Triển khai phương án phòng, chống mưa, lũ sau bão

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 5, từ ngày 3 đến 4-8, các tỉnh miền núi phía bắc có mưa to đến rất to. Lượng mưa tại Mường Tè (Lai Châu) là 86mm, Than Uyên (Lai Châu) 50mm, Điện Biên (Điện Biên) 82mm, Sa Pa (Lào Cai) 78mm, Trạm Tấu (Yên Bái) 61mm, Nậm Ty (Hà Giang) 135mm, Chợ Rã (Bắc Cạn) 72mm.

Tỉnh Bắc Cạn nỗ lực khắc phục sạt lở do mữa, bão tại hơn 20 điểm trên đường 258 lên huyện Ba Bể.

Như vậy, trong ba ngày qua, trên cả nước có mưa, trong đó mưa lớn tập trung ở khu vực Bắc Bộ và Tây Nguyên; khu vực Bắc Bộ mưa tập trung vào ngày 3-8; lượng mưa phổ biến dưới 150mm, một số nơi có lượng mưa lớn hơn như: Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 210 mm, Sơn Động (Bắc Giang) 180 mm, Sơn Nam (Tuyên Quang) 196 mm, Việt Yên (Bắc Giang) 169 mm, Tam Đảo (Vĩnh Phúc) 196 mm, Chư Sê (Kon Tum) 168 mm, Quảng Cư (Vĩnh Phúc) 219 mm, Cát Tiên (Lâm Đồng) 178 mm, Cô Tô (Quảng Ninh) 215 mm.

Do mưa lớn đã làm lũ trên sông Lục Nam tại Lục Nam đã đạt đỉnh 5,62m (trên báo động 2 là 0,32m); trên sông Cầu tại Đáp Cầu, trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương đang lên chậm, lũ trên sông Thao tại Yên Bái đang lên nhanh. Dự báo, lũ trên sông Lục Nam tại Lục Nam sẽ xuống, lũ trên sông Cầu, sông Thương và sông Thao tiếp tục lên.

Hiện nay, mực nước các hồ chứa nước vừa và lớn tại các tỉnh phía bắc vẫn đang ở mức thấp hơn mực nước dâng bình thường, một số hồ chứa có mực nước cao hơn quy trình vận hành đang được điều tiết nước xuống mức quy định hoặc đến cao trình ngưỡng tràn. Hiện tại, có bảy hồ chứa tràn tự do, như Vân Trục tràn 16cm, Suối Sải tràn 9cm, Trại Muối tràn 20cm, Khe Chè tràn 50cm, Đồng Đò 1 tràn 20cm, Đồng Đò 2 tràn 20cm, Tà Keo tràn 15cm; năm hồ chứa tràn có cửa đang xả nước về hạ du là hồ Núi Cốc, Xạ Hương, Yên Lập, Chúc Bài Sơn và Đầm Hà Động.

Theo Ban chỉ đạo PCLB T.Ư, do ảnh hưởng của bão số 5, nhiều tỉnh, thành phố phía bắc như Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Bắc Cạn, Lào Cai, Hà Giang... đã có mưa to đến rất to, gió giật mạnh gây thiệt hại về người và tài sản. Tính đến chiều 4-8, mưa bão đã làm bốn người chết, bảy người bị thương; hơn 1.000 nhà bị sập đổ, tốc mái và ngập úng; hàng nghìn ha lúa và hoa màu bị ngập úng, hư hại; nhiều cột điện, cột ăng-ten viễn thông bị đổ; một số lồng bè nuôi trồng thủy sản bị vỡ; nhiều tuyến đường giao thông bị ách tắc. Hiện, Ban chỉ huy PLCB các tỉnh, thành phố cùng chính quyền địa phương đang huy động lực lượng, phương tiện để khắc phục thiệt hại, sớm ổn định đời sống và sản xuất cho nhân dân.

Bộ đội Biên phòng các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Ninh Bình đã phối hợp chính quyền địa phương giúp dân di dời được 235 tàu, thuyền, 882 hộ với 1.329 người và 10.740 người ở 7.303 lồng bè, mảng, chòi, lều canh vào nơi tránh trú an toàn. Bộ Chỉ huy Quân sự TP Hải Phòng đã điều động cán bộ, chiến sĩ phối hợp lực lượng địa phương thực hiện công tác gia cố kè du lịch Đồ Sơn. Tuyến đê Hà Nam thuộc huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh bị sạt lở, theo yêu cầu của địa phương, các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn đã tham gia khắc phục sự cố.

Tại tỉnh Quảng Ninh, bão số 5 đã làm ba người bị thương; đổ hai cột ăng-ten viễn thông cao 42m tại huyện Hải Hà và Đầm Hà; đổ, tốc mái hơn 1.000 nhà và công trình phụ; vỡ năm ô lồng bè nuôi trồng thủy sản, đổ ba ha cây keo và gãy nhiều cành cây xanh, vùi lấp một số diện tích lúa muộn... Tổng thiệt hại ước tính khoảng 10 tỷ đồng. Còn tại TP Hải Phòng, bão gây cháy một nhà do chập điện, sập, tốc mái bốn nhà; vỡ một bè nuôi thủy sản; đứt ba phao dẫn luồng khu vực bến Bèo (Cát Bà), sạt 35m đường 356 (Cát Bà), đổ gãy 35 cây xanh; đứt đường dây 35kV tại xã Phù Long và đường hạ thế tại xã Hiền Hào, Cát Hải. Tỉnh Bắc Giang cũng có một người bị thương, hơn 1.500 ha lúa và hoa màu bị ngập úng; sạt lở bến Gốm đê bối Dương Đức, xã Dương Đức, chiều dài cung sạt 8-10m, ăn sâu vào chân đê 2-2,5m. Mái đê hữu Thương, xã Liên Chung, huyện Tân Yên tiếp tục có diễn biến sạt lở ăn sâu tại bốn vị trí, với tổng chiều dài sạt lở hơn 25m. Tỉnh Lạng Sơn có 278 nhà bị tốc mái và sập, hơn 8.200 m3 đất bị sạt lở trên các tuyến đường làm ách tắc giao thông, nhưng đã được khắc phục; làm hư hỏng hơn 60 ha hoa màu... Tỉnh đang khẩn trương hỗ trợ nhà dân có nhà bị sập, đổ tốc mái. Các đơn vị lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ ở các địa phương đã được huy động giúp đỡ các hộ gia đình gặp nạn, hỗ trợ các cơ quan đơn vị, trường học có nhà bị ngập nước, để ổn định cuộc sống.

Mưa lớn đêm 3-8 trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn làm một người ở xã Yên Đĩnh, huyện Chợ Mới chết đuối; gần 70 nhà bị sập đổ, sạt lở, tốc mái. Tuyến quốc lộ 3 từ tỉnh Thái Nguyên đi Cao Bằng qua tỉnh Bắc Cạn bị sạt lở bốn điểm; tuyến đường 258 từ thị trấn Phủ Thông (Bạch Thông) lên huyện Ba Bể dài hơn 40 km bị sạt lở hơn 20 điểm; tuyến đường từ xã Yên Đĩnh, huyện Chợ Mới đi huyện Na Rì cũng bị sạt lở lớn, gây ách tắc giao thông. Tỉnh cử hai đoàn cán bộ về các huyện Chợ Mới và Ba Bể chỉ đạo Công ty Quản lý và Sửa chữa đường bộ 244 huy động nhiều máy xúc, máy ủi khắc phục sạt lở trên quốc lộ 3. Tuy nhiên, thông đường được điểm này thì điểm khác lại bị sạt lở, ách tắc giao thông, làm hàng trăm ô-tô, xe máy xếp hàng dài hơn hai km trên đường chờ khắc phục.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 5, trên địa bàn tỉnh Lào Cai tiếp tục có mưa to trên diện rộng, một số nơi mưa hơn 100mm, tái xuất hiện một đợt lũ cao. Tại sông Chảy, ngày 4-8, mực nước vượt báo động 1 là 66 cm và chưa có dấu hiệu dừng lại. Nước sông lên nhanh làm hồ thủy điện Cốc Ly (Bắc Hà) lần thứ hai phải xả lũ trong vòng gần một tuần, làm ngập hầu hết diện tích rau màu phía hạ lưu. Trên sông Hồng và sông Nậm Thi, đoạn chảy qua TP Lào Cai, tái diễn lũ cao với biên độ hơn 2,5m, làm hàng chục ha lúa mới cấy ven các con suối ở các huyện Văn Bàn, Bát Xát, Sa Pa, Bảo Yên và nhiều diện tích hoa màu của người dân ven sông Hồng và sông Chảy bị vùi lấp.

Tại tỉnh Hà Giang, đợt mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 5 làm hư hỏng, sập đổ 24 nhà của người dân các huyện Quản Bạ, Xín Mần, Hoàng Su Phì và Vị Xuyên. Mưa lớn cũng đã làm sập, hỏng mái bốn điểm trường, làm đổ 12 cột điện 0,4kV, gây ách tắc giao thông cục bộ tại các huyện Quản Bạ, quốc lộ 4D đoạn qua Vị Xuyên; cầu Bản Phùng xã Lao Chải, Vị Xuyên bị nước cuốn trôi. Sau khi xảy ra mưa lũ, chính quyền các địa phương đã đến thăm hỏi, động viên những hộ dân bị ảnh hưởng nặng, đồng thời chỉ đạo các lực lượng tại chỗ giúp dân sửa nhà, vá đường bảo đảm giao thông.

Tại tỉnh Điện Biên, mưa bão đã làm ba người bị thương, một số gia đình bị ngập úng, nhà bị tốc mái. Quốc lộ 279 đoạn từ TP Điện Biên Phủ đến cửa khẩu Tây Trang bị tê liệt. Khối lượng đất đã tràn xuống, vùi lấp tuyến đường lên tới hơn 40 nghìn m3. Đến thời điểm này, tuyến đường trên đã được thông xe tạm thời. Ngoài ra, các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh hiện đã mở hết các cống xả lũ để bảo vệ an toàn cho hồ chứa do lượng nước dâng quá cao.

Mưa lớn kéo dài tại TP Sơn La đã làm năm điểm bị ách tắc giao thông, có đoạn đường ngập khoảng 50cm; hàng chục ha hoa màu, ruộng lúa mới cấy của người dân vừa khôi phục xong do những trận mưa cuối tháng 7 tiếp tục bị ngập sâu trong nước. Các tuyến tỉnh lộ 110, 101, 112 đi tám xã vùng cao của huyện Mộc Châu và các xã vùng ven hồ thủy điện Hòa Bình vừa mới khôi phục tạm cho xe máy đi qua nay tiếp tục bị sạt lở cả hai phía ta-luy âm, dương, gây ách tắc giao thông.

Theo Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Hòa Bình, bão số 5 đã làm ba người chết; xã Trung Minh (TP Hòa Bình) sạt lở khoảng 100 m3 đất ở khu vực Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản; 150 ha lúa ở xã Phú Cường (Kỳ Sơn) bị ngập; vỡ một ao nuôi cá ở phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) và ngập úng khoảng 500 nhà dân. Tỉnh đã tổ chức di dời toàn bộ người và tài sản có giá trị sang khu vực an toàn; khơi thông điểm tắc tại các điểm ngập úng. Đối với diện tích lúa bị ngập, đang vận hành trạm bơm Mom và hiện nay nước đang rút dần.

Do ảnh hưởng của bão số 5, TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) có mưa lớn, gây ngập lụt cục bộ trên quốc lộ 2, hàng trăm ha lúa, ngô và hoa màu của nhân dân... bị ngập chìm trong nước. Trên địa bàn thành phố đang có một số dự án xây dựng hệ thống thoát nước đang trong quá trình thi công, cho nên làm cho lượng nước thoát đi chậm. Tỉnh đã huy động lực lượng ứng trực tại các điểm úng ngập khơi thông dòng chảy, đồng thời phối hợp lực lượng cảnh sát hướng dẫn giao thông cho người dân.

Lực lượng chức năng tỉnh Yên Bái khắc phục sạt lở đất, bảo đảm thông đường tại phường Đức Xuân, TP Yên Bái.

Tại tỉnh Thái Bình, mưa to đã làm hàng nghìn ha lúa mùa ngập úng; nổ một trạm biến áp thuộc cơ sở sản xuất gạch xã Vũ Bình, huyện Kiến Xương; 8/15 lộ dây trung thế thuộc huyện Hưng Hà bị sự cố, mất điện cục bộ. Sau bão tới nay, tỉnh Thái Bình cắt cử cán bộ được phân công xuống các huyện, thành phố cùng với địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống úng, tranh thủ tối đa mực nước thủy triều xuống thấp để mở hết các cống qua đê, chủ động tiêu nước tự chảy cũng như vận hành các trạm bơm động lực để tiêu úng nhanh, cứu lúa.

Toàn tỉnh Cà Mau hiện có hơn 300 hộ dân đang sống trong khu vực nguy hiểm, nhất là vào mùa mưa bão. Nhiều đoạn tại khu vực này đã bị sạt lở nghiêm trọng, đặc biệt là vùng rừng phòng hộ huyện Ngọc Hiển. Tỉnh đã tiến hành xây dựng nhiều khu tái định cư, trong đó dành khoảng 500 căn hộ cho bà con thuộc diện này. Tuy nhiên, sau ba năm, số người tự nguyện về khu tái định cư chỉ có 45 hộ.

Theo Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), các đơn vị thành viên đang tích cực triển khai lực lượng tổ chức kiểm tra các đường dây (ĐZ) bị sự cố để sớm đóng điện trở lại. Trong đó, Công ty lưới điện cao thế miền Bắc (NGC) đã khôi phục ĐZ 176E5.8 Hoành Bồ - 178T500 Quảng Ninh, còn ĐZ 173 T500 Quảng Ninh-171 E5.2 Giáp Khẩu đang kiểm tra chưa đóng điện, máy biến áp T1 (63MVA) trạm biến áp (TBA) 110kV E5.16 Uông Bí đang tách ra khỏi vận hành với lý do TI 331 pha C bị chảy dầu, dự kiến sẽ khắc phục xong sớm.

Công ty Điện lực (CTĐL) Quảng Ninh đã khôi phục được 48/49 lộ ĐZ trung áp, còn một lộ MC65/374 Đồng Đăng - Hoành Bồ chưa khôi phục được. Các CTĐL Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Thái Nguyên, Thái Bình, Nam Định, Vĩnh Phúc đã đóng được toàn bộ các lộ ĐZ trung áp và các TBA trung gian, cơ bản khắc phục xong các sự cố. Riêng địa bàn Bắc Giang còn 23 nhánh rẽ trung áp chưa khôi phục được, 222 TBA phụ tải bị mất điện Tại Lạng Sơn chỉ còn một số nhánh rẽ nhỏ đang cắt điện. Tại Thái Nguyên còn một số khu vực mất điện, trong đó có huyện Phú Bình đang cắt điện hạ thế để bảo đảm an toàn. Tại Sơn La đang mất điện lộ 378 E17.2 NR Chiềng Lương bị sự cố, chín TBA chưa khôi phục. Đang mất điện xã Chiềng Lương thuộc Huyện Mai Sơn, hai tổ thuộc phường Chiềng Lề của TP Sơn La.

Chiều 4-8, Hệ thống Đài Thông tin duyên hải (TTDH) Việt Nam đã truyền phát thông tin tới các tàu hoạt động trên biển yêu cầu hỗ trợ tàu cá QNG 90153 TS bị hỏng máy, thả trôi trên khu vực biển quần đảo Hoàng Sa. Trước đó, tối 1-8, tàu cá BĐ 30673 TS của Bình Định đã liên lạc với hệ thống Đài TTDH Việt Nam báo tin tàu này cùng bảy ngư dân đang hoạt động tại vị trí có tọa độ 8,100 bắc - 107,350 đông, cách Vũng Tàu khoảng 131 hải lý về hướng đông nam thì trên tàu có một ngư dân bị rơi xuống biển mất tích. Thông tin này cũng đã được hệ thống Đài TTDH Việt Nam thông báo tới các đơn vị tìm kiếm cứu nạn khu vực và địa phương.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/xahoi/tin-tuc/item/20919902-tri%e1%bb%83n-khai-ph%c6%b0%c6%a1ng-%c3%a1n-ph%c3%b2ng,-ch%e1%bb%91ng-m%c6%b0a,-l%c5%a9-sau-b%c3%a3o.html