Triển lãm 'Hãy cứu biển': Bảo vệ môi trường qua ngôn ngữ hình ảnh

Mới đây, triển lãm 'Hãy cứu biển' của tác giả Nguyễn Việt Hùng (Lekima Hùng) đã thu hút được sự quan tâm lớn của dư luận trước thực trạng rác thải nhựa đang là vấn nạn của nước ta.100 tác phẩm ảnh được lựa chọn từ 3.000 bức ảnh chụp trên 3000km của 28 tỉnh thành dọc theo chiều dài bờ biển Việt Nam đã thể hiện được thông điệp: 'Chỉ có hành động mới mang lại sự thay đổi'. Đồng thời cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh làm thay đổi nhận thức của mọi người về rác thải nhựa, gợi mở một số giải pháp có thể thực hiện và kêu gọi sự chung tay của các cấp, Bộ, Ban, ngành và người dân để góp phần giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa ở Việt Nam.

Hình ảnh được thể hiện trong các tác phẩm theo nhiều cách khác nhau, nhiều chủ thể khác nhau, nhưng nổi bật lên là hình ảnh của rác thải nhựa. Cái đau đáu của tác giả khi nhìn về vấn nạn môi trường khủng khiếp đang hiện diện phổ biến trên hầu khắp các quốc gia có bờ biển. Trong đó, Việt Nam vốn là một đất nước có bờ biển dài và đẹp, vẻ đẹp ấy đang dần bị rác thải, hay nói đúng hơn là hành vi sử dụng các sản phẩm nhựa tạo nên rác đã phủ kín bờ cát . Những con sóng xô vào bờ cát trong mỗi câu ca giờ đã đi vào quá khứ, chỉ còn trong hoài niệm, thay vào đó là rác dập dềnh trên sóng nước.

Không ồn ào hay quá cầu kỳ trong hình thức thể hiện, cũng không mải mê vào những yếu tố tạo hình mạnh mẽ, hầu hết các tác phẩm trong triển lãm đều được thể hiện ở góc độ trung bình.Tác giả như cố tình đem cái diễn đạt đơn giản nhất, tự nhiên nhất giống như cách quan sát thông thường của mỗi con người chúng ta. Một lời nhắc nhở nhẹ nhàng đối với công chúng, những người cũng giống như hầu hết người dân vùng ven biển, vẫn đang sử dụng các sản phẩm từ nhựa mỗi ngày, và rồi thải ra môi trường theo cách đơn giản nhất mà không nghĩ, hay ít nhiều chưa nghĩ về hậu quả của nó.

 Bờ biển đẹp nhưng ngập rác thải

Bờ biển đẹp nhưng ngập rác thải

Chính cái mộc mạc, giản đơn trong diễn đạt ngôn ngữ hình ảnh khiến cho ai cũng có thể nhận ra những hình ảnh gần gũi, quen thuộc mà đâu đó trong cuộc sống, trong môi trường xung quanh mà mình đã từng nhìn thấy. Người xem được tận mắt chứng kiến những “ngọn núi”được hình thành bởi túi nilon, chai nhựa mà chính thói quen sinh hoạt của mình là nhân tố góp phần tạo nên.

Bờ biển, nơi giao thoa giữa mặt nước và đất liền, nơi nhiều con người đang ngày ngày bám biển mưu sinh, biển cho con người đầy những cá, những tôm, con người thì trả lại cho biển toàn rác. Qua những hình ảnh được trưng bày trong triển lãm, người ta có cảm giác rằng rác đã trở thành ngôn ngữ để con người giao tiếp với biển. Một góc khiêm tốn của triển lãm được tác giả trưng bày những tác phẩm chụp những bãi biển nước trong xanh, những con lạch vẫn tấp nập thuyền bè vào ra.

Hay những ngã ba, ngã bảy trên sông nước miền Tây Nam bộ thật đẹp khi không có rác. Liều lượng hạn chế của các tác phẩm này cũng cho thấy những địa điểm sạch sẽ, trong lành như thế chỉ còn là những con số hiếm hoi, không lâu nữa cũng sẽ biến thành những bãi rác nếu hành vi sử dụng các sản phẩm từ nhựa của con người không được cải thiện. Cuộc hành trình hơn 7.000km dọc bờ biển Việt Nam để “săn” rác đã cho thấy quá trình thực hiện bộ ảnh là cả một sự đầu tư công phu và có chủ đích. Nếu chỉ nhằm mục đích có được nhiều hình ảnh nhất có thể thì rõ ràng không khó để tác giả có đầy đủ hình ảnh khi chỉ cần chụp ở một vài địa điểm. Tuy nhiên, anh tìm đến một cách làm công phu hơn, tốn kém hơn đã cho thấy cái khát khao của tác giả được khám phá trên hành trình của mình.

Hơn một tháng rong ruổi bắt đầu từ tháng 8/2018, từ Thủ đô Hà Nội tới Ninh Bình rồi bám theo bờ biển vào đất mũi Cà Mau, anh tiếp tục chạy xe dọc bờ biển tới Hà Tiên (Kiên Giang), giáp biên giới Campuchia, rồi quay về TP Hồ Chí Minh gửi xe đi máy bay trở ra Hà Nội. Tiếp đó, anh đi từ Hà Nội xuống Nam Định và dọc bờ biển 3 tỉnh, thành phố Thái Bình, Hải Phòng và Quảng Ninh cố gắng ghi lại những hình ảnh độc đáo, trần trụi nhất về thực trạng rác thải nhựa.

“Trên đường đi, tôi ngỡ ngàng khi đến khu chợ thuộc huyện Tuy Phong (Bình Thuận) với hàng km rác thải, trong đó chủ yếu là rác thải nhựa, túi nilon. Thật buồn khi chứng kiến người dân phơi cá ngay trên đống rác tại Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh)... Một điều thấy rõ trong suốt hành trình là các chợ hải sản ven biển cũng chính là nguồn xả rác thải nhựa kinh hoàng nhất”, nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng chia sẻ.

Những hình ảnh mà người xem được chứng kiến cho thấy vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa đối với môi trường biển xảy ra không chỉ ở một vài địa phương cụ thể, mà đã trải rộng theo khắp chiều dài đất nước, ở đâu có biển là ở đó có rác thải nhựa. Từ những cửa sông, cửa biển, nơi neo đậu của những con tàu đánh cá ngoài khơi xa trở về, cho đến các chợ cá dọc bãi biển. Ngoài ra, trên mỗi bãi biển mà khách du lịch đi qua, ngoài dấu chân còn in hằn trên cát thì vỏ chai nước, túi nilon đựng đồ ăn cũng được “tặng” lại cho biển, ở đâu có du lịch biển là ở đó có rác thải nhựa. Mỗi đợt sóng xô bờ, nó xóa đi dấu chân để lại, nó cũng cuốn cả rác thải của con người đi theo. Nhưng rồi đợt sóng tiếp theo lại đưa rác trở lại vào bờ, như ngụ ý muốn trả lại cho con người những sản phẩm ấy.

Một con vịt bị chết vì ăn phải nhựa, nó nẵm lẫn đâu đó trong rác, được con người mang đến lò đốt là minh chứng cho những hậu quả gần nhất, trực tiếp nhất đến môi trường tự nhiên. Hậu quả của rác thải nhựa không đợi 10 năm, 20 năm để tác động đến môi trường, nó đã tàn phá song song cùng với những những ứng xử của con người đối với sản phẩm nhựa mà mình đã sử dụng.

Ngoài con vịt được chụp bởi tác giả còn có biết bao nhiêu con vịt khác nữa đã chịu chung số phận như nó. Hình ảnh giản đơn nhưng đã tìm được sự đồng cảm từ phía người xem, nó đánh thức tâm can con người đến lạ. Gần đây, nhiều vùng biển trên thế giới, người ta cũng tìm thấy xác những con cá voi, cá kình trôi dạt vào bờ, nguyên nhân hầu hết đều do ăn phải rác. Nó cũng là lời cảnh báo của biển đối với con người về nguồn tài nguyên tưởng chừng vô tận đang dần bị cạn kiệt, lâu dần có thể sẽ không còn gì cả.

Một gia đình đèo nhau trên chiếc xe máy qua một bãi rác, chừng như rác thải nhựa ở đây đã tạo nên một bứt tường ngăn cách tầm nhìn của họ ra phía bờ biển quê hương, nơi gắn liền, nơi thân thuộc với cuộc sống của họ qua nhiều thế hệ. Hay, những đứa bé bơi lội nơi cửa biển với những rác bủa vây xung quanh, là một cách “gõ cửa” của tác giả vào hành vi ứng xử của thế hệ chúng ta, thế hệ vẫn đang hàng ngày sử dụng những túi nilon, những chai nhựa… rồi đưa nó ra môi trường theo cách vô tư nhất. Không ai cầm túi nilon ném vào sọt rác hay một nơi nào đó mà chợt nghĩ rằng mình đang biến nó thành “của hồi môn” cho thế hệ con cháu mai sau.

Cao Tiến

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/trien-lam-hay-cuu-bien-bao-ve-moi-truong-qua-ngon-ngu-hinh-anh-92395.html