Trí tuệ nhân tạo ngày càng phát triển, nỗi lo lắng nối dài cho người lao động khắp thế giới

Trí tuệ nhân tạo là một dạng trí thông minh do con người lập trình với mục đích biến mọi cỗ máy có thể vận hành giống như một con người.

Chẳng hạn như tư duy, suy nghĩ, học hỏi và thích nghi,… Hiện tại, AI có thể xử lý dữ liệu ở mức rộng lớn, quy mô, hệ thống, khoa học và nhanh hơn so với con người. Chính vì vậy, nó đang là nguồn cơn đe dọa hàng chục triệu việc làm của người lao động trong những năm tới.

Hàng chục triệu lao động bị ảnh hưởng

Giá trị mà AI mang lại là vô cùng lớn, giải quyết được rất nhiều vấn đề mà con người chưa giải quyết được. Nên rất nhiều hãng công nghệ nổi tiếng có tham vọng tạo ra được những AI ngày càng cao cấp. Các chuyên gia dự đoán rằng những robot AI có thể thay thế đến 85% nhân sự trong ngành dịch vụ vào năm 2020. Và giúp thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế hàng năm lên tới 33 nghìn tỷ đô la.

Chẳng có gì khó hiểu khi mà trong thời công nghệ số hiện giờ, ngày càng có quá nhiều dữ liệu mà không con người nào có thể xử lý tất cả được thì AI trở thành giải pháp thay thế hữu hiệu nhất. Nhiều chuyên gia lo lắng rằng khi trí tuệ nhân tạo đạt tới 1 ngưỡng tiến hóa nào đó thì đó cũng là thời điểm loài người bị tận diệt như trong các bộ phim giả tưởng.

Thế nhưng, nỗi lo đó có thể dành cho tương lai, còn hiện tại, sự phát triển của AI đang khiến người lao động khắp nơi trên thế giới đứng ngồi không yên. Bản báo cáo mang tên “Công nghệ và Tương lai nghề nghiệp tại ASEAN” do hãng công nghệ Cisco của Mỹ tiến hành dự báo, trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực phần mềm, phần cứng và robot sẽ làm thay đổi viễn cảnh việc làm của 6 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất khối ASEAN (ASEAN 6) vào năm 2028.

Nói cách khác, trong số 630 triệu dân thuộc nhóm ASEAN 6, vào 10 năm tới, sẽ có 28 triệu lao động (tương đương 10,2% tổng lực lượng lao động) bị ảnh hưởng công việc vì hoạt động ứng dụng AI. Trong đó, nông nghiệp chính là lĩnh vực bị ảnh hưởng lớn nhất với 6,6 triệu lao động được cho dư thừa vào năm 2028. Ngoài ra, nhu cầu tuyển dụng lao động nông nghiệp có tay nghề cùng lao động phổ thông cũng sẽ giảm bởi những công việc này dần được công nghệ thay thế. Singapore được dự đoán sẽ thừa tới 500.000 nhân lực vào năm 2028 do quá trình thay đổi kỹ thuật số.

Con số này chiếm tới 21% lực lượng lao động của Singapore. Còn tại Indonesia và Philippines, số lượng người thất nghiệp do tác động của AI sẽ thấp hơn do 2 quốc gia này quá thừa nguồn nhân lực giá rẻ, khiến họ sẽ khó có thể thích ứng và triển khai ứng dụng công nghệ. Riêng tại Cambodia, quốc gia mà ngành dệt may và da giày chiếm tới 90% hoạt động xuất khẩu, việc ứng dụng công nghệ tự động hóa được dự báo sẽ ảnh hưởng tới hơn 600.000 lao động.

Trong khi đó, AI được dự báo sẽ thay thế 7,5 triệu lao động tại Việt Nam và 4,9 triệu lao động tại Thái Lan vào năm 2028. Tỷ lệ này tương đương với 13,8% lao động Việt Nam và 11,9% lao động Thái Lan. Trong đó, phần lớn lao động thất nghiệp tập trung vào những ngành nghề đơn giản, năng suất thấp mà chủ yếu là nông nghiệp.

Giới chuyên gia lo lắng

Đơn cử như Thái Lan, những năm gần đây, việc áp dụng các hệ thống tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đang khiến cho thị trường lao động của nước này phải đối mặt với nguy cơ thiếu việc làm. Theo ông Thavorn Chalassathien, Chủ tịch Viện Xây dựng năng lực con người Thái Lan cho biết, chỉ khoảng 30% lượng học viên tại các cơ sở dạy nghề của Thái Lan có thể phục vụ thị trường lao động hiện nay, trong khi phần lớn 70% không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng.

Nói về triển vọng lao động của Thái Lan trong năm 2019, ông Thavorn cho rằng, điều này không mấy khả quan, khi nhiều công ty sản xuất đang áp dụng các hệ thống tự động hóa và AI tại các cơ sở của họ nhằm thay thế cho lao động phổ thông. Điều này được lý giải rằng khi các doanh nghiệp áp dụng công nghệ trong các khâu sản xuất sẽ giải quyết được nhu cầu thiếu lao động có kỹ năng phù hợp, hạ giá thành sản xuất và chất lượng sản phẩm cũng được cải thiện hơn so với cách làm truyền thống.

Ông Thavorn cho rằng, các công ty nên tự thiết lập các chương trình đào tạo để phát triển nguồn nhân lực sẵn có của họ trong bối cảnh thiếu hụt lao động như hiện nay. Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn phát triển lao động quốc gia, đồng thời là Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Thái Lan, ông Tanit Sorat cho rằng kỷ nguyên công nghiệp 4.0 đang dần thay đổi lĩnh vực sản xuất toàn cầu, khi nhiều công ty đã điều chỉnh hoạt động kinh doanh của họ thông qua việc áp dụng các hệ thống tự động và AI.

Điều này có thể sẽ khiến các cơ hội việc làm tại Thái Lan trở nên hạn hẹp hơn trong tương lai gần, khi mà người lao động chưa thể đáp ứng các kỹ năng cần thiết trước các nhà tuyển dụng. Vị Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Thái Lan cho biết, tỷ lệ thất nghiệp tại Thái Lan đã tăng từ năm 2018 ở mức 1% và hầu hết trong số đó đến từ lĩnh vực sản xuất.

Dự kiến trong năm 2019, tỷ lệ này ở Thái Lan sẽ tiếp tục tăng khoảng từ 1,2-1,3%, tương đương khoảng 400.000 - 500.000 lao động trong tổng số 38 triệu lao động trên cả nước. Còn tại Trung Quốc, đất nước đông dân nhất thế giới, với nguồn lao động dồi dào, gã khổng lồ thương mại điện tử của Trung Quốc vừa tạo ra một công cụ Trí tuệ nhân tạo (AI), cho phép viết ra 20.000 quảng cáo mỗi giây.

Các nền tảng thương mại điện tử của Alibaba như Tmall, Taobao, Mei.com và 1688.com sẽ được chèn một thanh công cụ cho phép tạo ra quảng cáo thông minh theo mẫu dựa vào một nút bấm. Nhà bán hàng có thể lựa chọn các ý tưởng quảng cáo khác nhau để tạo ra quảng cáo của riêng mình với AI do Alibaba phát triển.

Những nội dung được AI viết ra là kết quả của quá trình tự học sâu. Nó dựa vào khối lượng lớn những nội dung chất lượng cao do con người tạo ra. Người bán hàng sẽ được hưởng lợi lớn khi công cụ AI có thể đáp ứng phần nhiều nhu cầu viết các quảng cáo của họ và thay đổi một cách đáng kể phương thức làm việc. Thay vì viết lách, họ sẽ tập trung suy nghĩ kế hoạch và lựa chọn những gì họ cho là tốt và hiệu quả nhất mà AI tạo ra.

Tuy nhiên, AI của Alibaba vẫn khiến nhiều người cảm thấy lo sợ cho tương lai bởi khả năng làm việc hiệu quả vượt trội cùng sự không biết mệt mỏi của nó. Khi tự động hóa và trí tuệ nhân tạo trở thành xu thế không thể tránh khỏi, một bộ phận lớn người lao động sẽ bị máy móc thay thế, nguy cơ tạo ra tình trạng thất nghiệp trên diện rộng.

Ở thời điểm hiện tại, nhiều công ty Trung Quốc và thế giới đã áp dụng mức độ tự động hóa lên tới 80-90% trên các dây chuyền sản xuất. Với AI của Alibaba, những công việc không phải lao động chân tay, cũng có thể bị thay thế. Nó nối dài lo lắng với người lao động trên khắp thế giới.

Anh Minh

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/tri-tue-nhan-tao-ngay-cang-phat-trien-noi-lo-lang-noi-dai-cho-nguoi-lao-dong-khap-the-gioi-d104021.html