Triển khai dạy tích hợp liên môn lớp 6: Giáo viên lo lắng

Năm học 2021-2022, lần đầu tiên chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được triển khai ở cấp trung học, bắt đầu với lớp 6.

Năm học 2021-2022, các môn vật lý, hóa học, sinh học sẽ được tích hợp thành môn khoa học tự nhiên (Ảnh tư liệu)

Năm học 2021-2022, các môn vật lý, hóa học, sinh học sẽ được tích hợp thành môn khoa học tự nhiên (Ảnh tư liệu)

Một trong những điểm khác biệt rất lớn của chương trình mới so với trước đây là sự xuất hiện của các môn học mang tính tích hợp của nhiều môn. Những thay đổi này đang khiến không ít giáo viên băn khoăn.

Lúng túng

Mặc dù đã tìm hiểu về dạy học tích hợp liên môn nhưng cô Phạm Thị Lan, giáo viên một trường THCS ở TP Hải Dương vẫn có nhiều băn khoăn với môn học mới này. Theo cô Lan, để dạy môn tích hợp khoa học tự nhiên (gồm 3 môn hóa học, vật lý, sinh học), nhiều trường dự kiến vẫn cho 3 giáo viên khác nhau đảm nhận. Nếu như vậy thì chỉ là sự tích hợp cơ học khó tạo ra sự đột phá, thậm chí còn ảnh hưởng đến việc kiểm tra, đánh giá chất lượng học sinh. "Chẳng hạn trước đây khi dạy riêng rẽ, mỗi thầy cô sẽ ra đề kiểm tra, còn hiện nay việc đánh giá khó hơn do 3 môn gộp làm một. Chúng tôi không biết ra đề và chấm điểm ra sao nếu gộp lại làm một bài kiểm tra môn tích hợp. Ai sẽ có trách nhiệm đưa điểm lên phần mềm. Ai sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng môn học. Nội dung bài kiểm tra sẽ phân chia thế nào", cô Lan bày tỏ.

Đây cũng là băn khoăn chung của không ít giáo viên khi được phân công dạy môn tích hợp trong thời gian tới. Đó còn chưa kể, mỗi môn học đòi hỏi sự trải nghiệm thực tế khác nhau, nếu không có sự phân bổ thời gian và chuẩn bị chu đáo giáo viên sẽ rất bị động. Thầy Vũ Tiến Công, Hiệu trưởng Trường THCS Quang Minh (Gia Lộc) cho biết dù đã được nghiên cứu và tập huấn nhưng nhiều thầy cô vẫn lúng túng vì đây là môn mới chưa biết khi áp dụng vào thực tiễn sẽ như thế nào. Đặc biệt, khung chương trình dạy môn tích hợp chưa hợp lý. Bộ Giáo dục và Đào tạo dành 10% thời gian cho làm bài kiểm tra môn tích hợp như vậy quá nhiều, không phù hợp với học sinh lớp 6.

Không ít cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện cũng thừa nhận giai đoạn đầu triển khai dạy môn tích hợp, giáo viên sẽ gặp nhiều khó khăn vì chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng dạy môn mới bài bản. Ngay cả việc sắp xếp, bố trí giáo viên cũng như thời khóa biểu theo chương trình mới cũng khiến không ít trường lúng túng và bị động. Trước đây, giáo viên dạy riêng các môn ổn định trong một thời gian dài nên sắp xếp thời khóa biểu dễ dàng nhưng khi dạy tích hợp sẽ phải thay đổi liên tục vì Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định khác nhau về % số tiết học các môn. Trong bối cảnh mới chỉ có khối lớp 6 học tích hợp trong khi các khối lớp khác vẫn theo học chương trình cũ thì việc sắp xếp thời khóa biểu để các thầy cô đáp ứng được số tiết dạy tích hợp không dễ.

Theo một cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cẩm Giàng, việc dạy tích hợp sẽ tạo ra sự đổi mới đáng kể trong giảng dạy cũng như học tập của học sinh. Tuy nhiên, ngay đầu năm học này khi đội ngũ giáo viên chưa được tập huấn, hướng dẫn bài bản mà áp dụng ngay sẽ khó lường hết những khó khăn gặp phải. Những thay đổi trong cơ cấu bộ môn theo chương trình tích hợp sẽ khiến một số trường thiếu giáo viên. Ngoài ra, do gấp gáp nên các cán bộ, quản lý nhiều trường vẫn còn lúng túng trong triển khai các môn tích hợp lớp 6 ngay năm học 2021-2022.

Khắc phục dần

Chương trình dạy học tích hợp đưa vào giảng dạy cho học sinh lớp 6 năm nay được xây dựng theo hướng mở, giúp giảm tải một lượng kiến thức bị trùng lặp ở từng môn đơn lẻ. Do đó, dạy học tích hợp sẽ có lợi cho học sinh nhưng lại là thách thức không nhỏ đối với giáo viên. Để khắc phục những khó khăn này, Sở Giáo dục và Đào tạo đang khẩn trương mở các lớp tập huấn trực tuyến để đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên hiểu rõ, nắm bắt được những kiến thức, kỹ năng cơ bản trong dạy học tích hợp.

Để có thể dạy các môn tích hợp ngay trong năm học mới, trước mắt nhiều trường trong tỉnh tạm thời vẫn bố trí các thầy cô khác nhau dạy từng nội dung trong môn học. Phần chủ đề chung sẽ do nhóm/tổ giáo viên cùng thiết kế. Chủ đề nghiêng về môn nào thì do giáo viên môn đó dạy, các giáo viên khác hỗ trợ. Sau đó, các giáo viên sẽ vừa dạy vừa rút kinh nghiệm từ thực tiễn để đề xuất nhà trường tìm ra phương pháp dạy môn tích hợp hiệu quả nhất.

Ông Đỗ Thế Ngọc, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Lộc cho biết: "Ngoài các buổi tập huấn do Bộ hay Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức, chúng tôi sẽ mở thêm các lớp hướng dẫn chuyên môn cũng như kỹ năng riêng cho giáo viên dạy môn tích hợp. Thời gian tới, lãnh đạo các nhà trường cần quan tâm nhiều hơn đến phân bổ chương trình học, phân công nhiệm vụ cho giáo viên phù hợp".

Theo đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cẩm Giàng, phòng sẽ linh hoạt tổ chức, phân công, sắp xếp dạy liên trường. Một số trường thiếu giáo viên dạy môn tích hợp, phòng sẽ chủ động điều tiết để các trường không thiếu.

Một số lãnh đạo trường THCS trong tỉnh cho biết, thời gian tới các cấp, ngành liên quan cần quan tâm tăng cường đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu dạy học tích hợp, không thể để tình trạng 3 hoặc 2 thầy cô dạy một môn tích hợp, vì như vậy sẽ rất bất cập. Các trường cũng phải tính đến việc chọn giáo viên đi học bồi dưỡng thêm các môn khác ngoài môn đang dạy chuyên để có thể một mình đảm nhận môn tích hợp. Sở Giáo dục và Đào tạo cần lường trước được những tình huống để kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ, giúp các trường yên tâm khi triển khai chương trình học mới.

Hai môn học tích hợp trong chương trình lớp 6 năm học 2021-2022 gồm: lịch sử - địa lý (tích hợp từ 2 môn lịch sử và địa lý) và môn khoa học tự nhiên (tích hợp từ 3 môn: vật lý, hóa học, sinh học).

HẢI MINH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/giao-duc---tuyen-sinh/trien-khai-day-tich-hop-lien-mon-lop-6-giao-vien-lo-lang-176813