Triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc

Trước thực trạng bệnh lở mồm long móng đã và đang xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và có nguy cơ lây lan trên diện rộng, ngày 23-11-2019 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã ký ban hành Công điện khẩn số 8799/ CĐ- BNN-TY gửi các địa phương về việc khẩn trương, tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc.

Thực trạng

Công điện nêu rõ, theo báo cáo của cơ quan thú y địa phương, thời gian gần đây, dịch bệnh lở mồm long móng đã và đang xảy ra tại nhiều tỉnh như: Bắc Kạn, Hà Giang, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Long… Nguy cơ dịch bệnh lây lan trên diện rộng, diễn biến phức tạp, nhất là khi điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi là rất lớn.

Nguyên nhân dịch bệnh lở mồm long móng xuất hiện là do việc thực hiện công tác phòng, chống bệnh tại cơ sở chưa tốt, còn nhiều tồn tại, bất cập và thiếu sự kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực hiện tại tuyến cơ sở. Thời gian qua, các địa phương đã và đang tập trung nguồn lực để phòng, chống bệnh dịch tả heo Châu Phi nên có tình trạng chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống các loại dịch bệnh khác, trong đó có bệnh lở mồm long móng. Một nguyên nhân khác khiến tình hình dịch bệnh bùng phát mạnh là do mầm bệnh còn lưu hành trong đàn gia súc, nhưng một số địa phương chưa tổ chức lấy mẫu kịp thời để xét nghiệm xác định bệnh, chưa tổ chức tiêm phòng vaccine đầy đủ và kịp thời cho đàn gia súc…

Ở An Giang, theo báo nhanh của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, từ ngày 20-10 đến 20-11, các xã của huyện Chợ Mới (An Thạnh Trung, Mỹ An, Hội An, Long Kiến, Nhơn Mỹ, Kiến Thành, Mỹ Hội Đông) đã có 20 con bò bị bệnh và chết, những hộ chăn nuôi cho biết, trước khi bò chết, bò chảy nước bọt, móng chân bị đau nên việc đi, đứng rất khó khăn, biểu hiện của bệnh gần giống như bệnh lở mồm long móng. “Đối với các địa phương có bò bệnh và chết, chúng tôi đã chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện tiến hành ngay các biện pháp vệ sinh tiêu độc, sát trùng bằng hóa chất, vôi bột; đồng thời ngành đã kết hợp với Cơ quan Thú y Vùng VII, tiến hành lấy mẫu mang đi xét nghiệm. Khi có kết quả xét nghiệm, chúng tôi sẽ công bố để nhân dân trên địa bàn nắm” - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Trần Tiến Hiệp thông tin.

Giải pháp

Trước thực trạng bệnh lở mồm long móng xảy ra ở nhiều tỉnh trong cả nước, Công điện khẩn số 8799/ CĐ-BNN-TY do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến ký đã nêu rõ, để xử lý, ngăn chặn kịp thời dịch bệnh tại các địa phương có dịch và chủ động phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương chưa có dịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND các cấp, tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, xử lý dứt điểm các ổ dịch; không để phát sinh ổ dịch mới tại các tỉnh đã và đang có dịch bệnh lở mồm long móng, không để lây lan dịch bệnh sang các tỉnh, thành phố khác. Tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật. Chỉ đạo, hướng dẫn người chăn nuôi, các cơ quan chuyên môn và chính quyền cơ sở chủ động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm để kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch ngay từ khi mới xảy ra, không để lây lan trên diện rộng. Khẩn trương tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch và các địa bàn có nguy cơ cao. Tổ chức vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, vôi bột tại các ổ dịch, các tuyến đường và phương tiện ra vào ổ dịch, các điểm nguy cơ cao để tiêu diệt các loại mầm bệnh… Không để dịch bệnh bùng phát, lây lan trên diện rộng.

Trở lại tình hình bò bệnh và chết xảy ra ở địa bàn huyện Chợ Mới, qua nắm tình hình cho thấy, phần lớn đối với những con bò bị bệnh chết là do bà con nông dân không chích ngừa theo đúng khuyến cáo của ngành chăn nuôi, thú y. Các hộ có tiêm ngừa thì bò vẫn mạnh khỏe. Để khắc phục tình trạng này, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trương Kiến Thọ cho biết, sắp tới ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hộ chăn nuôi về tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, đồng thời sẽ tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, phòng ngừa các loại bệnh để người chăn nuôi hiểu và thực hiện nhằm mục đích giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi.

“Trước thực trạng bò nuôi của nông dân ở 7 xã của huyện Chợ Mới bị bệnh và chết hàng loạt, chúng tôi đã chỉ đạo cho cán bộ thú y các địa phương tiến hành rà soát trên địa bàn toàn tỉnh để xem nơi nào có bò bị chết nữa hay không. Hiện, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đang theo dõi sát tình hình, diễn biến của dịch bệnh” - ông Trần Tiến Hiệp thông tin.

MINH HIỂN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/trien-khai-cac-bien-phap-phong-chong-dich-benh-lo-mom-long-mong-tren-dan-gia-suc-a259860.html