Triển khai Dự án khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử: Chính quyền cưỡng chế sai quy định?!

Theo Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thời hạn thi hành quyết định cưỡng chế là 15 ngày, kể từ ngày nhận quyết định cưỡng chế, trường hợp quyết định cưỡng chế có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 15 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.

Tuy nhiên, chỉ sau 4 ngày ban hành quyết định cưỡng chế, chính quyền huyện Sơn Động (Bắc Giang) và xã Tuấn Mậu đã thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

>> Dự án khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử: Cần làm rõ địa vị pháp lý của người dân

Công trình của người dân bị phá dỡ ngổn ngang.

Cưỡng chế sai quy định

Theo phản ánh của bà con thôn Đồng Thông, ngày 23/12/2016, UBND huyện Sơn Động ban hành các quyết định cưỡng chế đối với các công trình xây dựng vi phạm mà trước đó UBND tỉnh có Quyết định số 831/QĐ-UBND ngày 03/6/2016, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng Khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử.

Sau đó 4 ngày, sáng 27/12/2016, chính quyền huyện Sơn Động và xã Tuấn Mậu đã tổ chức lực lượng đến thực hiện lệnh cưỡng chế đối với các công trình xây dựng ở đây.

Bà Trần Thị Nhị bức xúc cho biết: “Chúng tôi đã sinh sống ở đây từ những năm 1980 nhưng chính quyền chỉ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng là đất 50 năm (đất nông nghiệp), vậy chúng tôi ở đâu trên mảnh đất này để làm ăn sinh sống, không lẽ cứ sáng đến đây trồng cây, chiều lại về quê ở hay sao? Khi chúng tôi xây dựng, dự án Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử chưa được phê duyệt, chính quyền không có ý kiến gì. Ngày 03/6/2016, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt dự án; đến ngày 21/6/2016, chính quyền xã tiến hành tổ chức công bố và cho dân chúng tôi ký cam kết không xây dựng mới, chúng tôi đều chấp hành, không xây dựng thêm công trình nào nữa, vậy tại sao lại xử phạt chúng tôi”.

Điều lạ lùng là, trong khi đồng bào lên núi bẻ măng thì ở nhà chính quyền cho cán bộ đi đo các công trình xây dựng và lập biên bản mà không có sự chứng kiến của người dân.

Bà Bàn Thị Hai, nguyên là thanh niên xung phong thời chống Mỹ, vừa khóc vừa tường thuật cho chúng tôi diễn biến buổi cưỡng chế ngày 27/12/2016. Bà Hai cho biết, bà đã van xin các lực lượng đừng phá, cho tự dỡ để khỏi thiệt hại tài sản nhưng không được. “Chúng tôi vay mượn để làm nhà trồng nấm phát triển kinh tế trên đất của gia đình chứ có lấn chiếm gì đâu nhưng chính quyền nhất quyết dùng máy xúc phá hỏng toàn bộ diện tích nhà mái tôn mà gia đình tôi đã dựng từ đầu năm 2016”, bà Hai bức xúc nói. Thậm chí, bà còn bị lực lượng cưỡng chế đưa vào một ngôi nhà sàn gần đó và chỉ được ra sau khi công trình đã bị phá dỡ.

Ông Bàn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Tuấn Mậu (bên phải), trao đổi với phóng viên báo Kinh tế nông thôn.

Ông Bàn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Tuấn Mậu, cũng thừa nhận, ngày 27/12/2016, chính quyền có tổ chức cưỡng chế các công trình vi phạm sau khi UBND huyện Sơn Động ban hành Quyết định cưỡng chế đối với các công trình xây dựng vi phạm ngày 23/12/2016.

Chính quyền xã nói gì?

Ngày 28/03/2017, Thanh tra Nhà nước huyện Sơn Động và ông Bàn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Tuấn Mậu đã về thôn Đồng Thông nghe người dân ở đây phản ánh, khiếu nại các quyết định xử phạt hành chính trong hoạt động xây dựng, khiếu nại các quyết định cưỡng chế tháo dỡ các công trình xây dựng vi phạm của bà con, do chính quyền huyện Sơn Động và xã Tuấn Mậu ban hành.

Tại hội nghị này, ông Trần Văn Hải ở thôn Đồng Thông đã phản ứng gay gắt về quá trình xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng và tổ chức cưỡng chế của các cấp chính quyền ở đây. Ông Hải cho biết, các công trình xây dựng của gia đình ông và các hộ dân ở đây đều đã được xây dựng từ trước và đầu năm 2016, có nghĩa là trước khi có quyết định phê duyệt dự án Khu du lịch Tây Yên Tử của UBND tỉnh Bắc Giang. “Người dân chúng tôi đều đồng tình và ủng hộ dự án, nghiêm túc chấp hành và thực hiện việc di chuyển khi Nhà nước thu hồi và đền bù thỏa đáng. Chúng tôi không xây mới, vậy tại sao chính quyền lại tổ chức cưỡng chế, đập phá tài sản của chúng tôi. Việc lập biên bản vi phạm xây dựng đối với dân cũng có nhiều mờ ám, lập khi không có mặt của người vi phạm, công trình mà chính quyền cho là sai phạm thì không phá nhưng lại phá công trình không bị lập biên bản vi phạm”, ông Hải bức xúc nói.

Ngay sau buổi làm việc của Thanh tra Nhà nước huyện Sơn Động và lãnh đạo xã Tuấn Mậu, phóng viên có trao đổi trực tiếp với ông Bàn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Tuấn Mậu tại trụ sở của xã. Khi được hỏi về việc UBND xã và huyện Sơn Động đã thực hiện đúng các quy định của nhà nước về việc tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hay chưa, ông Minh cho biết, đã làm đúng luật. Khi được đề nghị cung cấp các biên bản vi phạm xây dựng do UBND xã lập thì ông Minh cho biết: Xã không lưu!? Ông Minh nói thêm: “Nếu cần các văn bản đó anh lên gặp đồng chí Giáp Văn Tâm, Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Động là Trưởng ban chỉ đạo tổ chức cưỡng chế”.

Bằng việc ban hành Quyết định cưỡng chế đối với các công trình xây dựng vi phạm ngày 23/12/2016 và việc tổ chức cưỡng chế các công trình vi phạm ngày 27/12/2016 (chỉ sau có 4 ngày), chính quyền huyện Sơn Động và xã Tuấn Mậu đã vi phạm Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về thời gian tổ chức tiến hành cưỡng chế.

Đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang cần vào cuộc để xem xét việc tổ chức cưỡng chế đối với các hộ dân nằm trong dự án Du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử.

Phạm Ngọc Thủy

Bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: thomktnt@gmail.com

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/trien-khai-du-an-khu-du-lich-tam-linh-sinh-thai-tay-yen-tu-chinh-quyen-cuong-che-sai-quy-dinh-post15925.html