Triển khai ứng dụng CNTT đưa Bưu điện Việt Nam phát triển thành DN công nghệ

Thực hiện chiến lược chuyển đổi số và định hướng phát triển Bưu điện Việt Nam thành DN công nghệ, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã ban hành Kiến trúc công nghệ thông tin tổng thể với mục tiêu đổi mới mô hình quản lý và triển khai ứng dụng CNTT.

Theo đó, thực hiện chiến lược chuyển đổi số và định hướng phát triển Bưu điện Việt Nam thành doanh nghiệp công nghệ, ngày 27/12/2019, Hội đồng thành viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã phê duyệt Quyết định ban hành Kiến trúc Công nghệ thông tin tổng thể của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (phiên bản 1.0).

Kiến trúc CNTT tổng thể định hướng đẩy mạnh triển khai ứng dụng để CNTT trở thành nền tảng, công cụ và giải pháp hữu hiệu thúc đẩy quá trình hiện đại hóa sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh cho Tổng công ty Bưu điện Việt Nam. Chuyển đổi nền tảng ứng dụng CNTT để bắt kịp xu thế phát triển của các doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bưu chính và logistics, hướng đến tối ưu và tự động hóa, giải phóng sức lao động thủ công.

Kiến trúc tổng thể đặt ra mục tiêu đổi mới mô hình quản lý và triển khai ứng dụng CNTT của Bưu điện Việt Nam theo hướng: Đảm bảo khả năng điều hành tập trung và thống nhất, khả năng làm chủ và sáng tạo công nghệ; Đảm bảo phù hợp với năng lực và trình độ của đội ngũ cán bộ trên toàn mạng lưới trong từng giai đoạn phát triển; giảm thiểu số lượng ứng dụng tại các khâu, công đoạn trong sản xuất, nâng cao khả năng tích hợp và tính tiện ích, tiện dụng của từng ứng dụng; Đảm bảo kết nối liên thông giữa hạ tầng CNTT của Tổng công ty với khách hàng, đối tác trong và ngoài nước; Gắn kết quản lý công nghệ và quản lý nội dung; khai thác hiệu quả các công cụ tiếp thị trực tuyến, kênh mạng xã hội trong công tác truyền thông, tiếp thị sản phẩm dịch vụ, và chăm sóc khách hàng để tiết kiệm chi phí; Đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.

Bưu chính chuyển phát trong nước.

Kiến trúc cũng thể hiện các mô hình tham chiếu về nghiệp vụ, dữ liệu, công nghệ, an toàn thông tin để có thể liên tục hoàn thiện, cập nhật bổ sung theo các yêu cầu mới, xu hướng công nghệ mới trong nước và trên thế giới. Đồng thời, làm rõ bức tranh ứng dụng CNTT và lộ trình triển khai trong giai đoạn 2020-2025 tầm nhìn 2030.

Hội đồng thành viên Tổng công ty xác định Kiến trúc CNTT cần định kỳ được cập nhật để linh hoạt trong triển khai, áp dụng; kịp thời điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với môi trường, hoàn cảnh trong nước cũng như trên thế giới.

Không chỉ ngành Bưu điện nói chung, các đơn vị thành viên trên cả nước cũng tích cực chủ động ứng dụng CNTT nhằm bắt kịp xu thế.

Theo bà Nguyễn Thị Khánh Nga, Giám đốc Bưu điện Đà Nẵng: Năm 2019, Bưu điện Đà Nẵng đã xây dựng cơ sở dữ liệu khách hàng tiềm năng trên từng địa bàn phường xã; Xây dựng cơ chế tiền lương thúc đẩy bán hàng; Xây dựng chính sách giá cước linh hoạt để đảm bảo cạnh tranh nhằm giữ khách hàng hiện hữu và phát triển khách hàng mới.

Bưu điện Đà Nẵng đã ứng dụng CNTT cho công tác bán hàng. Ngoài các ứng dụng của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) như App My VNPost, Bưu điện Đà Nẵng còn triển khai phần mềm bán hàng online PANCAKE. Phần mềm này giúp khách hàng vừa bán hàng vừa chốt đơn hàng online vừa truyền dữ liệu về hệ thống Bưu chính chuyển phát của Bưu điện; Cung cấp máy in nhiệt để khách in vận đơn ngay khi chốt hàng, giúp giảm thiểu công sức, chi phí cho khách hàng và Bưu điện; Ứng dụng chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua thẻ chi trả Emoney; Thí điểm thành công thu thuế bằng thiết bị SmartPOS tại phường Mỹ An được cơ quan thuế và người nộp thuế đồng tình ủng hộ; Triển khai hệ thống báo cáo online giúp cho việc tập hợp số liệu quản lý sản xuất kinh doanh được nhanh chóng.

“Việc ứng dụng CNTT đã góp phần tăng năng suất lao động, giảm chi phí, tăng năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp đối thủ”, bà Nga nhấn mạnh.
Năm 2020, Bưu điện Đà Nẵng đặt mục tiêu doanh thu đạt gần 280 tỷ đồng, tăng 6% so với 2019, trong đó tổng doanh thu tính lương đạt gần 159 tỷ, tăng 12%; chênh lệch thu chi hơn 11 tỷ đồng.

Để thực hiện mục tiêu trên, Bưu điện Đà Nẵng chú trọng đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ tổ chức sản xuất hỗ trợ các khâu tác nghiệp điều tin thu gom, phát hàng trên App smarphone; Đổi mới các giải pháp triển khai kinh doanh, tổ chức, hợp lý hóa quy trình cung cấp dịch vụ tài chính bưu chính trên mạng lưới thông qua các ứng dụng CNTT. Ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong việc chi trả các dịch vụ công, chi trả bảo hiểm xã hội, chế độ người có công….

Theo ông Nguyễn Minh Đức, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, năm 2020, Bưu điện Việt Nam sẽ triển khai chiến lược chuyển đổi số và định hướng phát triển Tổng công ty thành doanh nghiệp công nghệ. Đối với Đà Nẵng, mặc dù bị cạnh tranh khốc liệt nhưng đây vẫn được xem là thị trường tiềm năng. Vì vậy, Bưu điện Đà Nẵng phải đẩy mạnh ứng dụng CNTT mạnh mẽ hơn nữa trong hoạt động quản lý điều hành cũng như tổ chức sản xuất kinh doanh; ứng dụng CNTT trong việc cung cấp sản phẩm dịch vụ nhằm giảm chi phí bán hàng góp phần tăng ăng suất lao động; Xây dựng bản đồ số Vmap tại Đà Nẵng, triển khai hệ thống định danh xác thực POSTID phục vụ cho việc xây dựng Chính quyền điện tử; Tham gia xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, cơ sở dữ liệu dân cư, cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT.

PV

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/trien-khai-ung-dung-cntt-dua-buu-dien-viet-nam-phat-trien-thanh-dn-cong-nghe-post327326.info