Triển lãm Mỹ thuật Quốc tế Bắc Kinh lần thứ 6, 2015

(Toquoc)- Với chủ đề “Ký ức và Ước mơ”, BIAB lần thứ 6 đã sàng lọc, tuyển chọn từ 18.368 tác phẩm của 6650 tác giả gửi đến từ khắp thế giới, để trưng bày các tác phẩm hội họa, điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt… của 688 họa sĩ đến từ 96 quốc gia và vùng lãnh thổ.

(Toquoc)- Với chủ đề “Ký ức và Ước mơ”, BIAB lần thứ 6 đã sàng lọc, tuyển chọn từ 18.368 tác phẩm của 6650 tác giả gửi đến từ khắp thế giới, để trưng bày các tác phẩm hội họa, điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt… của 688 họa sĩ đến từ 96 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đoàn họa sĩ Việt Nam tham dự BIAB 6

Tham gia Triển lãm lần này có 688 họa sĩ tới từ nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Pháp, Áo, Nga, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Acmenia, Azerbajan, Belarus, Latvia, Ai Cập, Ấn Độ, Nam Phi, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Hunggari, Bulgari, Cộng hòa Czech, Slovakia, Đan Mạch, Ba Lan, Iceland, Nhật, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Myanmar, Indonesia, Campuchia, Việt Nam… trong đó Trung Quốc có 188 họa sĩ tham dự.

Tại đây “bộ mặt nghệ thuật đương đại trên thế giới” tập trung định kỳ hai năm một lần vào mùa thu đã được thể hiện khá đa dạng, phong phú với quy mô đồ sộ chưa từng thấy, so với Triển lãm đầu tiên được tổ chức từ năm 2003 chỉ có 45 nước tham dự.

Trong nhiều gian trưng bày tại Triển lãm BIAB lần thứ 6 này, có mặt đầy đủ những thủ pháp, phong cách thể hiện theo mọi khuynh hướng vốn đã từng có từ lâu trong mỹ thuật thế giới như: cổ điển, hiện thực, ấn tượng; từ lối dùng màu, nét, mảng… theo phong cách Hội họa dã thú đến Vị lai…

Với quy mô đồ sộ, tại triển lãm BIAB 2005, còn có những góc, phòng chiếu phim, phô diễn thế mạnh của hình ảnh và âm thanh bằng Nghệ thuật động hình (Cinematism) với những video clip khá lạ, khi thể hiện những góc khuất ẩn chứa trong tâm trạng đa dạng của người phụ nữ phương Tây; về nghệ thuật Rối bằng cách tạo tác đồ gốm sứ phương Đông…

Thực tế, từ xưa tới nay Lịch sử Mỹ thuật tạo hình thế giới luôn xoay quanh 12 chủ đề thường thấy: Chân dung con người/ Thân thể con người/ Đôi lứa/ Cuộc sống cần lao/ Cuộc sống nhàn rỗi/ Câu chuyện Lịch sử/ Phong cảnh/ Thú vật/ Tĩnh vật/ Tôn giáo/ Phúng dụ, Huyền thoại và các Hư ảo/ Nhìn vào Thế giới Nội tâm. Để “tải” được những “câu chuyện” này, biết bao các danh họa bậc thày nổi tiếng đã khắc ghi tên tuổi của mình vàonhững khuynh hướng nghệ thuật khác nhau như đã thấy từ suốt nhiều thế kỷtới ngày nay. Giá trị bất tử từ những kiệt tác nổi tiếng của họ đã tác động, đã làm chuyển biến, thay đổi nhiều quan niệm về cái đẹp, về tư duy sáng tác tạo hình và trở thành “tượng đài” thách thức với bất cứ nghệ sĩ sáng tác mỹ thuật nào, nếu họ không muốn trở thành bản sao, rập khuôn những gì đã có.

Tranh “Bên thềm nhà” (sơn mài, 100x130 cm), của họa sĩ Nguyễn Đức Việt (Việt Nam)

Như vậy, thách thức thật sự và vấn đề đặt ra từ BIAB 2015 nói riêng và từ lĩnh vực sáng tác mỹ thuật đương đại thế giới nói chung, chính là việc cần Tìm kiếm nội dung gì? Thể hiện nó như thế nào? trong tác phẩm của mình.Giá trị đầu tiên của mỗi tác phẩm mỹ thuật chính là đề tài, nội dung và gắn kèm với nó là hình thức thể hiện sao cho phù hợp. Chính ý tưởng nội dung sẽ khởi nguồn mọi cảm xúc, thôi thúc sự hứng khởi sáng tạovà khi đạt tới mức thăng hoasẽ dẫn dắt người sáng tác tìm kiếm cho tác phẩm của mình ngôn ngữ biểu đạt thích hợp nhất, và lúc đó mọi kỹ năng, chất liệu… sẽ chỉ đơn thuần là phương tiện thể hiện mà thôi.

Có 7 họa sĩ tạo hình Việt Nam được tuyển chọn tham dự (mỗi người một tác phẩm) gồm: Nguyễn Thị Mai với tác phẩm “Đám cưới chuột” (sơn mài, 90x240 cm), Lê Xuân Chiểu với “Hội Tây Nguyên” (sơn mài, 135x182 cm), Đỗ Đức Khải với “Ngày mới” (sơn mài, 110x220 cm), Nguyễn Đức Việt với “Bên thềm nhà” (sơn mài, 100x130 cm), Nguyễn Minh Tân với “Tiếng vọng của ký ức” (sơn dầu, 120x120 cm), Nguyễn Thị Đạm Thủy với “Giấc mơ cuộc sống” (sơn dầu, 180x180 cm), Nguyễn Mai Hương với “Trăng xanh” (sơn dầu, 100x120 cm) và đặc biệt, 2 họa sĩ Việt Nam được tuyển chọn tham dự Phòng trưng bày Nghệ thuật đương đại các nước Đông Nam Á, gồm: Đỗ Lệnh Hùng Tú với 2 tác phẩm: “Chia sẻ” (sơn dầu, 100x100 cm), “Vẻ đẹp” (sơn dầu, 100x100 cm) và Trần Thị Hòe với 2 tác phẩm: “Mầm của Đất” (sơn mài, 60x80 cm), “Cô gái và con Trâu” (sơn mài, 40x60 cm)…

Tranh “Watching planes” (sơn dầu 200 x400cm), của họa sĩ Yu Xiaodong (Trung Quốc)

Cùng theo đoàn họa sĩ Việt Nam còn có nữ sinh viên 19 tuổi, Nguyễn Thị Anh Thư, năm thứ nhất khoa Hội họa trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, được mời tham gia Hội thảo Đối thoại với các nghệ sĩ Quốc tế về chủ đề “Ký ức và Giấc mơ”. Trước hàng trăm nghệ sĩ quốc tế và các nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật tham dự, Nguyễn Anh Thư đã có bài phát biểu xúc tích khá chuẩn bằng tiếng Anh nêu lên tác động của Ký ức và giấc mơ đối với người nghệ sĩ tạo hình hôm nay, qua những ấn tượng và cảm xúc của mình về Triển lãm Mỹ thuật Quốc tế Bắc Kinh 2015 từ góc nhìn của một sinh viên trẻ.

Cũng trong dịp này, Bảo tàng Quốc gia Bắc Kinh đã chọn mua hai tác phẩm sơn mài: “Đám cưới chuột” của họa sĩ Nguyễn Thị Mai và “Bên thềm nhà” của họa sĩ Nguyễn Đức Việt.

Bài và ảnh: Tú Anh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.gov.vn/sites/vi-vn/details/14/my-thuat/137395/trien-lam-my-thuat-quoc-te-bac-kinh-lan-thu-6-2015.aspx