Triển khai Đề án sinh kế hỗ trợ phụ nữ nghèo 'trúng' ngay mục đích

Qua 01 năm triển khai Đề án sinh kế hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo bền vững, toàn tỉnh Bến Tre có 11.879/15.858 hộ tham gia, chiếm tỷ lệ 74,91%. Cuối năm 2016 và năm 2017 đã có 4.133 hộ thoát nghèo, trong đó có 2.656 hộ thoát nghèo bền vững theo 03 tiêu chí của Đề án sinh kế (thỏa mãn các nhu cầu cơ bản theo tiêu chí đa chiều; thu nhập tăng và duy trì ở mức trung bình trở lên; thoát nghèo bền vững và không tái nghèo.

Ông Nguyễn Minh Lập – GĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bến Tre cho biết, trong tổng số 11.879 hộ nghèo được triển khai tham gia Đề án, có 9.167 lượt hộ được hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, (trồng trọt là 2.320 hộ, chăn nuôi là 6.847 hộ); kết quả giải ngân vốn vay hỗ trợ cho trên 10 ngàn lượt hộ, kinh phí 10,08 tỷ đồng; có 589 hộ được tập huấn hướng dẫn kỹ thuật về khuyến nông - khuyến ngư và định hướng thị trường, tạo đầu ra cho sản phẩm.

Được biết, Năm 2017, UBND huyện Ba Tri có văn bản gửi Trung tâm Xúc tiến đầu tư và khởi nghiệp tỉnh và Hội đồng quản lý Quỹ đầu tư khởi nghiệp tỉnh đề nghị xem xét Dự án và hỗ trợ vốn vay cho Tổ hợp tác (THT) sản xuất phôi nấm và nấm hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo xã Mỹ Thạnh bởi tính khả thi của dự án này. Hiện THT thu hút và tạo việc làm cho hàng chục lao động là hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã…

Về tính khả thi của dự án này đã được các ngành chức năng tỉnh, huyện và xã thẩm định với doanh thu bình quân hàng năm ước khoảng 420 triệu đồng, lợi nhuận hơn 60 triệu đồng/năm. Hiện THT có 29 thành viên tự nguyện góp vốn (trong đó, có 10 hộ nghèo và 1 hộ cận nghèo) nhưng với nguyện vọng của THT muốn mở rộng quy mô sản xuất, nhà xưởng… Vì thế cần có nguồn vốn hỗ trợ của Quỹ đầu tư khởi nghiệp tỉnh, theo đề nghị của UBND huyện Ba Tri là gần 161 triệu đồng.

Bà Phạm Thị Thùy Linh – công tác ngành LĐ-TB&XH xã Mỹ Thạnh cho biết, THT chủ yếu sản xuất phôi nấm (nấm bào ngư và linh chi) cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Năm 2014, nằm trong chương trình sinh kế, giảm nghèo của địa phương, xã đã mở lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất phôi nấm và trồng nấm linh chi, bào ngư cho các hộ nghèo, cận nghèo và các hộ dân có nhu cầu. THT cũng được hình thành nhưng hoạt động chưa hiệu quả vì thiếu vốn và nhà xưởng. Mới đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã hỗ trợ 100 triệu đồng để THT có vốn mở rộng quy mô sản xuất và được UBND xã hỗ trợ mặt bằng xây dựng nhà xưởng hẳn hoi.

Mô hình trồng nấm bào ngư giúp phụ nữ phát triển kinh tế - xóa đói giảm nghèo

Theo bà Ngô Thị Thu Bê ở Ấp 2, xã Mỹ Thạnh, là một trong 2 hội viên của THT vừa tham gia sản xuất phôi nấm, trồng nấm linh chi và bào ngư: Bình quân 1 bịch nấm cho thu hoạch từ 300 - 350gr nấm thương phẩm. Thời gian thu hoạch khoảng 1 tuần, cứ sau mỗi đợt thu hoạch kế tiếp thời gian rút ngắn hơn. Một bịch nấm sẽ cho thu từ 7 - 10 lần, với giá bán ra thị trường từ 30 - 35 ngàn đồng/kg. Với 4 thiên nấm đang thu hoạch dự kiến thu về hơn 30 triệu đồng (vốn đầu tư ban đầu 20 triệu đồng - 5.000 đồng/bịch).

Riêng về làm phôi nấm, mỗi xã viên trong THT (làm bán thời gian) cứ mỗi giờ được THT trả công 10 ngàn đồng. Theo bà Thu Bê, phôi nấm của THT rất được khách hàng các tỉnh như Tiền Giang, Long An, Trà Vinh… và các huyện trong tỉnh ưa chuộng, bởi kỹ thuật lên phôi và tỷ lệ cho nấm thương phẩm luôn đạt chất lượng cao. Hiện nay, UBND xã tạo điều kiện cho mặt bằng để làm nhà xưởng và diện tích còn lại khá rộng, nếu được hỗ trợ thêm nguồn vốn vay, THT sẽ mở rộng nhà xưởng và nhà trồng, tìm thị trường và khuyến khích xã viên là hộ nghèo, cận nghèo trồng nấm thương phẩm, bởi thời gian thu hồi vốn rất nhanh.

Tham gia Đề án sinh kế, giảm nghèo của địa phương năm 2017 có 49 hộ tham gia (17 hộ nghèo và 32 hộ cận nghèo), cuối năm đã kéo giảm được gần 2% từ các mô hình sinh kế là chăn nuôi và trồng trọt. Bà Phạm Thị Thùy Linh cho biết, Đề án sinh kế, giảm nghèo cũng vừa được xã thông qua với 18 hộ tham gia. Riêng với THT sản xuất phôi nấm và nấm hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo của địa phương, nếu được trên quan tâm hỗ trợ vốn vay để mở rộng quy mô sản xuất thì đây thật sự là địa chỉ tin cậy hỗ trợ và giúp cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn có thu nhập từ việc tham gia sản xuất phôi và trồng nấm thương phẩm.

Ông Nguyễn Minh Lập cho biết: Năm 2018, để thực hiện đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững theo Đề án sinh kế, mặc dù còn những khó khăn, hạn chế nhưng tỉnh kiên trì, kiên quyết tiếp tục quán triệt các nội dung, giải pháp thực hiện Đề án sinh kế, trong đó chú trọng phát huy năng lực, tiềm năng của chính bản thân người nghèo và vai trò của các tổ chức đoàn thể trong việc tiếp cận, hướng dẫn, hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất.

PHA LÊ

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/ben-tre-de-an-sinh-ke-ho-tro-phu-nu-thoat-ngheo-ben-vung-d71680.html