Triển khai công tác bảo tồn, phát huy giá trị dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh và nghệ thuật biểu diễn truyền thống

Ban hành Kế hoạch về việc triển khai công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh; Thực hiện bảo tồn lễ hội truyền thống Lấp lỗ của dân tộc Chứt; Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình là những thông tin chi đạo điều hành đáng chú ý trong lĩnh vực văn hóa, gia đình tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Trị.

Ảnh minh họa.Nguồn: huefestival.com

Ảnh minh họa.Nguồn: huefestival.com

Nghệ An: Bảo tồn giá trị di sản Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh

Vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 145/KH-UBND về việc triển khai công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh và nghệ thuật biểu diễn truyền thống các dân tộc thiểu số tại địa phương năm 2020.

Việc thực hiện kế hoạch này nhằm giữ gìn, lưu truyền, phổ biến, phát huy cho thế hệ mai sau những giá trị độc đáo mang tính xã hội, nhân văn, những phong tục, tập quán tốt đẹp về hát Ví, Giặm và nghệ thuật biểu diễn truyền thống các dân tộc thiểu số Nghệ An. Đồng thời nâng cao nhận thức và lòng tự hào trong cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Ví, Giặm và nghệ thuật biểu diễn truyền thống các dân tộc thiểu số Nghệ An. Qua đó, từng bước bảo tồn, phát huy giá trị Ví, Giặm và nghệ thuật biểu diễn truyền thống các dân tộc thiểu số Nghệ An trở thành sản phẩm du lịch văn hóa hóa đặc trưng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Các nội dung triển khai gồm: Hỗ trợ các CLB dân ca Ví, Giặm tổ chức truyền dạy, dàn dựng các tác phẩm diễn xướng dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh; tổ chức dạy cách sử dụng nhạc cụ (nhị, bầu, sáo, trống, thập lục) vận dụng vào trong các tác phẩm Ví, Giặm; Thu đĩa toàn bộ phần nhạc các tác phẩm truyền dạy dàn dựng; Tổ chức báo cáo biểu diễn các tác phẩm truyền dạy, dàn dựng; tổ chức ghi hình toàn bộ chương trình báo cáo biểu diễn; Tổ chức 1 buổi biểu diễn phục vụ nhân dân và du khách tại một không gian diễn xướng phù hợp tại cộng đồng; hỗ trợ hoạt động cho câu lạc bộ như: Cấp trang phục biểu diễn, Đĩa nhạc thu âm, Phông sân khấu in bạt, Đạo cụ dùng trong các tác phẩm được tập luyện dàn dựng biểu diễn... để các câu lạc bộ duy trì việc biểu diễn các tiết mục.

Bên cạnh đó, hỗ trợ các đội nghệ thuật trình diễn dân gian các dân tộc thiểu số thông qua việc tổ chức truyền dạy, dàn dựng các tác phẩm dân ca, dân nhạc, dân vũ các dân tộc thiểu số; Tổ chức dạy cách sử dụng nhạc cụ (Trống, khèn, sáo, pí, xi xa lo, tập tinh tập tang, khắc luống, cồng chiêng) vận dụng vào trong các tác phẩm được dàn dựng; Thu đĩa toàn bộ phần nhạc các tác phẩm; Tổ chức báo cáo biểu diễn các tác phẩm dàn dựng; tổ chức ghi hình toàn bộ chương trình báo cáo biểu diễn; Tổ chức một buổi biểu diễn phục vụ nhân dân và du khách tại một không gian diễn xướng phù hợp tại cộng đồng và hỗ trợ hoạt động cho đội văn nghệ...

Hà Tĩnh: Triển khai thực hiện bảo tồn lễ hội truyền thống Lấp lỗ của dân tộc Chứt

Thông tin từ Sở VHTTDL Hà Tĩnh cho biết, mới đây Sở đã ban hành văn bản triển khai thực hiện bảo tồn lễ hội truyền thống Lấp lỗ, dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê (sau đây gọi tắt là lễ hội).

Việc bảo tồn lễ hội nhằm gìn giữ, lưu truyền, phổ biến, phát huy cho thế hệ mai sau những giá trị độc đáo mang tính xã hội, nhân văn, những phong tục tập quán tốt đẹp về văn hóa dân gian, nghi lễ truyền thống của đồng bào dân tộc Chứt. Từ đó nâng cao nhận thức và lòng tự hào trong cộng đồng, trách nhiệm của các thế hệ, nhất là của thế hệ trẻ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa độc đáo của người dân tộc Chứt. Đồng thời từng bước bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống của người dân tộc Chứt trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Nội dung triển khai bao gồm xây dựng kịch bản chi tiết về lễ hội; lấy ý kiến của các chuyên gia về kịch bản chi tiết; tổ chức phục dựng lễ hội Lấp lỗ với phần nghi lễ và phần hội.

Thời gian triển khai thực hiện bảo tồn lễ hội từ tháng 2 đến tháng 8/2020.

Quảng Trị: Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình

UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện công tác Gia đình năm 2020. Kế hoạch nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và cộng đồng về vai trò, vị trí và tầm quan trọng trong việc thực hiện tốt chủ trương, đường lối của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và phát huy có hiệu quả cơ chế phối hợp giữa các ngành, mặt trận tổ quốc, đoàn thể và địa phương để thực hiện có hiệu quả công tác gia đình và phòng chống bạo lực gia đình năm 2020…

Theo đó, các nhiệm vụ đề ra gồm: Tiếp tục thực hiện các văn bản hướng dẫn về công tác gia đình; triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 04/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về "Đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình". Tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình, Ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái 25/11, tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành về thực hiện công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình nhằm phát huy tối đa tính hiệu lực của việc triển khai, thi hành các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình và tính hiệu quả trong việc thực hiện công tác gia đình. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ về công tác gia đình, bình đẳng giới trong gia đình cho cán bộ làm công tác gia đình các cấp. Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác gia đình, các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới trong gia đình.

Thanh Thủy (t/h)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/trien-khai-cong-tac-bao-ton-phat-huy-gia-tri-dan-ca-vi-giam-nghe-tinh-va-nghe-thuat-bieu-dien-truyen-thong-20200323152720953.htm