Triển khai đồng bộ, toàn diện 128 nhiệm vụ về LĐTBXH

Năm 2017, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã hoàn thành căn bản những nhiệm vụ được giao. Trên cơ sở đó, năm 2018, Bộ sẽ triển khai đồng bộ, toàn diện 128 nhiệm vụ của ngành đã được Quốc hội và Chính phủ đặt ra.

Hoàn thành căn bản các nhiệm vụ được giao

Trả lời phỏng vấn của các đơn vị báo chí nhân dịp Xuân Mậu Tuất 2018, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, ngành LĐTBXH là một trong những ngành chịu trách nhiệm chính trong các lĩnh vực an sinh và xã hội gồm 14 lĩnh vực cơ bản.

Với một trọng trách nặng nề như vậy năm 2017, Bộ đã xác định với phương châm đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo hiệu quả, tập trung đột phá cơ bản, giải quyết năm đền ơn đáp nghĩa 2017, giải quyết hồ sơ tồn đọng đối với người có công, đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp tạo những chuyển biến căn bản, có tính chất nền tảng nhằm tạo một thị trường lao động việc làm ổn định phát triển. Nhìn tổng quát, năm 2017, ngành đã hoàn thành căn bản những nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao cho.

Cụ thể là hoàn thành 100% các đề án, 62 đề án lớn được Quốc hội và Chính phủ giao, đảm bảo cả về thời gian và chất lượng.

Thứ hai, năm 2017, ngành đã tham mưu cho Đảng và Nhà nước cùng các cấp, các ngành, các địa phương tổ chức sâu rộng thiết thực hiệu quả, kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh, liệt sĩ.

Cùng với đó, Bộ đã tập trung cao độ với cách làm sáng tạo, quyết liệt và công khai trong nhân dân, trên các phương tiện truyền thông đại chúng để giải quyết các hồ sơ tồn đọng của người có công, một vấn đề nhức nhối trong nhân dân. Trong năm 2017 đã cấp và đổi mới 50,000 bằng tổ quốc ghi công, giải quyết 1250 hồ sơ liệt sĩ và 2500 hồ sơ thương binh, mang lại niềm tin trong nhân dân, niềm tin trong xã hội.

Đây cũng là năm Bộ thực hiện quyết liệt cải cách trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, siết lại kỉ cương quy hoạch mạng lưới, bước đầu đã đạt được những kết quả, giảm tới 252 cơ sở giáo dục nghề nghiệp...

Trong công tác xuất khẩu lao động, trong năm 2017 Việt Nam đã đưa 134.000 người đi xuất khẩu lao động tập trung chủ yếu ở các thị trường có tiềm năng như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức...

"Điều đáng mừng là chúng ta không chỉ giải quyết việc làm, đem lại thu nhập, mà còn quan trọng hơn là tạo được ý thức cho người lao động, tạo ra môi trường mới cho người lao động để họ rèn luyện và phấn đấu" - Bộ trưởng chia sẻ và cho biết thêm: Các lĩnh vực khác như bình đẳng giới, trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội và đặc biệt là cứu trợ giúp đỡ đồng bào vùng sâu vùng xa, khó khăn trong điều kiện một năm có tới 16 cơn bão.

Cuối cùng ngành đã góp phần rất quan trọng cùng Đảng và Nhà nước hoàn thành các chỉ tiêu giảm nghèo bền vững, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 1,51% vượt chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao. “Chúng ta đã chủ động và tạo ra tỉ lệ có việc làm cao hơn, tỷ lệ thất nghiệp giảm và tỉ lệ có việc làm, có thu nhập ngày càng tăng cao, tính ổn định, bền vững trong thị trường lao động đã tương đối tốt” – Bộ trưởng nói.

Ưu tiên hoàn thiện các đề án nền tảng

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, năm 2018, Bộ sẽ tiếp tục thực hiện theo phương châm đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả. Đối với ngành triển khai đồng bộ, toàn diện 128 nhiệm vụ của ngành đã được Quốc hội và Chính phủ đặt ra.

Trước hết, Bộ tập trung hoàn thiện toàn bộ hệ thống cơ sở pháp lý và hệ thống pháp luật, trong đó ưu tiên hàng đầu là các văn bản có tính chất nền tảng.

Cụ thể là, chuẩn bị tốt nhất cho Bộ Luật Lao động, Pháp lệnh người có công và 2 Đề án Cải cách tiền lương, Cải cách Bảo hiểm xã hội.

Đồng thời chuẩn bị sửa đổi Luật Đưa người Việt Nam đi lao động nước ngoài và hoàn thiện đồng bộ toàn bộ những văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, tạo cơ sở nền tảng để thực hiện cơ bản an sinh xã hội vững chắc.

Bộ LĐTBXH coi giáo dục nghề nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trong đó quan trọng nhất là phải quy hoạch mạng lưới tự chủ và kết nối doanh nghiệp và chuyển hóa (về đội ngũ, giáo trình, về phương pháp giảng dạy và về việc công nhận bằng cấp).

Bên cạnh đó, dù năm 2018 không phải là năm trọng điểm nhưng lĩnh vực người có công vẫn là một lĩnh vực trọng yếu, cần tập trung và về cơ bản giải quyết hồ sơ tồn đọng mạnh dạn hơn, quyết liệt hơn để làm sao đến năm 2020 chấm dứt tình trạng này và năm 2018 phải giải quyết toàn bộ hệ thống nhà ở cho người có công theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Với 410.000 căn nhà đã được phê duyệt.

Đồng thời Bộ sẽ triển khai các giải pháp nhằm nâng cao đạo đức công vụ, chất lượng công vụ, tinh thần phục vụ của người lao động và đẩy mạnh cải cách hành chính ứng dụng công nghệ thông tin làm căn cứ thúc đẩy các công tác về an sinh xã hội một cách toàn diện; xây dựng hệ thống thị trường lao động ổn định và minh bạch, công khai để hệ thống này vận động một cách hiệu quả./.

Nguồn Hà Nội Mới: http://baochinhphu.vn/xa-hoi/trien-khai-dong-bo-toan-dien-128-nhiem-vu-ve-ldtbxh/329824.vgp