Trí tuệ nhân tạo: Mỹ-Trung chạy đua, cơ hội cho Pháp

Trong bài viết trên báo Le Figaro, chuyên gia Arnaud Barthélemy thuộc một quỹ đầu tư mạo hiểm chuyên về AI, đã đưa ra nhận định về một cuộc đua giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực này, cơ hội cho Pháp.

Mỹ-Trung chạy đua về trí tuệ nhân tạo.

Trí tuệ nhân tạo (AI), theo Arnaud Barthélemy, vẫn là một chủ đề ít được biết đến vì khá phức tạp. Cụm từ “trí tuệ nhân tạo” thường được dùng cả cho những khái niệm rộng hơn trong kỹ thuật số, trong khi đây là khả năng của một thuật toán tự học hỏi được từ kết quả quyết định của mình. Máy móc học rất nhanh, nhưng nhiều khả năng của bộ óc con người vẫn còn xa tầm tay với. Tuy vậy AI vẫn sẽ làm đảo lộn nhiều lĩnh vực như y tế, tài chính, thậm chí về quân sự và an ninh. Đây là trung tâm của sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc.

Washington và Bắc Kinh đang thống trị lĩnh vực AI, tiếp theo là Israel, Anh, Pháp, Đức. Có gần 3.000 công ty khởi nghiệp AI trên thế giới, trong đó 1.400 tại Mỹ, 400 ở Trung Quốc, 360 ở Israel, 250 ở Anh, còn Pháp và Đức mỗi nước có 110 công ty. Riêng Trung Quốc chiếm 3/10 trung tâm AI thế giới (Thâm Quyến, Bắc Kinh, Thượng Hải), còn châu Âu chỉ có một ở London. Năm 2017, Bắc Kinh đã công bố kế hoạch tiến lên ngang hàng với Mỹ vào khoảng năm 2020, và trở thành trung tâm AI thế giới từ nay đến năm 2030.

Trung Quốc là nước duy nhất có những người khổng lồ công nghệ như Mỹ. Đó là Tencent, Alibaba, ByteDance, Baidu, và cả tập đoàn bảo hiểm Bình An hay nhà sản xuất thiết bị bay không người lái DJI, tất cả đều đầu tư ồ ạt vào AI. Số bằng phát minh trong AI của Trung Quốc từ 2013-2017 tăng nhanh hơn Mỹ, việc dữ liệu cá nhân ít được bảo vệ giúp Trung Quốc thu thập được khối lượng dữ liệu khổng lồ, là nguồn nuôi dưỡng cho AI.

Tuy vậy, Mỹ vẫn đang giữ vị trí thống trị. GAFA (4 công ty công nghệ lớn của Mỹ: Google, Amazon, Facebook và Apple) đầu tư rất lớn cho nghiên cứu AI (16 tỷ USD đối với Amazon trong năm 2017, 14 tỷ với Google). Trong bối cảnh chiến tranh thương mại, các công ty AI trên thế giới phải chọn phe. Đối với các doanh nghiệp ngoài châu Á, dù là Israel, châu Âu hay Canada, sự chọn lựa đứng về phía Mỹ là rất rõ.

Trong AI, Trung Quốc cũng có cùng những khiếm khuyết như trong các lĩnh vực khác, trước hết là không thu hút được nhân tài. Trong một lĩnh vực mà các tài năng rất hiếm hoi, cuộc chiến về trí thông minh nhân tạo có một nghịch lý là lệ thuộc vào trí thông minh của con người. Thế mà hiếm khi những sinh viên ngoại quốc trong các trường đại học Trung Quốc, các kỹ sư tầm cỡ chịu làm việc tại Trung Quốc. Ngay cả các tập đoàn công nghệ Trung Quốc cũng ít hoạt động ngoài châu Á. Cuối cùng, với thị truờng nội địa to lớn, họ chỉ tập trung vào dịch vụ đối với người tiêu dùng chứ hiếm khi phục vụ doanh nghiệp.

Đối với Pháp, cần thu hút các tài năng về AI, các nhân tố chính trong lĩnh vực này. Pháp đang có những ưu thế như có nhiều chuyên gia tầm thế giới, chất lượng giảng dạy khoa học, các trường kỹ sư có nhiều ngành đào tạo AI, và sự năng động của các công ty đầu tư mạo hiểm. Bên cạnh đó là chế độ thuế khóa, và cải cách theo hướng đại học được tự trị nhiều hơn…, Arnaud Barthélemy nhận định.

(Theo Le Figaro)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tri-tue-nhan-tao-my-trung-chay-dua-co-hoi-cho-phap-99937.html