Triển khai Khung Trình độ Quốc gia Việt Nam đối với đào tạo khối ngành sức khỏe bậc đại học

Đại diện Vụ giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) triển khai định hướng việc thực hiện Khung trình độ Quốc gia Việt Nam đối với đào tạo khối ngành sức khỏe bậc ĐH. Ảnh: P.T

Đại diện Vụ giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) triển khai định hướng việc thực hiện Khung trình độ Quốc gia Việt Nam đối với đào tạo khối ngành sức khỏe bậc ĐH. Ảnh: P.T

Là nội dung của hội thảo do Bộ Y tế phối hợp Bộ GD-ĐT tổ chức tại Đà Nẵng ngày 16-10. Tại hội thảo này, các giảng viên ngành sức khỏe cùng các chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung trao đổi, thảo luận và đóng góp ý kiến vào nội dung: xây dựng chuẩn đầu ra; xây dựng chuẩn và phát triển chương trình; đảm bảo chất lượng đào tạo của các trường ĐH trên lĩnh vực đào tạo khối ngành sức khỏe.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Lê Hải An, đây là một hội thảo rất có ý nghĩa bởi nó diễn ra trong bối cảnh cả nước triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD ĐH và triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam (VQF) nhằm hướng tới nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, đặc biệt trong lĩnh vực y tế- một lĩnh vực ngành nghề hết sức đặc thù và đặc biệt quan trọng. Cũng theo ông Lê Hải An, nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng VQF với mục tiêu đảm bảo trình độ đào tạo đáp ứng nhu cầu kinh tế xã hội, có chất lượng tốt, cung cấp sự linh hoạt và tiến bộ cho người học và có được sự công nhận quốc tế. Việt Nam đã tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế, vì thế việc đào tạo nguồn nhân lực có khả năng cạnh tranh bình đẳng với các nước trong khu vực và trên thế giới là yêu cầu bắt buộc để thúc đẩy phát triển KT-XH nhanh và bền vững. "...việc triển khai VQF rất quan trọng, cần ưu tiên triển khai nhanh nhưng cũng phải có lộ trình chắc chắn. Việc triển khai VQF cũng cần quan tâm đến đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, đảm bảo chất lượng đào tạo, cũng như giúp cho việc thực hiện tham chiếu giữa khung tham chiếu Việt Nam và khung tham chiếu ASEAN (AQRF), làm cơ sở thực hiện công nhận lẫn nhau về trình độ, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh trong đào tạo nguồn nhân lực giữa Việt Nam và các nước ASEAN, làm tiền đề thuận lợi cho di chuyển lao động tự do trong khu vực ASEAN và trên thế giới", Thứ trưởng Lê Hải An lưu ý.

Ngoài ra, Thứ trưởng Lê Hải An cho biết thêm, trên cơ sở đóng góp ý kiến tại hội thảo này, Bộ GD-ĐT cùng Bộ Y tế sẽ tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai VQF trong đào tạo GD ĐH nói chung, lĩnh vực sức khỏe nói riêng sao cho thực sự hiệu quả, đảm bảo chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng- trình độ cao, phục vụ cho sự phát triển KT-XH của đất nước.

Tại hội thảo, đại diện Vụ GD ĐH (Bộ GD-ĐT) đã đưa ra định hướng triển khai thực hiện VQF với mục tiêu cụ thể sau: Năm 2020 sẽ xây dựng và ban hành chuẩn đầu ra cho các lĩnh vực (nhóm, ngành) sau đây: Khoa học sức khỏe, Kỹ thuật, Tài chính, Du lịch, Giáo dục và Xây dựng chuẩn chương trình đào tạo (Luật số 34). Năm 2021: Xây dựng và ban hành các Bộ chuẩn chương trình đào tạo (CTĐT) cho lĩnh vực vừa nêu trên và xây dựng, ban hành chuẩn đầu ra cho lĩnh vực còn lại. Năm 2022: Hoàn thành báo cáo tham chiếu VQF với Khung tham chiếu trình độ ASEAN (AQRF). Năm 2023: Hoàn thành xây dựng và ban hành các Bộ chuẩn CTĐT đối với các lĩnh vực còn lại. Năm 2025: Các cơ sở GD ĐH hoàn thành rà soát, cập nhận CTĐT trên cơ sở các bộ chuẩn CTĐT đã ban hành đối với các lĩnh vực được đào tạo trong GD ĐH.

P.THỦY

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/137_214430_trien-khai-khung-trinh-do-quoc-gia-viet-nam-doi-vo.aspx