Triển lãm 'Hồi sinh những vùng đất chết'

ĐÀ NẴNG- Chiều 7-11, Bảo tàng Hóa học thuộc Bộ Tư lệnh Binh chủng Hóa học phối hợp Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP Hồ Chí Minh và Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức triển lãm chuyên đề 'Hồi sinh những vùng đất chết'.

Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm "Hồi sinh những vùng đất chết".

ĐÀ NẴNG- Chiều 7-11, Bảo tàng Hóa học thuộc Bộ Tư lệnh Binh chủng Hóa học phối hợp Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP Hồ Chí Minh và Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức triển lãm chuyên đề "Hồi sinh những vùng đất chết". Triển lãm trưng bày gần 200 hình ảnh, hiện vật liên quan đến chiến tranh hóa học ở Việt Nam và công tác khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh, khắc phục sự cố môi trường..., góp phần cung cấp thêm thông tin cho du khách tham quan trong và ngoài nước hiểu rõ hơn về hậu quả của cuộc chiến tranh hóa học mà quân đội Mỹ đã gây ra ở Việt Nam. Qua đó góp phần kêu gọi cộng đồng xã hội, bạn bè quốc tế chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, bảo vệ môi trường, sinh thái, hồi sinh những vùng đất chết, góp phần ổn định cuộc sống, phát triển KT-XH ở địa phương.

Các đại biểu tham quan các khu trưng bày triển lãm.

Phát biểu tại buổi khai mạc, Thiếu tướng Hoàng Xuân Dũng- Chính ủy Binh chủng Hóa học- cho biết: Cuộc chiến tranh hóa học mà quân đội Mỹ đã gây ra trong chiến tranh Việt Nam giai đoạn 1961-1971 (còn gọi là chiến dịch "Bàn tay sạch") là một cuộc chiến tranh hóa học tàn khốc trong lịch sử chiến tranh. Theo đó, trong những năm tháng đó, quân đội Mỹ đã rải gần 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó có 61% là chất độc da cam/dioxin xuống miền Trung và miền Nam Việt Nam. 3,6 triệu ha rừng và đồng bằng đã bị hủy diệt, 4,8 triệu người bị phơi nhiễm, trong đó có hơn 3 triệu người là nạn nhân. Sau chiến tranh, Bộ đội Hóa học là lực lượng nồng cốt khảo sát, điều tra, thu gom và xử lý chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh, khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường. Theo đó đã phát hiện, trực tiếp xử lý an toàn gần 400 tấn chất độc CS, đạn chứa CS cùng nhiều loại chất độc hại khác và hàng trăm ngàn mét khối đất nhiễm chất độc hóa học trong đó có sân bay Đà Nẵng, góp phần làm sạch môi trường, bảo vệ sức khỏe, ổn định cuộc sống cho người dân các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên, đồng bằng Nam Bộ. Thiếu tướng Hoàng Xuân Dũng cũng cho biết, bên cạnh chất độc hóa học, sau chiến tranh, Việt Nam còn phải đối mặt với ô nhiễm và nguy cơ mất an toàn cho người dân do bom mìn còn sót lại. Từ năm 1999 đến nay, Tổ chức nhóm cố vấn bom mìn (MAG) hoạt động tại Việt Nam đã thực hiện rất nhiều dự án, làm sạch hơn 56 triệu m2 đất, phát hiện và xử lý gần 300.000 bom mìn, vật liệu chưa nổ, góp phần cải thiện cuộc sống, phát triển KT-XH ở các địa phương...

Triển lãm diễn ra đến ngày 22-12.

P.THỦY

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_197891_.aspx