Triển khai gói an sinh xã hội cần linh hoạt, phù hợp với đặc thù địa phương

Ngày 9-4-2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42-NQ/CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, với nguyên tắc căn bản là phải bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch… Phóng viên Báo Hànôịmới đã trao đổi với ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội xung quanh vấn đề này.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi.

Gói an sinh xã hội chưa có tiền lệ

- Dịch Covid-19 tác động, ảnh hưởng đến nhiều ngành, nghề, lĩnh vực, xin ông cho biết rõ hơn về vấn đề này?

- Theo Báo cáo số 121/BC-CP ngày 6-4-2020 của Chính phủ, ở nước ta hiện nay, nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô, một bộ phận người lao động phải ngừng việc, dừng hợp đồng lao động không hưởng lương hoặc thất nghiệp. Ước tính sơ bộ, cả nước có 19% doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô; 98% lao động ngành du lịch, dịch vụ nghỉ việc; 78% lao động ngành vận tải, giày da, dệt may bị giảm việc, giãn việc hoặc ngừng việc; 98% lao động ngành hàng không tạm nghỉ việc. Hàng triệu người lao động đã, đang bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là lao động giản đơn, thu nhập thấp, không thường xuyên. Ngoài ra, dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng lớn tới đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo... Trong tháng 4 và tháng 5-2020, nếu dịch Covid-19 chưa được khống chế, đẩy lùi, thì cả nước có khoảng 2 triệu người lao động bị ngừng việc hoặc mất việc làm...

Với tinh thần vừa quyết liệt phòng chống, kiểm soát dịch Covid-19, vừa giữ vững ổn định xã hội, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Đây là gói an sinh xã hội lớn, hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn chưa từng có tiền lệ.

- Gói hỗ trợ này được kỳ vọng sẽ tạo giá đỡ an sinh xã hội cho người dân trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Vậy, những đối tượng nào sẽ được thụ hưởng, thưa ông?

- Theo Nghị quyết của Chính phủ, gói hỗ trợ với hơn 62.000 tỷ đồng, hỗ trợ khoảng 20 triệu người, thuộc 7 nhóm đối tượng.

Cụ thể, ngoài chế độ trợ cấp thường xuyên, người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng sẽ được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng. Hộ nghèo, cận nghèo sẽ được hỗ trợ 250.000 đồng/nhân khẩu/tháng. Với ba nhóm đối tượng này, họ được lĩnh một lần với thời gian hỗ trợ tối đa là 3 tháng.

Người lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ một tháng trở lên do doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch Covid-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương, thì được hỗ trợ mức 1,8 triệu đồng/người/tháng. Hình thức hỗ trợ theo tháng, căn cứ theo diễn biến của dịch Covid-19, tính từ ngày 1-4-2020 và không quá 3 tháng. Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng, thực hiện hỗ trợ hằng tháng theo tình hình thực tế của diễn biến dịch Covid-19. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6-2020.

Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 1-4-2020 được hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng, thực hiện hỗ trợ hằng tháng theo tình hình thực tế của diễn biến dịch Covid-19, nhưng không quá 3 tháng. Một số trường hợp sử dụng lao động gặp khó khăn về tài chính được vay với lãi suất 0% trong thời gian tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để chi trả một số khoản cho người lao động bị ngừng việc…

Về cơ bản, các nhóm đối tượng được hỗ trợ đã bao phủ toàn diện người dân thuộc hệ thống an sinh xã hội. Điều này có ý nghĩa, trong giai đoạn khó khăn, Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội cùng chia sẻ trách nhiệm, nhằm bảo đảm đời sống cho mọi người dân.

Vào cuộc chủ động, không để ai bị bỏ lại phía sau

- Quan điểm của Thủ tướng Chính phủ là việc triển khai hỗ trợ người dân phải rõ ràng, công khai, minh bạch. Gói hỗ trợ phải đến tận tay người dân, không bỏ sót, không để xảy ra tình trạng lợi dụng, trục lợi chính sách. Để làm được điều này, theo ông, các ngành chức năng, địa phương nên rà soát đối tượng thế nào cho đúng và trúng?

- Trên thực tế, việc xác định đối tượng người có công, hộ nghèo, cận nghèo, lao động mất việc có ký kết hợp đồng lao động sẽ không khó thực hiện. Tuy nhiên, nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm hiện nay rất đông, nhưng lại khó xác định chính xác. Bởi, họ di cư tự do nhiều nơi, làm nhiều nghề, chỗ ở không ổn định… Để không bỏ sót, không trùng lặp đối tượng, các địa phương phải vào cuộc tích cực, phối hợp triển khai rà soát đối tượng lao động tự do. Trong nhóm lao động tự do, tôi cho rằng đối tượng nên ưu tiên được thụ hưởng chính sách là người bán hàng rong, lao động thu gom rác, người làm nghề bốc vác, người bán vé số lưu động, người lao động tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, lưu trú…

Việc rà soát các đối tượng thụ hưởng cũng cần quan tâm đến người lao động thuộc các đơn vị sự nghiệp đã chuyển đổi thành đơn vị tự chủ, tự chịu trách nhiệm và những cơ sở giáo dục ngoài công lập. Hiện tại, đời sống của những đối tượng này đang gặp nhiều khó khăn.

Nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, thời gian tới có thể có một bộ phận lao động ở khu vực nông nghiệp, nông thôn bị tác động sâu, nhưng không nằm trong hộ nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội. Nhóm này phải do chính quyền các địa phương nghiên cứu, xem xét, tổng hợp, thống kê để tránh bỏ sót.

Về tổng thể, việc triển khai gói an sinh xã hội đòi hỏi phải có sự vào cuộc tích cực, chủ động của tất cả các bên liên quan, bảo đảm tinh thần nhất quán là không để ai bị bỏ lại phía sau.

- Với nguồn kinh phí lớn, đối tượng nhiều và đa dạng, để đồng tiền hỗ trợ không đi “lạc đường”, các đơn vị chức năng và địa phương cần làm gì, thưa ông?

- Theo tôi, quan điểm xuyên suốt là việc triển khai gói an sinh xã hội cần linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với đặc thù từng địa phương. Do đó, trước tiên các cấp, ngành chức năng, trực tiếp là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần xây dựng rõ tiêu chí để xác định, khoanh vùng các nhóm đối tượng, nhất là nhóm lao động tự do. Tiêu chí này phải thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tuyệt đối không được bỏ sót hoặc để trùng, phải rõ ràng đến từng ngành, nghề, lĩnh vực, địa phương…

Chính quyền địa phương phải nắm rõ đối tượng lao động tự do trên địa bàn, căn cứ vào đó tiến hành tổng hợp, thống kê, lên danh sách và công khai để toàn dân được biết. Đặc biệt, sau khi công khai danh sách này, mỗi người dân sẽ là một người giám sát để bảo đảm sự công bằng cao nhất trong cộng đồng dân cư. Ngoài ra, các địa phương cần đánh giá mức độ ảnh hưởng đến lao động tự do trên cơ sở theo dõi sát sao diễn biến thị trường lao động trong thời gian gần đây.

Khi rà soát các đối tượng thụ hưởng, điều quan trọng là các địa phương phải đơn giản hóa thủ tục hành chính đến mức tối đa, bởi người dân đang cần lo cho cuộc sống ngay trước mắt, không thể chờ đợi lâu hơn. Cùng với đó, các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm. Những việc này cũng cần quy rõ trách nhiệm của từng cấp, nhất là chủ tịch UBND cấp xã, phường, thị trấn, người đứng đầu công ty, doanh nghiệp, hộ kinh doanh…

Việc triển khai có hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ là giải pháp quan trọng để hỗ trợ, cùng người lao động, nhân dân vượt qua khó khăn, ổn định đời sống. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng để ổn định lòng dân, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội. Vì vậy, không có cách nào tốt hơn là các bộ, ngành, địa phương cùng chung tay triển khai Nghị quyết với tinh thần công tâm, công bằng, góp phần cùng cả nước vượt qua những thách thức hiện nay.

- Thưa ông, ngoài biện pháp hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng bị ảnh hưởng, về lâu dài, các bên liên quan cần làm gì để tạo giá đỡ an sinh xã hội, giúp các đối tượng khó khăn có điều kiện vươn lên, ổn định cuộc sống?

- Gói hỗ trợ hơn 62.000 tỷ đồng là cần thiết, cấp bách, nhân văn, nhưng đây là những giải pháp tình huống, chỉ diễn ra trong khoảng thời gian 3 tháng (từ tháng 4 đến tháng 6-2020). Về lâu dài, để bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, các ngành, địa phương cần phát huy sức mạnh nội lực, tạo đà cho kinh tế - xã hội bứt phá ngay sau khi dịch Covid-19 lắng xuống. Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cần chủ động thích ứng với tình hình mới thông qua việc chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh, mở rộng ngành nghề, đa dạng sản phẩm. Hiện nay, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một số doanh nghiệp ở những ngành nghề bị ảnh hưởng sâu vẫn có khả năng bứt phá, tạo dựng thương hiệu nhờ chuyển đổi mặt hàng sản xuất là minh chứng rõ nhất cho điều này. Về phía người dân, mỗi người nên trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp phù hợp có thể chuyển đổi việc làm khi cần.

Ở góc độ các cơ quan chức năng cần chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo ra nhiều vị trí việc làm mới, từng bước đưa người thất nghiệp trở lại thị trường lao động, giúp họ có việc làm, thu nhập, ổn định đời sống. Cùng với đó là việc khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, để họ nhận được sự quan tâm toàn diện hơn, có giá đỡ an sinh xã hội vững chắc hơn…

- Trân trọng cảm ơn ông!

Minh Ngọc

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-thoai/964179/trien-khai-goi-an-sinh-xa-hoi-can-linh-hoat-phu-hop-voi-dac-thu-dia-phuong