Triển khai khẩn cấp các giải pháp đối phó kịch bản vỡ đập hồ Đắk N'ting

Sáng 7/8, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp đã yêu cầu chủ đầu tư phải triển khai ngay giải pháp cấp bách xử lý sạt lở công trình thủy lợi Đắk N'ting ở huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông.

Trực tiếp khảo sát công trình thủy lợi Đắk N'ting, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá, công trình thủy lợi này sạt lở nghiêm trọng, nguy cơ sẽ có hơn 1 triệu m3 đất sạt trượt xuống công trình hiện hữu, nguy cơ vỡ đập.

Theo Thứ trưởng, có 2 cách phải triển khai ngay, một là xử lý sạt trượt, hai là giảm tối đa nước trong hồ. Kiểm tra thực tế, ông Hiệp nhận định, quanh khu vực hồ chỉ còn một số cây rừng, còn lại đã trồng cây lâu năm. Việc người dân sử dụng nguồn nước tưới tiêu nhiều đã làm thay đổi dòng chảy bề mặt, dòng chảy ngầm dẫn đến sạt trượt, sạt lở, nứt nẻ.

Bề mặt thân đập hồ chứa nước Đắk N'Ting xuất hiện nhiều vết nứt. Ảnh: Văn Thành

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, cần tính toán đến hạ độ cao của quả đồi bên phải hồ Đắk N'Ting có nguy cơ sạt trượt, sạt lở. Cần tính toán có nên cho dân canh tác nữa hay không, ngoài ra, phải tính toán đến kịch bản vỡ đập để đảm bảo an toàn cho hạ du.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, thời gian cho chủ đầu tư cứu công trình này chỉ có 15 ngày trước khi xuất hiện thêm một đợt mưa rất to xảy ra trên địa bàn Đắk Nông vào cuối tháng 8.

"Phải nhanh chóng xử lý sạt trượt và giảm tối đa lượng nước trong hồ thì mới giữ lại được công trình này. Nếu trong 15 ngày không làm xong mà gặp phải đợt mưa như vừa rồi, có thể toàn bộ khối đập này sẽ sạt trượt xuống", ông Hiệp nói.

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Đắk Nông, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị UBND tỉnh công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai, để có giải pháp ứng phó, xử lý tình huống khẩn cấp. Đặc biệt, phải đảm bảo tính mạng của người dân là trên hết. Như tại hồ Đắk N'Ting hiện nay vẫn còn dấu hiệu dịch chuyển, nguy cơ vỡ rất cao. Do đó, UBND tỉnh phải tính toán lại kịch bản vỡ hồ. Phải rà soát lại toàn bộ khu vực dưới hạ du, di dời hết người và tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm để giảm thiệt hại.

"Tôi đề nghị UBND tỉnh phải tính toán lại kịch bản vỡ hồ. Hiện nay hồ đang chứa 2 triệu mét khối nước, nếu vỡ hồ toàn bộ số nước này sẽ chảy về đâu? Đường đi như thế nào? Phải lên kịch bản xử lý để di dời hết toàn bộ các hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng", Thứ trưởng Hiệp đề nghị.

Tại điểm ngập tràn nguy hiểm luôn có người ứng trực cảnh báo và hướng dẫn bà con đi lại an toàn. Ảnh: Văn Thành

Trước đó, ngày 4/8, Báo CAND đã thông tin, hơn 34 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu sinh sống gần khu vực hồ thủy lợi Đắk N’Ting (xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’long) đến nơi an toàn khi xung quanh khu vực hồ thủy lợi này xuất hiện nhiều vết nứt bất thường.

Hồ thủy lợi Đắk N’Ting có tổng mức đầu tư gần 137 tỷ đồng, sức chứa 1,2 triệu m3 nước cấp nước cho khoảng 680ha cây trồng, trong đó có 100ha lúa nước thuộc địa bàn xã Quảng Sơn.

Nhiều điểm nứt gãy trên thân đập hồ thủy lợi Đắk N'Ting nhìn từ trên cao. Ảnh: Văn Thành

Trong những ngày qua, trên địa bàn này đã có mưa to đến rất to, lượng nước đổ về hồ thủy lợi lớn. Từ ngày 1/8, khu vực hạ lưu tràn tới cống thoát nước số 1 đường tránh ngập của thân đập bắt đầu xuất hiện cung trượt kéo dài khoảng 30m.

Chính quyền địa phương đã chỉ đạo cơ quan chức năng liên quan cắm biển báo nguy hiểm, biển cấm đi lại qua khu vực ngập lụt. Các đồn biên phòng, công an ở khu vực biên giới Quảng Bình đang theo dõi tình hình mưa lũ, kiểm tra, rà soát xung quanh doanh trại, đơn vị và tham mưu địa phương kiểm tra, rà soát khu vực xung yếu, khu dân cư đề phòng sạt lở đất, đá. Tuyên truyền, nhắc nhở người dân không qua lại ngầm tràn, vớt củi, đánh cá dọc khe suối, không đi qua vùng nguy hiểm, ngập lụt.

TL

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/trien-khai-khan-cap-cac-giai-phap-doi-pho-kich-ban-vo-dap-ho-dak-n-ting--i702951/