Triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ở một số địa phương

Ngày 19-5-2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về 'Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ'. Đến nay, nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị đã quán triệt, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết, trong đó, một số địa phương đã nỗ lực đổi mới phương thức tổ chức thực hiện, quyết tâm đưa Nghị quyết vào cuộc sống.

Cơ quan Khối cấp tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị tập huấn kiến thức và kỹ năng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; học tập, quán triệt các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, khóa XII của Đảng cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên.

Hải Phòng

Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã tổ chức hội nghị cán bộ trực tuyến học tập, quán triệt các kế hoạch, chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII). Trên cơ sở Kế hoạch của Thành ủy, ngay sau hội nghị trực tuyến, các đảng bộ trực thuộc Thành ủy đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) và xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết tại địa phương, đơn vị và yêu cầu đảng viên viết thu hoạch sau khi được học tập, quán triệt Nghị quyết. Tính đến hết tháng 8-2018, 100% các đảng bộ quận, huyện và đảng bộ trực thuộc Thành ủy hoàn thành việc tổ chức quán triệt, triển khai Nghị quyết đến các chi, đảng bộ cơ sở trực thuộc.

Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW; Kế hoạch số 10-KH/TW ngày 6-6-2018 của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã ban hành Kế hoạch số 123-KH/TU ngày 30-7-2018 để thực hiện Nghị quyết tại Đảng bộ thành phố. Kế hoạch số 123-KH/TU đề ra 2 mục tiêu: (1) Xây dựng đội ngũ cán bộ thành phố có phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và an ninh – quốc phòng của thành phố. (2) Đảm bảo sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo và xây dựng Hải Phòng thành thành phố cảng xanh, văn minh, hiện đại vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Việc thực hiện một số mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể được xác định trong Kế hoạch số 123-KH/TU. Đến nay, thành phố đã bố trí 9/15 (60%) bí thư cấp ủy cấp huyện, 5/15 (33,3%) chủ tịch UBND cấp huyện, 62/223 (27,8%) bí thư đảng ủy cấp xã, 47/223 (21,1%) chủ tịch UBND cấp xã không là người địa phương; nhất thể hóa bí thư đồng thời là chủ tịch UBND ở 3/15 (20%) cấp huyện, ở 6/223 (2,69%) cấp xã.

Quảng Ninh

Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW và Kế hoạch số 10-KH/TW ngày 6-6-2018 của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 228-KH/TU ngày 29-8-2018 triển khai thực hiện; tổ chức hội nghị toàn tỉnh trực tuyến đến các huyện, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tỉnh; các sở, ban, ngành; Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; cơ sở xã, phường, thị trấn nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết.

Ban Tổ chức đã tham mưu cụ thể hóa Nghị quyết, phân công thực hiện 15 nhiệm vụ thường xuyên đối với các cấp ủy, đảng đoàn, ban cán sự đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị; phân công rõ trách nhiệm cụ thể, có lộ trình đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đảng đoàn HĐND, Ban Cán sự UBND, các huyện thị thành ủy và đảng ủy trực thuộc tỉnh và 13 cơ quan, đơn vị của tỉnh. Trong đó, Ban Tổ chức thực hiện 21 nhiệm vụ:

(1) Tham mưu xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết

(2) Tham mưu, rà soát, cụ thể hóa, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện và triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định, quy chế về công tác cán bộ: Quy định về quản lý tổ chức và cán bộ; Quy định về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ; giới thiệu cán bộ ứng cử; Quy chế đánh giá cán bộ; Quy chế luân chuyển, điều động cán bộ; Quy chế thí điểm thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý… bảo đảm đồng bộ, liên thông, nhất quán trong hệ thống chính trị và phù hợp với thực tế; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; ràng buộc trách nhiệm và kiểm soát chặt chẽ quyền lực; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo; bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai và so sánh với chức danh tương đương; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị.

(3) Tham mưu, cụ thể hóa thực hiện quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; xử lý nghiêm những người có sai phạm, kể cả đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu.

(4) Tham mưu, cụ thể hóa thực hiện quy định về cơ chế tạo điều kiện, khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

(5) Phối hợp với cơ quan liên quan xây dựng cơ chế, chính sách nhà ở đối với cán bộ, công chức, viên chức.

(6) Phối hợp, triển khai quy định về hệ thống cơ sở dữ liệu thuộc hệ thống dữ liệu quốc gia về công tác cán bộ.

(7) Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và các cơ quan liên quan tham mưu kiện toàn tổ chức bộ máy, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, cơ chế hoạt động của cơ quan tham mưu về tổ chúc cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện theo Đề án 25, Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 3-3-2015 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

(8) Tham mưu, cụ thể hóa quy định của Trung ương về công tác triển khai đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025; tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng:

(9) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

(10) Tham mưu về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong hệ thống chính trị; Xây dựng nội dung, chương trình tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng để bổ sung, cấp nhật kiến thức mới cho cán bộ lãnh đạo, quản lý và dự nguồn thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.

(11) Tham mưu việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và hướng dẫn thực hiện quy định, quy chế để tiếp tục thực hiện chủ trương bầu trực tiếp bí thư tại đại hội các cấp; thực hiện việc lựa chọn, bầu cử có số dư; ứng viên trước khi bổ nhiệm phải trình bày chương trình hành động và cam kết trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ.

(12) Tham mưu tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết và các quy định, kết luận về công tác quy hoạch cán bộ; triển khai thực hiện hướng dẫn quy định về quy hoạch cán bộ bảo đảm bảo liên thông giữa các cấp, các ngành.

(13) Tham mưu, cụ thể hóa, hướng dẫn thực hiện cơ chế phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng những cán bộ có bản lĩnh, năng lực nổi trội đã qua thực tiễn, có triển vọng phát triển vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả vượt cấp nhất là đối với cán bộ trẻ.

(14) Phối hợp đề xuất các giải pháp để xây dựng, bảo đảm cơ cấu cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số.

(15) Tham mưu triển khai, cụ thể hóa quy định về quyền hạn, trách nhiệm của cấp ủy viên và lãnh đạo các cấp trong việc tiến cử người có đức, có tài, đủ tiêu chuẩn, phẩm chất, đạo đức; người đứng đầu có trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng, tiến cử người thay thế mình.

(16) Tham mưu triển khai, cụ thể hóa quy định về cách chức, bãi nhiệm, miễn nhiệm, từ chức để việc “có lên, có xuống”, “có vào, có ra” và việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành bình thường, nếp văn hóa ứng xử trong công tác cán bộ.

(17) Tham mưu triển khai, cụ thể hóa quy định về việc thực hiện thí điểm người đứng đầu lựa chọn, giới thiệu cán bộ trong quy hoạch để thực hiện quy trình bầu cử, bổ nhiệm cấp phó của mình; bí thư cấp ủy giới thiệu để bầu ủy viên ban thường vụ và chịu trách nhiệm về việc giới thiệu của mình; việc thực hiện thí điểm giao quyền cho người đứng đầu bổ nhiệm cán bộ trong quy hoạch, miễn nhiệm đối với cấp trưởng cấp dưới trực tiếp và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

(18) Tham mưu triển khai, cụ thể hóa quy định về tiêu chuẩn, chế độ chính sách đối với chuyên gia.

(19) Tham mưu xây dựng quy chế phối hợp công tác giữa cơ quan tham mưu trong công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ theo chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, cơ quan đơn vị liên quan.

(20) Tham mưu định kỳ, đột xuất kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác tổ chức cán bộ ở các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trên địa bàn bảo đảm đúng nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo và quản lý tổ chức, biên chế, công tác cán bộ, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ trong toàn hệ thống chính trị. Tăng cường công tác nắm, theo dõi, kiểm soát chặt chẽ quy trình công tác cán bộ của các cấp, các ngành.

(21) Tham mưu, thường xuyên theo dõi, chủ trì, phối hợp kiểm tra, đôn đốc, định kỳ sơ kết, tổng kết việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Trung ương và Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Long An

Đồng chí Trần Văn Cần, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Long An trao các quyết định bổ nhiệm và điều động cán bộ ngày 29-10-2018 .

Thực hiện Nghị quyết 26, Kế hoạch số 10-KH/TW ngày 6-6-2018 của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, trên cơ sở hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết, Tỉnh ủy tổ chức kết nối với 15/15 điểm cầu ở các huyện ủy, thị ủy, thành ủy trong tỉnh.

Tỉnh ủy đã xây dựng xong Kế hoạch thực hiện Nghị quyết với mục tiêu tổng quát: Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của hệ thống chính trị tỉnh có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội trong thời kỳ mới; bảo đảm có sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ tỉnh, đủ sức lãnh đạo đưa tỉnh Long An trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2030.

Mục tiêu cụ thể:

Đến năm 2020, đào tạo bảo đảm tiêu chuẩn chức danh quy hoạch về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị và các kỹ năng khác cho cán bộ quy hoạch cấp ủy và các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, cấp huyện nhiệm kỳ 2020 – 2025. Khoảng 75% huyện ủy, thị ủy, thành ủy bố trí bí thư cấp ủy không là người địa phương gắn nhân sự đại hội nhiệm kỳ 2020 – 2025 (trong đó có từ 2 đến 3 địa phương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp huyện).

Đến 2025: Cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) từ 15% trở lên; từ 15 đến 25% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. 100% cấp ủy, cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện phải đạt trình độ chuyên môn, nghiệp vụ từ đại học trở lên; lý luận chính trị từ trung cấp trở lên; riêng cấp ủy viên, trưởng các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội phải có trình độ lý luận chính trị từ cao cấp và tương đương trở lên. Từ 15 đến 20% cán bộ chủ chốt và ủy viên ban thường vụ cấp ủy cấp huyện dưới 40 tuổi. 90% cán bộ chuyên trách cấp xã có trình độ cao đẳng, đại học chuyên môn, nghiệp vụ và được chuẩn hóa về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác.

Đến năm 2030: Cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) từ 15 đến 20%, từ 25 đến 35% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Từ 20 đến 25% cán bộ chủ chốt và ủy viên ban thường vụ cấp ủy cấp huyện dưới 40 tuổi. 100% cán bộ chuyên trách cấp xã có trình độ cao đẳng, đại học chuyên môn, nghiệp vụ và được chuẩn hóa về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác. Nữ là cấp ủy viên các cấp đạt từ 20 đến 25%, nữ là đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trên 35%.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết, Kế hoạch, Tỉnh ủy đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau:

(1) Nâng cao nhận thức, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ.

(2) Rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các văn bản về công tác cán bộ theo hướng đồng bộ, liên thông, nhất quán trong hệ thống chính trị tỉnh và phù hợp tình hình thực tế của tỉnh.

(3) Đẩy mạnh xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới và sự phát triển của tỉnh.

(4) Kiểm soát chặt chẽ công tác cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền; phát huy vai trò của cơ quan dân cử và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và giám sát của nhân dân trong xây dựng đội ngũ cán bộ; phát huy trách nhiệm của các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy và nâng cao chất lượng đội ngũ tham mưu về công tác tổ chức cán bộ.

Ngọc ThảoBan Tổ chức Trung ương

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/home/can-bo/2018/12325/trien-khai-thuc-hien-nghi-quyet-so-26nqtw-cua-ban-chap-hanh.aspx