Triển khai đồng bộ, hiệu quả chính sách dân tộc

Sau 5 năm thực hiện Quyết tâm thư của Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Phú Thọ lần thứ II - năm 2014, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng và sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được quan tâm chú trọng và đạt nhiều kết quả vượt bậc. Chính sách dân tộc được thực hiện đồng bộ, lồng ghép các nguồn lực để thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách…

Phú Thọ có 10/13 huyện miền núi với 218/277 xã, thị trấn là miền núi; có 41 xã đặc biệt khó khăn và an toàn khu với 50 dân tộc cùng chung sống. Trong đó có gần 250.000 người DTTS, chiếm 17% dân số, phân bố chủ yếu ở địa bàn các huyện: Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập, Đoan Hùng, Thanh Thủy. So với mặt bằng chung, tình hình kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi vẫn còn nhiều khó khăn... Thực hiện chủ trương của Ðảng và Nhà nước, các cấp chính quyền tỉnh Phú Thọ luôn quan tâm, thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững và đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng đồng bào DTTS trên địa bàn. Giai đoạn 2014 - 2019, Phú Thọ đã đầu tư trên 1.200 công trình cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn với tổng nguồn vốn thực hiện trên 765 tỷ đồng. Nhờ vậy, kinh tế vùng DTTS có sự tăng trưởng, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 21,1 triệu đồng/người/năm. Huyện Tân Sơn là 1 trong 8 huyện nghèo trên cả nước được công nhận thoát nghèo giai đoạn 2018 - 2020.

Huyện Yên Lập đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng

Về chương trình 135, trong năm 2019, tổng nguồn vốn Trung ương hỗ trợ đầu tư chương trình cho địa phương là 113.763 triệu đồng, trong đó có các tiểu dự án như hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo; hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ bản hạ tầng; nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở… Chương trình xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi diện mạo vùng DTTS ngày càng khang trang, sạch đẹp. 100% các thôn bản đều đã có đường giao thông, tỷ lệ đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa đạt 62,8%, tăng 2,8% so với năm 2014; 100% các xã vùng dân tộc miền núi có đủ hệ thống trường học các cấp từ mẫu giáo, tiểu học đến THCS, tất cả các xã đặc biệt khó khăn đều có các lớp cắm bản để học sinh đi học được thuận tiện. Đến nay, toàn tỉnh Phú Thọ có 93/247 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 11 xã thuộc huyện miền núi có đông đồng bào DTTS.

Qua 5 năm thực hiện, đến nay, vùng miền núi, đồng bào DTTS không còn hộ đói, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt bình quân 4%/năm, số hộ nghèo DTTS năm sau đều giảm hơn so với năm trước, cơ bản xóa bỏ tình trạng nhà tạm, nhà dột nát; 85% số lao động trong độ tuổi có việc làm.

Cùng với chính sách của Trung ương, Phú Thọ cũng đã ban hành các chính sách, biện pháp cụ thể để động viên, khuyến khích đồng bào các dân tộc phát huy nội lực, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo. UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Ðồng thời, ban hành các Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, phân bổ các nguồn vốn đầu tư hằng năm, Nghị quyết về hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh… Trong đó, quan tâm đến việc đề ra các biện pháp thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ kinh phí từ ngân sách đối với các huyện miền núi và vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh những chính sách về xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, Phú Thọ cũng ưu tiên tổ chức dạy nghề, đào tạo nguồn nhân lực cho các xã miền núi và các thôn, bản đặc biệt khó khăn; quan tâm giải quyết vấn đề an sinh của bà con vùng đồng bào DTTS như: Giao đất, giao rừng, giải quyết vấn đề thiếu nước sinh hoạt, thiếu đất sản xuất… tăng cường đầu tư phát triển y tế - giáo dục cho các xã miền núi và đồng bào DTTS.

Giai đoạn 2019 - 2024, Phú Thọ tiếp tục tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, chú trọng phát triển kinh tế đồi rừng, cây lương thực, thương mại du lịch, dịch vụ, hình thành các sản phẩm mũi nhọn vùng miền núi, DTTS. Đồng thời, quy hoạch, bố trí các khu dân cư hợp lý; đẩy mạnh giảm nghèo, nâng cao đời sống về mọi mặt cho đồng bào các DTTS trên địa bàn.

Linh Nhi

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/trien-khai-dong-bo-hieu-qua-chinh-sach-dan-toc-129240.html