Triển khai hồ sơ bệnh án điện tử: Nhiều người bệnh được hưởng lợi

Việc triển khai hệ thống bệnh án điện tử sẽ hiện đại hóa các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, giúp người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao nhất ở mọi lúc, mọi nơi. Không chỉ có lợi với bệnh nhân, mà việc áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử còn giúp các bác sĩ, nhân viên y tế giải tỏa được nhiều sức lao động không cần thiết trong quá trình khám, chữa bệnh.

Lợi ích thiết thực

Đơn cử tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, sau hơn 1 năm triển khai bệnh án điện tử bước đầu đã đem lại những hiệu quả tích cực. Năm 2018, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội giao thực hiện thí điểm phần mềm mới để chuẩn bị cho việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử đầu tiên trong ngành Y tế Hà Nội.

Từ tháng 8/2018, Bệnh viện đã phối hợp với công ty phần mềm triển khai xây dựng phần mềm quản lý Bệnh viện; hệ thống lưu trữ và chuyển tải hình ảnh (PACS); hệ thống thông tin xét nghiệm… Đa số các phần mềm trên đã liên kết được với nhau.

Đến nay, phần mềm này đã được triển khai thí điểm ở một số khoa như: Truyền nhiễm, Nội tổng hợp (điều trị nội trú) và khu khám bệnh theo yêu cầu, khu khám bệnh nội tiết…

Bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cập nhật tình trạng bệnh nhân lên Ipad.

Được biết, đối với số lượng bệnh nhân mãn tính, Bệnh viện đã có tất cả sổ bạ điện tử. Có tất cả thông số của bệnh nhân. Khi bệnh nhân đến viện tái khám, chỉ cần quẹt thẻ hoạc ấn vân tay thì toàn bộ thông tin tiếp đón sẽ được thực hiện chỉ trong vòng 2 phút. Nhiều người bệnh không cần mang bất kể một loại giấy tờ gì vẫn có thể được tiếp đón đúng đối tượng.

Hiệu quả của mô hình hồ sơ bệnh án điện tử góp phần rút ngắn thời gian thủ tục hành chính, được đa phần bệnh nhân đánh giá rất tiện lợi, nhất là đối với những bệnh nhân cao tuổi mắc phải các bệnh mãn tính phải thường xuyên tới khám và điều trị tại Bệnh viện.

Chia sẻ về vấn đề này, bệnh nhân Trần Văn Vẻ (Gia Lâm – Hà Nội) cho biết: Tôi đến đây khám 2 bệnh là tăng huyết áp và nội tiết đái tháo đường. Vì khám theo lịch hẹn trước, nên cứ đến ngày, đến giờ là tôi đi khám. Từ khi Bệnh viện triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, các thủ tục hành chính đăng ký khám, chữa bệnh được rút gọn, người bệnh như tôi không còn phải “tay xách nách mang” giấy tờ khi đi khám, nên rất nhanh và tiện lợi. Thời gian tiết kiệm được bác sĩ dùng để thăm khám, tư vấn và giải thích cho bệnh nhân kỹ càng hơn”.

Được biết từ khi Bệnh viện triển khai bệnh án điện tử đã tiết kiệm đáng kể thời gian của người bệnh cũng như của y, bác sĩ. Việc triển khai hồ sơ điện tử còn giúp truyền tải dữ liệu người bệnh giữa các khoa, phòng một cách nhanh chóng, nâng cao khả năng tương tác và truyền thông giữa các bên. Các bác sĩ gần như có toàn bộ bệnh án của bệnh nhân chỉ sau vài phút thao tác trên máy vi tính…

Đặc biệt, trước kia bệnh nhân ra viện thường các ngày sau mới làm thủ tục ra viện. Nhưng đến nay khi áp dụng các phần mềm trong việc quản lý khám bệnh thì tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang trung bình một ngày có tới 70-80% số bệnh nhân ra viện được thanh toán luôn trong ngày rất nhanh gọn.

Bộ Y tế cần có quy chuẩn chung

Tập trung đẩy nhanh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin từ quản lý bệnh viện, giám định bảo hiểm y tế, bệnh án điện tử tới chẩn đoán, xét nghiệm, khám, chữa bệnh từ xa. Đây là một trong những nội dung nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh khắc phục căn bản tình trạng quá tải được đề ra trong Nghị quyết 20 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Theo Bộ Y tế, lộ trình thực hiện bệnh án điện tử hướng đến năm 2030 tất cả các cơ sở y tế trên toàn quốc sẽ thực hiện bệnh án điện tử.

Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Đắc Hanh, Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết: Dưới sự chỉ đạo của Ban giám đốc Bệnh viện, chúng tôi đã thực hiện rất quyết liệt việc triển khai bệnh án điện tử trong 2 năm trở lại đây. Thực tế, so với hai năm trước công việc khám chữa bệnh của chúng tôi nhàn hơn rất nhiều.

Hiện nay, trong phần mềm Bệnh viện đã thiết kế được tất cả những biểu mẫu quy định của ngành Y tế: Đăng ký khám bệnh, đơn thuốc, phiếu lĩnh thuốc, thanh toán, giấy vào viện, chuyển viện… “Trước kia ghi tay mất nhiều thời gian của bác sĩ và điều dưỡng, thì hiện tại chỉ cần một vài thao tác trên máy tính thôi là có thể giải quyết được tất cả biểu mẫu được in ra chính xác, nhanh gọn. Đây là một điều tiến bộ thực sự đáng ghi nhận, các bác sĩ giải phóng được nhiều sức lao động không cần thiết” bác sĩ Hanh chia sẻ.

Cụ thể, trước kia khi tạo ra những gói khám với việc đăng ký bác sĩ khám mất nhiều thời gian và công đoạn. Một bộ mẫu cho bệnh nhân mổ ruột thừa có 10 giấy xét nghiệm, thì thay vì bác sĩ phải ghi 10 tờ giấy, thì hiện nay các bác sĩ chỉ cần kích gói ruột thừa thôi thì các thông số trong 10 tờ giấy đó đều có. Tiếp nữa đơn thuốc mẫu hoặc những phác đồ điều trị chuẩn của bệnh nhân loét dạ dày tá tràng, trước kia phải ghi 4 thuốc, cách uống và mất khoảng 10 phút để tạo ra đơn đó, nhưng giờ chỉ một hai động tác, mất khoảng 30 giây tạo ra đơn thuốc. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, tối ưu giấy tờ trên sẽ giảm được hơn 50% số thời gian chờ đợi của bệnh nhân và bác sĩ.

Dù rất tiện lợi song việc triển khai bệnh án điện tử, tiến tới bệnh viện không giấy tờ còn tồn tại nhiều khó khăn, thiếu sự đồng bộ. Theo đánh giá của Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức giang Lê Anh Tuấn: Hiện nay, Bệnh viện đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ bệnh án điện tử, vẫn còn chưa có sự thống nhất giữa Bệnh viện và quy định của Bộ Y tế. Nhất là các vấn đề liên quan tới thanh toán bảo hiểm xã hội. Nếu như hoàn toàn không giấy tờ Bệnh viện có thể làm được. Tuy nhiên, khi bảo hiểm xã hội vào kiểm tra thì họ lại phải căn cứ vào sổ lưu bệnh nhân, sổ để lại kết quả làm bằng chứng… vậy nên hiện tại Bệnh viện vẫn một nửa không giấy tờ, một nửa có giấy tờ, vẫn chưa hoàn chỉnh.

Đặc biệt, một trong những khó khăn trong việc triển khai bệnh viện không giấy tờ chính là chưa có phần mềm dùng chung. Các bệnh viện phải tự đi tìm đối tác, tự ký hợp đồng, tự phải đặt hàng để xây dựng phần mềm. Khi đã xây dựng phần mềm của từng bệnh viện rồi, với những phần mềm riêng rẽ khi kết nối với nhau nó sẽ khó. Ông Tuấn nhấn mạnh: “Đó là một cái vướng mắc, mà tôi nghĩ Bộ Y tế nên tiến hành xây dựng phần mềm quản lý bệnh viện thống nhất cả nước. Các bệnh viện sẽ căn cứ vào đó để tiến hành quản lý bệnh viện, tránh tình trạng nếu quy định như hiện nay, sẽ phát sinh tình trạng mỗi bệnh viện một kiểu, khó cho công tác quản lý”.

Bên cạnh đó, theo Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, hiện cơ sở dữ liệu của Bệnh viện trên nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin chưa tốt,… cần phải có kinh phí. Trong khi kinh phí đó hiện nay chưa đưa vào trong cấu thành của giá viện phí. Vậy nên khi triển khai, bệnh viện gặp rất khó khăn trong việc đầu tư vốn ban đầu. “Bởi vậy, trong thời gian tới, hết năm 2019 sang năm 2020, Bệnh viện sẽ cố gắng hoàn thành bệnh án điện tử. Như thế là gần như bệnh viện không giấy tờ, và đạt tới mức 6 của công nghệ thông tin. Theo chuẩn của Bộ Y tế là 7 mức, thì bệnh viện cố gắng đến hết năm nay sẽ đạt mức 6”, ông Tuấn cho biết thêm.

Minh Khuê

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/trien-khai-ho-so-benh-an-dien-tu-nhieu-nguoi-benh-duoc-huong-loi-96952.html