Triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại Việt Nam: Góp phần chặn dịch Covid-19

Sáng 8/3, những mũi vaccine của AstraZeneca ngừa Covid-19 đầu tiên đã được tiêm cho các cán bộ, nhân viên y tế tại Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới T.Ư, Hải Dương và BV Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. Đây là đợt tiêm mở đầu cho chiến dịch tiêm chủng vaccine lớn nhất từ trước đến nay nhằm góp phần đẩy lùi dịch Covid-19.

Đồng loạt tiêm tại 3 địa phương
Tại điểm tiêm BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội), 66 cán bộ, nhân viên y tế của BV đã được tiêm
vaccine AstraZeneca. Đây đều là những người trực tiếp tiếp nhận, chăm sóc, điều trị hoặc có tiếp xúc với các nguồn nguy cơ lây nhiễm Covid-19. BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 được phân bổ 450 liều
vaccine. Để việc triển khai tiêm vaccine Covid-19 cho cán bộ, nhân viên y tế diễn ra an toàn và đạt hiệu quả cao, BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư đã bố trí 3 bàn tiêm tại Trung tâm Phòng chống dịch với đầy đủ các phương tiện, kỹ thuật cần thiết để theo dõi sát người được tiêm.
Tương tự, tại Hải Dương sáng cùng ngày cũng triển khai tiêm vaccine Covid-19 cho 80 người được chọn tại huyện Kim Thành và TP Hải Dương. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã tự tay tiêm vaccine cho chị Đỗ Thị Nhài - nhân viên Trạm Y tế phường Tân Hưng, Hải Dương.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết: “Cùng với các giải pháp phòng chống dịch đang được triển khai thì vaccine là một trong những giải pháp quan trọng để kiểm soát, khống chế, dập dịch. Hải Dương được Bộ Y tế phân bổ 33.000 liều vaccine, Bộ Y tế yêu cầu địa phương triển khai nghiêm túc, chặt chẽ từ đối tượng được tiêm đến công tác bảo quản vaccine, quá trình tiêm và theo dõi sau tiêm”.

 Tiêm vaccine phòng Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2. Ảnh: Ngọc Tú

Tiêm vaccine phòng Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2. Ảnh: Ngọc Tú

Kết thúc ngày 8/3, tại 2 điểm tiêm của tỉnh Hải Dương là Trung tâm y tế TP Hải Dương và Trung tâm Y tế huyện Kim Thành đã tiêm cho 207 người. Hải Dương sẽ tiêm trong 2 đợt, mỗi đợi kéo dài 3 - 4 ngày và cách nhau 1 - 2 ngày. Đợt 1 tiêm tại TP Chí Linh, huyện Cẩm Giàng, TP Hải Dương, huyện Kim Thành, huyện Kinh Môn và huyện Nam Sách. Đợt 2 tiêm cho các huyện còn lại.
Còn tại BV Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, nữ bác sĩ trẻ Lê Thanh Xuân, Khoa Cấp cứu Hồi Sức tích cực chống độc người lớn là người được tiêm đầu tiên trong số 900 nhân viên y tế của BV được ưu tiên tiêm vaccine đợt này. Trong cuộc chiến chống Covid-19, bác sĩ Lê Thanh Xuân cùng với người bạn đời của mình là bác sĩ Nguyễn Văn Thành (công tác cùng khoa tại BV) đã phải nhiều lần hoãn đám cưới để phục vụ công tác chống dịch.
Theo Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh Nguyễn Vĩnh Châu, BV được phân bổ 900 liều vaccine, riêng trong ngày 8/3 đã có 104 nhân viên được tiêm, gồm các bác sĩ, điều dưỡng của các khoa đang trực tiếp chăm sóc điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19. Tùy theo nguồn cung ứng, BV sẽ tiếp tục thực hiện và dự kiến sẽ hoàn tất trong tuần này.
Ngày hôm nay (9/3) Hà Nội sẽ bắt đầu triển khai tiêm vaccine Covid-19 tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Dự kiến có 30 nhân viên y tế đầu tiên sẽ được tiêm tại đây. Tiếp theo đó có khoảng 300 cán bộ của CDC Hà Nội được tiêm vaccine Covid-19 và các nhóm đối tượng theo Nghị quyết 21. Đây là những trường hợp thường xuyên phải tiếp xúc với nguồn bệnh. Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, việc tiếp nhận và sử dụng vaccine Covid-19 sẽ được TP triển khai thực hiện cho các nhóm đối tượng và theo từng giai đoạn cụ thể, bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh một cách hiệu quả.
“Hãy đi tiêm phòng Covid-19”
Kiểm tra công tác tiêm chủng tại BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, với 117.600 liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca được tiêm trong đợt này, sẽ ưu tiên cho lực lượng chủ chốt ở tuyến đầu thường xuyên phải tiếp xúc với nguồn bệnh. Ngoài ra là lực lượng Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, công an, quốc phòng tại 13 tỉnh/TP đang là điểm nóng về phòng chống dịch (Hải Dương, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Gia Lai, Quảng Ninh, Điện Biên, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hưng Yên, Bắc Giang, Hà Giang, Bình Dương) và 21 BV điều trị bệnh nhân Covid-19.
Để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng, song song với việc đàm phán mua các loại vaccine Covid-19, Bộ Y tế đã chỉ đạo quyết liệt các đơn vị nghiên cứu, sản xuất vaccine của Việt Nam tích cực nghiên cứu, thử nghiệm để sớm có vaccine sản xuất trong nước nhằm chủ động nguồn vaccine. Đợt tiêm vaccine phòng Covid-19 lần này là khởi đầu cho chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với hơn 100 triệu mũi tiêm được thực hiện trên toàn quốc.
“Đây là sự đầu tư rất lớn của Chính phủ để phòng, chống dịch hiệu quả, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân. Bộ Y tế kêu gọi người dân trên cả nước đến lượt mình hãy đi tiêm phòng Covid-19 để bảo vệ cho cá nhân, người thân, vì một cộng đồng khỏe mạnh, để đất nước chúng ta sớm quay trở lại với cuộc sống bình thường” - Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.
Tại buổi tiêm, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị Chương trình Tiêm chủng mở rộng và các đơn vị thực hiện tiêm chủng nghiêm chỉnh chấp hành những quy định của Chính phủ và Bộ Y tế về sử dụng vaccine phòng Covid-19, giám sát chặt chẽ việc bảo quản và vận chuyển vaccine, để đảm bảo chất lượng tốt nhất từ khâu tiếp nhận, vận chuyển cho đến tận bàn tiêm; đảm bảo tiêm chủng an toàn, đúng đối tượng. Đồng thời xử lý nhanh chóng và hiệu quả các trường hợp phản ứng sau tiêm (nếu có).

Bên cạnh đó, các đơn vị cần đẩy mạnh giám sát để phát hiện những bất cập trong quá trình triển khai tiêm chủng, kịp thời rút kinh nghiệm để hoàn thiện quy trình chuẩn tiêm chủng vaccine phòng Covid-19.
“Không có vaccine nào an toàn 100% và không có vaccine nào có tác dụng phòng bệnh 100%. Do vậy, muốn bảo vệ xã hội khỏi nguy cơ mắc Covid-19, đồng thời với tiêm chủng chúng ta cần thực hiện tốt khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Bộ Y tế tin tưởng rằng, thực hiện tốt những điều này chúng ta nhất định sẽ chặn đứng Covid-19”- Thứ trưởng Bộ Y tế nói.

"Trong thời gian qua, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, dịch Covid-19 tại Việt Nam đã được kiểm soát tốt. Việt Nam được nhiều nước, nhiều tổ chức quốc tế và các hãng thông tấn báo chí có uy tín trên thế giới ghi nhận, đánh giá cao, trở thành một hình mẫu về cách thức kiểm soát dịch bệnh, đạt hiệu quả cao với mức chi phí tối thiểu, là một tấm gương trong phòng chống dịch Covid-19. Để tiếp tục duy trì kết quả trên, bên cạnh ngăn chặn, phát hiện, khoanh vùng, cách ly, dập dịch, điều trị bệnh nhân... thì việc có được vaccine ngừa Covid-19 là giải pháp quan trọng."- Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn

"Dù có vaccine ngừa Covid-19, người dân vẫn phải tuân thủ thực hiện 5K. Trong thời gian qua, Việt Nam chưa có vaccine nhưng chúng ta vẫn chiến thắng đại dịch vì thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch. Nhưng bên ngoài biên giới, gần đây, nhiều nước ở châu Mỹ, châu Âu tăng số mắc và tử vong sau thời gian tạm giảm. Điều đó có nghĩa nguy cơ chưa hề giảm, dịch tại Việt Nam có thể bùng phát bất cứ lúc nào nếu người dân mất cảnh giác, chủ quan." - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) PGS.TS Trần Đắc Phu

Nhóm phóng viên

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/trien-khai-tiem-vaccine-ngua-covid-19-tai-viet-nam-gop-phan-chan-dich-covid-19-412266.html