Triển khai các giải pháp kiểm soát chi khám chữa bệnh BHYT năm 2024

Sáng 28/3, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Cà Mau tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp kiểm soát chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT năm 2024.

Gỡ khó thanh toán BHYT cho các cơ sở khám chữa bệnh
Đổi mới nội dung và hình thức truyền thông về BHXH, BHYT
Quản lý chặt quỹ khám, chữa bệnh
Chi phí nhỏ, lợi ích lớn

Đại biểu tham dự hội nghị.

Năm qua, tỉnh Cà Mau được giao dự toán 1.081,851 tỷ đồng. Kết quả tổng chi phí KCB BHYT là 1.205,575 tỷ đồng, vượt dự toán khoảng 133,14 tỷ đồng (chiếm 112,31%).

Tổng lượt KCB BHYT là 2.978.559 lượt người, so cùng kỳ tăng 22,15%, cao hơn toàn quốc (15,5%) nhưng thấp hơn khu vực (22,35%).

Chi phí KCB BHYT bình quân chung 442.669 đồng/lượt KCB, so cùng kỳ giảm 0,58%, giảm ít hơn toàn quốc (-1,56%) và khu vực (-2,58%). Chi phí bình quân chung của Cà Mau thấp hơn toàn quốc (800.559 đồng) nhưng cao hơn khu vực (429.120 đồng).

Ông Trịnh Trung Kiên, Giám đốc BHXH tỉnh Cà Mau, mong muốn nâng cao chất lượng y tế cơ sở.

Tham dự hội nghị, đại diện các cơ sở KCB BHYT chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong công tác thanh toán chi phí KCB BHYT. Những vấn đề này cũng đã được chuyên viên Phòng giám định BHYT, BHXH tỉnh Cà Mau giải đáp.

Để công tác KCB BHYT được cập nhật kịp thời trên phần mềm KCB, ông Dương Minh Tùng, Phó giám đốc BHXH tỉnh Cà Mau, thông tin: 6 bản danh mục cập nhật trên phần mềm phải được đồng nhất thông tin trên website của Sở Y tế, trên phần mềm của cơ sở KCB và phần mềm giám định BHYT. Những thay đổi phải được cập nhật kịp thời. Giám định viên Phòng giám định BHXH tỉnh, BHXH các huyện phải thường xuyên truy cập, nếu có sai sót thì phải báo ngay cho cơ sở KCB để kịp thời điều chỉnh vì 6 bản danh mục này là cơ sở để thanh toán KCB BHYT.

Ông Dương Minh Tùng đề nghị các cơ sở KCB cần phân loại KCB theo đúng quy định. Cụ thể, bệnh mãn tính là bệnh loại 2, bệnh thông thường là bệnh loại 1. Các cơ sở KCB BHYT phải thường xuyên theo dõi phần mềm tiếp nhận KCB BHYT, theo dõi phản hồi của cơ quan BHXH để có ứng xử kịp thời trên hệ thống. Tránh trường hợp người dân vừa đi khám bệnh xong lại tiếp tục đến nơi khác khám bệnh. Cơ quan BHXH sẽ thông báo cho cơ sở KCB BHYT hàng tháng về chi phí bình quân để kiểm soát chi phí KCB, không khống chế trần mà khi chi phí KCB tăng thì giải thích được củng như kịp thời chấn chỉnh.

Biểu đồ lượt KCB và chi KCB tuyến xã năm 2023 giảm mạnh so với năm 2022.

Ông Vương Hữu Tiến, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau, chia sẻ: “Vì lợi ích của người bệnh và chi nguồn quỹ KCB BHYT theo đúng quy định, mong rằng mỗi quý BHXH tỉnh sẽ tổ chức họp 1 lần về chi phí KCB BHYT và mỗi tháng sẽ có báo cáo cụ thể gởi đến từng cơ sở KCB BHYT để có sự giám sát và điều chỉnh kịp thời”.

Đối với y tế tuyến xã, năm qua lượt KCB giảm, chi phí KCB thấp. Nguyên nhân khách quan là điều kiện y tế tuyến xã về con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị còn yếu. Với mục tiêu để người bệnh gần cơ sở, người dân thì sau khi kiểm tra, khám bệnh ở tuyến trên, thuốc sẽ cấp về tuyến xã để người dân tiết kiệm chi phí đi lại, cũng như tăng lượt KCB cho y tế tuyến xã. Vấn đề này, Sở Y tế sẽ phối hợp với BHXH tỉnh tìm cách tháo gỡ. Tuy nhiên, các trạm y tế củng cần xem xét tinh thần phục vụ, tuân thủ đúng quy định về chuyên môn để người dân tín nhiệm, tăng lượt KCB tại y tế tuyến xã.

“Nâng cao chất lượng KCB tuyến y tế cơ sở, đây là mục tiêu chung, quan điểm của Đảng trong Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về chăm sóc sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới, ưu tiên đầu tư y tế tuyến cơ sở để phục vụ kịp thời cho người dân”, ông Trịnh Trung Kiên, Giám đốc BHXH tỉnh Cà Mau, mong muốn trạm y tế cơ sở nâng cao chất lượng KCB, nâng chi phí KCB ở mức hợp lý./.

Hồng Phượng - Trầm Nghĩ

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/trien-khai-cac-giai-phap-kiem-soat-chi-kham-chua-benh-bhyt-nam-2024-a31849.html