Triển khai thông tư bảo đảm quyền bào chữa của bị can

Thông tư mới của Bộ Công an được đánh giá đảm bảo tốt hơn quyền bào chữa của người bị buộc tội, trong đó có quy định không được hạn chế việc luật sư gặp thân chủ.

Ngày 6-12, Bộ Công an tổ chức hội nghị triển khai Thông tư 46/2019 quy định về trách nhiệm của lực lượng công an nhân dân trong việc đảm bảo quyền bào chữa của người bị tạm giữ, người bị bắt, bị can; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, đương sự...

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, khẳng định bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tố tụng hình sự nói chung, bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội nói riêng là những yêu cầu chung mang tính quốc tế, là vấn đề mà Đảng, Nhà nước luôn đặt yêu cầu rất cao trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền.

Việc ban hành Thông tư 46/2019 tiếp tục thể hiện yêu cầu bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân trong tố tụng hình sự, trên tinh thần cải cách tư pháp.

Thượng tướng Lê Quý Vương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: BCA

Thượng tướng Lê Quý Vương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: BCA

Để triển khai thi hành có hiệu quả thông tư, thứ trưởng yêu cầu công an các đơn vị, địa phương căn cứ kế hoạch của Bộ, xây dựng kế hoạch của cơ quan, đơn vị mình.

Công an phải phối hợp với các cơ quan chức năng giám sát, kiểm tra quá trình thi hành các nội dung của thông tư; tuyên truyền, phổ biến, công khai các quy định để người dân biết thực hiện.

Đồng thời, lực lượng công an cần tổ chức quán triệt, tập huấn chuyên môn, nâng cao nhận thức cho đội ngũ điều tra viên, cán bộ điều tra, cán bộ cơ sở giam giữ để nắm vững nội dung của thông tư, bảo đảm thực hiện đúng các quy định của thông tư.

Như PLO đã phản ánh, Thông tư 46/2019 của Bộ Công an được đánh giá là có nhiều quy định mới đảm bảo tốt hơn rất nhiều quyền bào chữa của người bị buộc tội.

Trong đó, khi tiếp nhận người bị bắt hoặc giao các quyết định tố tụng cho bị can, người bị tạm giữ, điều tra viên phải đọc và giải thích rõ về quyền, nghĩa vụ của họ theo quy định của BLTTHS năm 2015 và ghi vào biên bản giao nhận. Biên bản phải ghi rõ ý kiến của họ về việc có nhờ người bào chữa hay không.

Đặc biệt, thông tư quy định rõ thời điểm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố tham gia tố tụng kể từ khi có quyết định phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và có căn cứ xác định tư cách tham gia tố tụng của bị hại, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố.

Đối với nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự, thời điểm tham gia tố tụng của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp là từ khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự và có căn cứ xác định tư cách tham gia tố tụng của những đối tượng này.

Cũng theo thông tư, khi người bào chữa đề nghị gặp người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam thì cơ quan đang quản lý người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam thực hiện theo quy định tại Điều 80 BLTTHS năm 2015.

Cơ quan đang quản lý người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam có trách nhiệm thông báo cho cơ quan đang thụ lý vụ án biết việc gặp của người bào chữa để cử người phối hợp với cơ sở giam giữ, giám sát cuộc gặp nếu xét thấy cần thiết.

Đáng chú ý, người bào chữa có thể thông báo trước việc gặp thân chủ cho điều tra viên đang thụ lý vụ án. CQĐT, cơ sở giam giữ không được hạn chế số lần và thời gian trên một lần gặp của người bào chữa với người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam.

T.PHAN

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/trien-khai-thong-tu-bao-dam-quyen-bao-chua-cua-bi-can-875649.html