Triển khai chiến dịch thanh tra về lĩnh vực bảo hiểm xã hội

Năm 2020, lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thống nhất sẽ mở chiến dịch thanh tra riêng về lĩnh vực bảo hiểm xã hội, triển khai đồng loạt trên cả nước. Trong đó, liên ngành sẽ chú trọng 2 loại doanh nghiệp là: Nợ thời gian ngắn nhưng số tiền nợ nhiều và doanh nghiệp nợ với thời gian dài nhưng số tiền ít, gây ảnh hưởng quyền lợi người lao động.

Bảo hiểm xã hội và Thanh tra Hà Nội tiến hành công bố Quyết định Thanh tra tới doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Ảnh: L.N

Bảo hiểm xã hội và Thanh tra Hà Nội tiến hành công bố Quyết định Thanh tra tới doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Ảnh: L.N

Thông tin về công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội (BHXH), BH thất nghiệp tại một số địa phương trong năm qua, ông Nguyễn Tiến Tùng - Chánh Thanh tra Bộ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Trong năm qua, toàn ngành đã triển khai khoảng 7.000 cuộc, trong đó Thanh tra Bộ tiến hành gần 600 cuộc.

Qua thanh tra cho thấy, việc chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp tốt hơn nhiều. Đáng chú ý là ở lĩnh vực BHXH nói riêng có tác dụng ngay khi đối tượng thanh tra nhận được quyết định đã nộp tiền nợ BHXH. Điểm nổi bật nhất công tác thanh tra năm qua là tất cả các cơ quan thanh tra, xử phạt rất nghiêm, ban hành 1.497 quyết định xử phạt với số tiền gần 48 tỉ đồng.

Trong thanh tra lao động, ngoài việc tổ chức thanh tra các cuộc về BHXH riêng thì tất cả các cuộc thanh tra lao động đều lồng ghép thanh tra lĩnh vực BHXH, BH thất nghiệp. Theo ông Nguyễn Tiến Tùng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chánh Thanh tra Bộ cũng nhận thấy thanh tra BHXH rất cần thiết, nếu không thì quyền lợi người lao động bị ảnh hưởng lớn.

Thanh tra Bộ đã thanh tra chuyên ngành 561 cuộc, trong đó có điểm nổi bật năm 2019 do tập trung thanh tra về BHXH, BH thất nghiệp đã truy thu được 423 triệu đồng do đóng BHXH không đúng mức, còn riêng phần các doanh nghiệp nộp sau thanh tra thì không thể thống kê hết được.

Trong năm qua, toàn ngành đã triển khai khoảng 7.000 cuộc, trong đó Thanh tra Bộ tiến hành gần 600 cuộc. Qua thanh tra cho thấy, việc chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp tốt hơn nhiều. Đáng chú ý là ở lĩnh vực BHXH nói riêng có tác dụng ngay khi đối tượng thanh tra nhận được quyết định đã nộp tiền nợ BHXH. Điểm nổi bật nhất công tác thanh tra năm qua là tất cả các cơ quan thanh tra, xử phạt rất nghiêm, ban hành 1.497 quyết định xử phạt với số tiền gần 48 tỉ đồng.

Cụ thể, qua thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), BH thất nghiệp tại 6 cơ quan BHXH cấp tỉnh, 21 cơ quan BHXH cấp huyện và 88 doanh nghiệp của 6 tỉnh (Cà Mau, Đồng Tháp, Lào Cai, Nghệ An, Phú Thọ và Trà Vinh), Thanh tra Bộ đã ban hành 350 kiến nghị yêu cầu đối tượng khắc phục sai phạm, thiếu sót; 19 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 2,095 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi số tiền 5,795 triệu đồng của 11 người lao động do đã được cơ quan BHXH chi trả chế độ BH thất nghiệp nhưng vẫn có việc làm và được doanh nghiệp trả lương; kiến nghị truy thu số tiền trên 382 triệu đồng do người sử dụng lao động trích đóng tiền BHXH, BHYT, BH thất nghiệp không đúng mức quy định.

Đáng chú ý, các doanh nghiệp được thanh tra chủ yếu vi phạm các lỗi như: Không báo cáo với Trung tâm Dịch vụ việc làm về tình hình biến động lao động (59/88 doanh nghiệp); chưa phân loại lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để thực hiện chế độ BHXH cho người lao động (13/88 doanh nghiệp); đăng ký tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp không đầy đủ cho lao động thuộc diện phải tham gia (21/88 doanh nghiệp); chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp (43/88 doanh nghiệp); tiền lương đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp chưa bao gồm khoản phụ cấp hoặc thấp hơn mức lương tối thiểu vùng hoặc chưa cộng thêm 5% đối với lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, 7% đối với lao động đã qua đào tạo nghề (17/88 doanh nghiệp)...

Công tác thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đạt hiệu quả rất tốt. Từ năm 2016 đến nay, toàn ngành Bảo hiểm xã hội đã tiến hành thanh tra tại 20.202 doanh nghiệp và phát hiện yêu cầu doanh nghiệp làm thủ tục tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho 161.268 lao động chưa tham gia hoặc tham gia thiếu thời gian với số tiền truy thu trên 353.940 triệu đồng; yêu cầu doanh nghiệp làm thủ tục truy thu đóng cho 155.058 lao động do đóng thiếu với số tiền trên 157.400 triệu đồng. Đặc biệt, sau thanh tra các đơn vị đã nộp 3.583/8.532 triệu đồng (đạt tỉ lệ 42%) và ban hành 2.028 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt phải thu là 75.359 triệu đồng…

Theo Chánh Thanh tra Bộ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2019, công tác thanh kiểm tra lĩnh vực BHXH, BHYT đã đạt được thành công nhưng thành công này vẫn còn chừng mực nhất định, nên năm 2020, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thống nhất mở “chiến dịch thanh tra riêng về lĩnh vực bảo hiểm xã hội”, triển khai đồng loạt trên cả nước.

Hiện Thanh tra Bộ đã triển khai kế hoạch này trong toàn quốc, trong đó sẽ tập trung 2 loại doanh nghiệp là: Nợ thời gian ngắn nhưng số tiền nợ nhiều và doanh nghiệp nợ với thời gian dài nhưng số tiền ít, gây ảnh hưởng quyền lợi người lao động

N.Hà-B.Duy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/trien-khai-chien-dich-thanh-tra-ve-linh-vuc-bao-hiem-xa-hoi-101970.html