'Trí tuệ nhân tạo' - tương lai của bệnh nhân ung thư

Công nghệ IBM Watson for Oncology đã được triển khai tại hơn 80 bệnh viện và các cơ sở y tế tại 13 quốc gia trên thế giới. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ là đơn vị y tế đầu tiên tại Việt Nam triển khai ứng dụng công nghệ tiên tiến này.

Bệnh nhân Hạnh khỏe khoắn sau 2 tháng điều trị theo phác đồ mà IBM trợ giúp.Ảnh: THÙY LINH

Bệnh nhân Hạnh khỏe khoắn sau 2 tháng điều trị theo phác đồ mà IBM trợ giúp.Ảnh: THÙY LINH

Hồi sinh bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn 4 di căn

Đó là thông tin được đưa ra tại buổi gặp gỡ báo chí thông tin sau 4 tháng triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ điều trị ung thư (công nghệ IBM Watson for Oncology) do Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ tổ chức ngày 8.5.

IBM Watson for Oncology là hệ thống ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ trong điều trị ung thư được phát triển bởi Tập đoàn IBM với nền tảng bao gồm hơn 300 tạp chí y khoa, hơn 200 đầu sách y khoa trên thế giới được cập nhật liên tục.

Bác sĩ Ngô Hữu Hà - PGĐ BV Đa khoa tỉnh Phú Thọ - cho biết, công nghệ này có thể tóm tắt được đặc điểm y tế chính của bệnh nhân, cung cấp thông tin cho bác sĩ, sắp xếp lựa chọn phác đồ điều trị. Từ đó sẽ giúp các bác sĩ lựa chọn được phác đồ điều trị mới nhất, phù hợp nhất cho từng người bệnh. Đây không chỉ là cơ hội cho bệnh nhân ung thư tiếp cận được các phác đồ điều trị chuẩn mà còn giúp các bác sĩ có cơ hội nâng cao trình độ, cập nhật nhanh chóng các phác đồ điều trị tiên tiến trên thế giới. Công nghệ đám mây, bệnh án được cập nhật liên tục, sẽ tự động lựa chọn phác đồ điều trị tối ưu trên thế giới cho người bệnh.

Hiện nay, bệnh viện đang điều trị cho 19 bệnh nhân đến từ nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước như Đà Nẵng, Vũng Tàu, TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai... Ngày càng nhiều bệnh nhân quan tâm đến công nghệ này, trung bình mỗi ngày bệnh viện nhận được khoảng 30-50 cuộc gọi tư vấn.

Điển hình nhất là bệnh nhân Đàm Thị Hạnh (quê Phúc Yên, Vĩnh Phúc) mắc ung thư phổi giai đoạn 4. Sau một thời gian điều trị bằng các phương pháp hóa trị, điều trị ở các bệnh viện chuyên ngành ung bướu tuyến trên nhưng không có hiệu quả, sức khỏe bệnh nhân sa sút nghiêm trọng.

“Bệnh của tôi đã di căn đến vùng xương hông, đau không thể di chuyển được. Các bác sĩ xạ trị, sau đó dùng thuốc đích. Đến giờ phút này trị xạ xong rồi, dùng hóa chất chống hủy xương... Sau 15 ngày nằm ở bệnh viện này thì về tôi lại thấy đi được. Sau lên nằm tiếp 20 ngày thì trở về đi lại như bình thường, không đau, mà trước kia thì đau đớn vô cùng luôn. Tôi cảm thấy mình may mắn và rất hy vọng vào tương lai. Không còn thấy sợ hãi, lo lắng và chán nản đến mức muốn bỏ cuộc như trước nữa” - chị Hạnh tâm sự.

Chia sẻ về trường hợp của chị Hạnh, bác sĩ Trần Xuân Vĩnh - Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ - cho biết: “Khi bệnh nhân đến với chúng tôi, thể trạng bệnh nhân rất tệ nhưng sau đó, các BS tham khảo y văn thì thấy trong những trường hợp kháng thuốc, có nguyên nhân của nó, xuất hiện thêm đột biến kháng thuốc, nhưng may mắn là chúng ta vẫn có những thuốc đánh vào vị trí đó, thuốc điều trị trúng đích thế hệ thứ 3. Sau 2 tuần điều trị, bệnh nhân đã khác rất nhiều. Sau 2 tháng thì có thể tự đi lại”.

Giúp bệnh nhân “đối mặt” ung thư, tích cực điều trị

BS Vĩnh chia sẻ: “Bản thân tôi là một bác sĩ lâm sàng, nhận thấy người bệnh khi đón nhận tin bị ung thư, ảnh hưởng tâm lý rất lớn. Họ thường hoang mang, từ chối chẩn đoán, điều trị, tìm kiếm những trợ giúp khác, có người chạy ra nước ngoài xem có đúng là ung thư không. Hiện nay, phải hóa trị, kết hợp nhiều biện pháp điều trị khác, bệnh nhân phải đón nhận rất khó khăn, nếu không chăm sóc tốt thì suy sụp cả tinh thần và thể chất, ảnh hưởng lớn đến điều trị”.

“Từ khi có hệ thống này, tôi cảm nhận rõ rằng, bệnh nhân quay lại đây, ngồi với bác sĩ, bàn bạc với bác sĩ về quá trình điều trị sắp tới. Có lẽ, đây là điều chỉ có ở Việt Nam. Bệnh nhân đã quay trở lại với chúng tôi” - BS Vĩnh xúc động nói.

Đánh giá về giải pháp 4.0 trong điều trị ung thư, PGS-TS Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế - cho biết: “IBM WFO là bước tiến mới trong ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân ung thư tại Việt Nam.

Công nghệ này có thể giúp hỗ trợ giải quyết thực trạng quá tải ở các bệnh viện, giúp bệnh nhân có phác đồ điều trị nhất quán ngay tại địa phương, giúp các bác sĩ có cơ hội cập nhật thông tin mới nhanh chóng, kịp thời…”.

PGS-TS Trần Quý Tường - Cục trưởng Cục CNTT Bộ Y tế - cho rằng: “Thông thường nếu bác sĩ chưa thật chắc chắn về chẩn đoán của mình, bác sĩ có thể phải liên lạc với các thầy, các chuyên gia trong và ngoài nước để xem chẩn đoán phác đồ của mình đã thật chuẩn chưa, nhưng khi có bộ dữ liệu với số bệnh án lớn như thế này thì bác sĩ có ngay những gợi ý trước khi quyết định.

THÙY LINH

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/suc-khoe/tri-tue-nhan-tao-tuong-lai-cua-benh-nhan-ung-thu-606160.ldo