Trí tuệ

Một số sách báo, một số trang mạng xã hội gần đây hay nói đến Trí tuệ nhân tạo, thời kỳ công nghệ 4.0, xu thế nhảy vọt của Cách mạng khoa học kỹ thuật chưa từng biết đến...

Sự thật ra sao?

Có cần hoang mang vì sợ không kịp cập nhật, không kịp tận dụng không?

Xin cứ từ từ phân tích.

Trước hết cần nắm lại những định nghĩa do Từ điển tiếng Việt cung cấp.

Ở trang 951 và 952 thì: “Tri thức là những hiểu biết có hệ thống về sự vật, hiện tượng tự nhiên hoặc xã hội (nói khái quát). Thí dụ: Tri thức khoa học. Nắm vững tri thức nghề nghiệp”. “Trí thức là người chuyên làm việc, lao động trí óc và có tri thức chuyên môn cần thiết cho hoạt động nghề nghiệp của mình. Thí dụ: Tầng lớp trí thức”. “Trí tuệ là khả năng nhận thức lý tính đạt đến một trình độ nhất định. Thí dụ: Trí tuệ minh mẫn. Trí tuệ uyên bác”.

Từ cách đây hơn 200 năm, nhà bác học Mỹ Alexander Hamilton (1757-1803) đã khẳng định giá trị của trí tuệ khi ông viết: “Trên đời không có gì vĩ đại bằng con người, trong con người không có gì vĩ đại bằng trí tuệ” (On Earth, there is nothing great but man, in man there is nothing great but mind).

Như thế ta cần hiểu nôm na rằng con người phải học tập gian khổ, cần cù chịu khó, bền bỉ vượt qua bao lo lắng, sợ hãi, hoài nghi thì trong một thời gian dài vất vả mới nắm được từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp của trí tuệ. Có thể mô tả các mức độ dẫn đến trí tuệ như sau:

- Hàng ngày bằng mắt, bằng tai (Audio – Visual) ta lượm lặt được nhiều Data. Chữ Data hiện nay đã được quốc tế hóa, vì nó là một từ gốc Latinh số nhiều, có nghĩa là cái được đưa ra, còn số ít là Datum. Khi dịch sang tiếng Việt thì Datum và Data đều tùy văn cảnh mà dịch là: Tin, Số liệu, Dữ kiện, Cứ liệu, Tài liệu.

- Sau khi Data được chính thức hóa, luật pháp hóa, văn bản hóa có công chứng, có tác động của người hoặc cơ quan có thẩm quyền thì dần dần mới nâng lên thành Information (tạm dịch là Thông tin chính thức, Bản tin ...).

- Information được nâng cấp lên nữa, có sự tham gia của các chuyên gia, các học giả, nó trở thành Kiến thức (Knowledge). Cao hơn Kiến thức thì trở thành Minh triết (Wisdom). Cao hơn Minh triết thì trở thành Triết học (Phylosophy), trở thành Danh ngôn (Famous saying) ...

Như vậy, theo thời gian tiến hóa của loài người, khoa học kỹ thuật ngày càng tiến bộ thì kiến thức xã hội, kiến thức văn hóa cũng ngày càng tăng theo cho phù hợp với sự phát triển này. Một trong những động lực làm cho trí tuệ phát triển được là sự nghi ngờ, sự hoài nghi, những câu hỏi luôn luôn được đặt ra và luôn luôn có nhu cầu được giải đáp.

Nhà triết học kiêm nhà thơ vĩ đại người Đức Wolfgang Goethe (1749–1832) đã khẳng định: “Tri thức càng tăng, hoài nghi càng lắm” (With Knowledge, doubt increases). Ý kiến sáng suốt và mãi mãi đúng đắn này của Goethe là cơ sở duy vật biện chứng cho Tư duy phản biện (Critical thinking). Chữ thinking này được nhà Từ điển học Bùi Phụng dịch là: sự suy nghĩ, sự lý luận, thông minh, có lý trí, có suy nghĩ.

Đến đây ta mới ven ven ở bến bờ học tập, bến bờ kiến thức, bến bờ trí tuệ. Vất vả thay, từ cách đây gần 2.500 năm, nhà triết học vĩ đại Phương Đông – Trang Tử (tên chữ là Trang Châu) (369–298 trước Công nguyên) đã động viên con người ham học chúng ta: “Đời ta thì có bến bờ, còn cái hiểu biết thì không có bến bờ” (Ngô minh dã hữu nhai, Nhi tri dã vô nhai).

Thế kỷ trước, ở nước ta cũng có một danh ngôn về sự học, sự muốn có được kiến thức, tự nâng cấp trí tuệ cho mỗi con người bằng một câu động viên quý báu: “Biển học là vô bờ, chỉ biết lấy sự cần cù làm bến”.

Tại sao cái sự học lại khó khăn, vất vả đến thế? Tại sao sự hiểu biết lại mênh mông, bao la đến thế?

Có nhiều cách cắt nghĩa, cách lý giải cho cái quá trình tích lũy tri thức, tích lũy kiến thức triết học, tích lũy sự minh triết, tích lũy các danh ngôn nhân loại lại khổ công đến thế. Có thể khu trú thành một số nguyên nhân sau đây:

Trí tuệ cũng như một số giá trị khác chưa chắc đã đúng mãi mãi:

Nhà bác học Mỹ Henry Ward Beecher (1813–1887) là người đứng đầu cho cách suy nghĩ “Cái hôm nay đúng chưa chắc ngày mai sẽ đúng”. Beecher đã viết: “Nền triết học đúng ở thế kỷ này có khi trở thành tầm thường ở thế kỷ sau” (The phylosophy of one century is common sense of the next).

Theo dõi từ thế kỷ XIX, thế kỷ XX và 20 năm đầu của thế kỷ XXI, ta thấy Beecher thật đáng nể về khả năng tiên đoán đúng trước hàng trăm năm của ông.

Bằng một góc nhìn (Point of view) khác, Sir John Denham (1615–1669) - nhà triết học Anh với tác phẩm “Về tiến triển của sự học tập” (The progress of Learning) - đã viết: “Cây trí tuệ úa tàn vì biện luận/ Lá khô cằn thay thế việc đơm bông” (The tree of knowledge blasted by dispute/ Produces sapless leaves ínstead of fruit).

Khi viết đến đây, tôi lại nhớ đến một kỷ niệm cách nay đã hơn 60 năm. Hồi đó tôi học tiếng Anh ở một trường tư thục. Cụ giáo Bách luôn đeo kính râm và rất nghiêm khắc, ít khi nói đùa. Thế mà hôm giảng câu thơ vừa nêu của Denham, cụ Bách bỗng phá lên cười, rồi lúc cười xong cụ ngậm ngùi than thở: “Khốn khổ thay cho biện luận, khốn khổ thay cho trí tuệ”. Cái lời than của ông giáo già ngày ấy, chúng tôi chỉ hiểu lơ mơ, nhưng không dám hỏi. Rồi theo thời gian, mỗi ngày vỡ vạc ra một ít, mỗi ngày sáng tỏ ra một ít. Đến nay có thể cắt nghĩa qua ý kiến tổng kết của nhà triết học Mỹ Ambrose Bierce (1842–1916): “Triết học là một con đường gian khổ có nhiều ngã rẽ không dẫn ta từ đâu đến đâu cả” (The phylosophy: A route of many roads leading from nowhere to nothing).

Khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế của tri thức là quá xa vời:

Nguyên nhân thứ hai của việc tiếp thu tri thức loài người rất vất vả khó nhọc vì giữa Lý thuyết và Thực tế của Tri thức cách nhau quá xa vời, có khi không gặp nhau được.

Trong dân gian thì thường truyền miệng những câu, những ý sau đây:

+ Ôi chao, nói thì dễ chứ làm mới khó.

+ Nói như rồng leo, làm như mèo mửa.

+ Từ lý thuyết đến thực tế còn quá xa vời...

Trong “Túi khôn” nhân loại cũng đã từng nhắc nhở nhiều điều về lý thuyết và thực tế. Wolfgang Goethe đã viết: “Mọi lý thuyết đều xám xịt/

Chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi”.

Những thí dụ có thật trong đời thường:

• Trải qua nhiều kinh nghiệm thực tế ở đời, có khi ông kỹ sư nông nghiệp mới ra trường còn thua người nông dân có nhiều kinh nghiệm thực tế trong chăn nuôi, trồng trọt.

• Một nhà tâm lý học giảng dạy ở trường đại học rất hay nhưng không lấy được vợ vì không chinh phục được một trái tim phụ nữ.

• Một giáo sư giảng dạy về báo chí rất hay nhưng khi viết bài gửi cho các báo, chẳng thấy báo nào đăng. Lý do: ông này toàn viết về lý thuyết, không sát thực tế nên không hấp dẫn người đọc.

• Người bệnh thường hay hỏi ý kiến ông bác sĩ già có nhiều kinh nghiệm thực tế. Còn khi hỏi ông tiến sĩ trẻ, đã mất 3 triệu tiền xét nghiệm các loại mà không biết là bệnh gì, làm cho sự lo lắng về bệnh tật của người bệnh ngày càng tăng. Đến với ông bác sĩ già, ông đã hướng dẫn người bệnh dùng một bài thuốc dân gian vừa rẻ tiền lại vừa chóng khỏi bệnh.

Tác giả Goldsmith đã viết: “Triết học là một con ngựa đẹp đi lại trong chuồng ngựa, nhưng là con ngựa tồi trên con đường thiên lý” (Phylosophy is a good horse in the stable but an errant jade on a journey).

Vậy thì câu kết luận sẽ ra sao về tri thức, về triết học, về trí tuệ? Thiết tưởng không có câu nào thú vị hơn câu nói sau đây của triết gia người Anh William Hazlitt (1778–1830): “Trí tuệ là muối trong câu chuyện, chứ không phải là thức ăn” (Wit is the salt of conversation, not the food).

Trần Hữu Thăng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/tri-tue-tintuc449211