Triển khai chính sách linh hoạt, đảm bảo quyền lợi người tham gia bảo hiểm xã hội

Việc đẩy mạnh các hình thức giao dịch điện tử, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chi trả tại nhà, chi trả gộp thời gian… trong thời gian xảy ra dịch Covid-19, ngành Bảo hiểm xã hội đã mang lại nhiều thuận lợi nhằm phục vụ tốt hơn nữa đối với người tham gia.

Chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tại nhà ngưởi hưởng để phòng dịch Covid-19

Chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tại nhà ngưởi hưởng để phòng dịch Covid-19

Hỗ trợ phòng dịch, điểm tựa an sinh

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, dịch bệnh Covid-19 diễn biễn phức tạp ảnh hưởng xấu đến đời sống của người lao động. Trong tháng 2 qua, đã có 47.164 người nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Trong tháng 02/2020, khoảng 10% doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất. Đặc biệt, chỉ 2 tuần đầu tháng 3, khi dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, trên 15% doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động giảm bớt khó khăn, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chủ động, tích cực vào cuộc với nhiều kiến nghị, hỗ trợ những đối tượng bị ảnh hưởng như: tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí và tử tuất với doanh nghiệp khó khăn; thanh toán chi phí BHYT với trường hợp nhiễm bệnh, cách ly; chuẩn bị kinh phí, thuốc men BHYT cho các cơ sở y tế; hỗ trợ người dân khai báo y tế điện tử…

Gần đây nhất, Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành Công văn số 1020/BHXH-TCKT cho phép chi trả gộp lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tháng 4 và tháng 5/2020 đến người hưởng.

Mục đích giúp người dân, người lao động không phải đi lại, tiếp xúc đông người trong thời gian cách ly xã hội, đặc biệt là có thêm nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống, yên tâm hơn trong giai đoạn khó khăn.

Về chi trả BHYT, hiện nay, người Việt Nam tham gia BHYT nhiễm Covid-19 được Quỹ BHYT chi trả toàn bộ chi phí điều trị. Quỹ cũng thanh toán cả với những trường hợp có triệu chứng nghi ngờ nhiễm Covid-19 như sốt, ho, khó thở mà xét nghiệm âm tính. Việc tạm ứng kinh phí quý I/2020 cho các cơ sở khám chữa bệnh BHYT đã được Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện đầy đủ, đặc biệt với Bảo hiểm xã hội các tỉnh có người bệnh phát hiện nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm virus…

Ứng dụng công nghệ vào hoạt động nghiệp vụ

Không chỉ tăng cường các hoạt động chi trả, khi dịch Covi-19 bước vào giai đoạn mới, phức tạp hơn, thực hiện cách ly xã hội, hạn chế tiếp xúc, tập trung đông người, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng kịp thời có sự chuyển hướng, linh hoạt trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ nhằm bảo vệ, giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 đến người dân, người lao động.

Trong lúc dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc triển khai các biện pháp như cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động nghiệp vụ luôn được Bảo hiểm xã hội Việt Nam ưu tiên triển khai. Ngày 31/3/2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành Công văn số 1058/BHXH-TCCB yêu cầu các đơn vị trong Ngành xây dựng, công khai và thực hiện phương án bố trí cho công chức, viên chức, người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc trực tuyến tại nhà; giải quyết công việc trên phần mềm ứng dụng của Bảo hiểm xã hội Việt Nam… nhằm chung tay cùng toàn xã hội hạn chế tiếp xúc, lây lan dịch bệnh.

Bên cạnh đó, thể hiện trách nhiệm, chung tay với cộng đồng, ngày 25/3/2020, BHXH Việt Nam đã ban hành Công văn số 956/BHXH-VP phát động phong trào ủng hộ, quyên góp phòng chống dịch Covid-19 trong toàn Ngành. Trước đó, chiều 24/3/2020, thay mặt toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Ngành BHXH, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh đã trao 2 tỷ đồng ủng hộ “Quỹ phòng chống dịch Covid-19” đến Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Những giải pháp, hoạt động nêu trên cho thấy sự nỗ lực, đồng hành của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cùng với người tham gia bảo hiểm xã hội, BHYT khắc phục khó khăn, chiến thắng dịch bệnh Covid-19.

Phạm Phương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/trien-khai-chinh-sach-linh-hoat-dam-bao-quyen-loi-nguoi-tham-gia-bao-hiem-xa-hoi/849489.antd