vũ khí công nghệ cao mới của mình, Lầu Năm Góc đang cố gắng phối hợp với Thung lũng Silicon, thiết lập một văn phòng khu bờ Tây với tên gọi Đơn vị Sáng tạo Quốc phòng vào ba năm trước, nhằm giúp kết nối với các start-up. Tuy nhiên, khó có thể yêu cầu các công ty tư nhân của Mỹ tận tụy vì Chính phủ Mỹ như các công ty tư nhân của Trung Quốc đối với Chính phủ Trung Quốc. Đầu năm nay, Google tuyên bố sẽ không tiếp tục một dự án AI với Lầu Năm Góc sau khi các nhân viên công ty này biểu tình phản đối ý tưởng áp dụng các công nghệ mới vào việc sản xuất vũ khí.

Bắc Kinh cũng đã cung cấp các khoản đầu tư khổng lồ vào Thung lũng Silicon. Theo Đơn vị Sáng tạo Quốc phòng của Mỹ, các công ty Trung Quốc đã đầu tư 10 đến 16% trong tất cả các hợp đồng đầu tư mạo hiểm giữa năm 2015 và 2017; trong đó nhiều khoản đầu tư kèm theo sự hiện diện của đại diện Trung Quốc trong nhân sự cấp cao và cả các hợp đồng chuyển giao công nghệ.

Một nhà ngoại giao Mỹ cho hay, cách tốt nhất để Mỹ hạn chế việc Trung Quốc "quân sự hóa" công nghệ AI là hạn chế xuất khẩu các phần cứng, đặc biệt là các con chip đã được tối ưu hóa cho các mục đích nhất định, sang Trung Quốc. Tuy nhiên, một vấn đề khó khăn hơn nằm ở "phần mềm", chính là ở chỗ các thuật toán được sử dụng, do tính phổ quát của các thuật toán AI khiến việc vạch ra ranh giới giữa sử dụng AI cho mục đích dân sự và quân sự trở thành một thách thức lớn.

Ngọc Hoàng (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/tri-tue-nhan-tao-linh-vuc-canh-tranh-moi-522316/