Triển lãm những bức hình độc đáo về cầu Long Biên

Triển lãm ảnh cầu Long Biên; Tuyên truyền Kỷ niệm 75 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2020); Chú trọng đến công tác tuyên truyền giới thiệu nguồn gốc lễ hội là thông tin văn hóa nổi bật tại Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam.

Cầu Long Biên. Nguồn: Vietnam+

Cầu Long Biên. Nguồn: Vietnam+

Hà Nội: Triển lãm ảnh "Để nhớ một thời ta đã yêu" đang diễn ra tại The Gate Lounge & Lifestyle – Sảnh chính Ciputra Club, khu đô thị Ciputra, Phường Xuân Đỉnh, Quận Bắc Từ Liêm thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân Thủ đô.

Cây cầu Long Biên vốn gắn liền với lịch sử của Hà Nội trong hơn một thế kỷ, một lần nữa sẽ là tâm điểm trong một triển lãm ở The Gate Lounge, Ciputra Club.

Triển lãm sẽ giới thiệu hơn 20 bức hình độc đáo được chụp trong 2 năm với nhiều góc độ về cây cầu có tuổi đời 118 năm của nghệ sĩ Trần Quốc Dũng.

Bằng cách miêu tả cây cầu 100 tuổi với rất ít chỉnh sửa, không thêm bất kỳ hiệu ứng hay xử lý màu sắc nào, Trần Quốc Dũng dự định sẽ khôi phục lại cảm xúc ban đầu bằng cách mang đến cho người xem một phần kỳ quan của chính họ. Triển lãm sẽ kéo dài đến hết ngày 31/8/2020.

Sinh ra ở Việt Nam và lớn lên tại Pháp, Trần Quốc Dũng định cư tại Việt Nam năm 2007 và đã làm việc tại Trường Quốc tế Pháp tại Hà Nội được khoảng 10 năm. Trong thời gian này, anh bắt đầu chụp những cảnh đường phố và những bức ảnh du lịch bất cứ khi nào có thể.

Hải Phòng: Trong những năm qua, nhiều địa phương trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã chú trọng đến công tác tuyên truyền giới thiệu nguồn gốc lễ hội, giá trị di tích qua đó góp phần bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử thu hút đông đảo sự tham gia của nhân dân và du khách.

Hiện trên địa bàn thành phố Hải Phòng có khoảng 1.270 cơ sở tín ngưỡng, trong đó có 505 cơ sở được xếp hạng, phần lớn, hàng năm, các cơ sở tín ngưỡng này đều tổ chức lễ hội, đa số lễ hội có quy mô nhỏ, mang tính chất vùng miền, thu hút số lượng du khách tham gia. Có khoảng hơn 400 lễ hội được quản lý thuộc các loại hình lễ hội quy định theo Nghị định 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Hàng năm, trước dịp năm mới, Ủy ban nhân dân thành phố đều ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác quản lý và tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải đảm bảo an toàn, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, giữ gìn vệ sinh môi trường, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tiết kiệm, phù hợp phong tục, tập quán địa phương, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, văn hóa của các tầng lớp nhân dân.

Ủy ban nhân dân thành phố giao Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin truyền thông và các đơn vị liên quan hướng dẫn các quận, huyện, đơn vị trên địa bàn thành phố tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội đón Tết Nguyên Đán; các sự kiện, ngày lễ lớn trong năm, bảo đảm thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm, phù hợp với văn hóa truyền thống của dân tộc, phong tục, tập quán của từng địa phương.

Sở Văn hóa và Thể thao đã chỉ đạo Phòng Quản lý Di sản văn hóa, Phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa và gia đình, Phòng Quản lý Văn hóa tuyên truyền, hướng dẫn Phòng Văn hóa và Thông tin các quận, huyện; các Ban Quản lý di tích, Ban Tổ chức lễ hội thực hiện tốt công tác tổ chức và quản lý lễ hội, trong đó tập trung vào các nội dung: Đẩy mạnh công tác quản lý và tổ chức lễ hội, bảo đảm tiết kiệm, văn minh, lành mạnh; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; giáo dục truyền thống khơi dậy giá trị tốt đẹp, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn"; Không tổ chức lễ hội có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam; Hướng dẫn, tuyên truyền vận động nhân dân hạn chế đốt vàng mã, đồ mã tại các cơ sở thờ tự và lễ hội; Phối hợp với các cơ quan liên quan quản lý chặt chẽ các hoạt động dịch vụ, ngăn chặn tình trạng tăng giá, chèo kéo, ép khách tại lễ hội…

Hàng năm, Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các cấp chính quyền và lực lượng chức năng thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra di tích, lễ hội. Trong 5 năm qua, Thanh tra Sở VHTT đã kiểm tra 160 lễ hội và các cơ sở tín ngưỡng trên địa bàn thành phố, trong đó ngoài công tác kiểm tra hoạt động quản lý di tích và tổ chức lễ hội còn tập trung kiểm tra hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa tại lễ hội.

UBND các quận, huyện đã chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo quản lý lễ hội trên địa bàn, hướng dẫn UBND các xã, phường, thị trấn thành lập Ban Tổ chức lễ hội, xây dựng kế hoạch, phân công chi tiết việc thực hiện… do đó cơ bản không còn hiện tượng lợi dụng tín ngưỡng để tổ chức các hoạt động mê tín dị đoan, bói toán, xóc quẻ, cờ bạc trá hình, xin ăn…

Hà Nam: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nam vừa chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức tuyên truyền Kỷ niệm 75 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2020) và Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945-02/9/2020).

Nội dung tuyên truyền gồm: Tuyên truyền bối cảnh, diễn biến, nguyên nhân thắng lợi và bài học kinh nghiệm của Cách mạng tháng Tám; khẳng định tầm vóc thời đại và ý nghĩa lịch sử của Cách mạng tháng Tám và sự ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam); sự vận dụng sáng tạo những bài học, kinh nghiệm trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước, nhất là trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay.

Tuyên truyền những thành quả to lớn mà Đảng và nhân dân ta đã đạt được trong 75 năm xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, nhấn mạnh thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược mà đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Bên cạnh đó, tuyên truyền những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong hơn 30 năm thực hiện đường lối đối mới đất nước; những bài học kinh nghiệm trong xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, xây dụng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức của đất nước; những nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nhất là nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, về quốc phòng - an ninh, về bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; đồng thời đấu tranh, phản bác những thông tin, quan điểm sai trái, 2 xuyên tạc lịch sử, phủ nhận giá trị, ý nghĩa lịch sử của Cách mạng tháng Tám, vai trò lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hình thức tuyên truyền: Tuyên truyền trực quan bằng băng rôn, khẩu hiệu, cờ trang trí tại trụ sở đối với các đơn vị trực thuộc Sở có trụ sở riêng. Tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, chiếu phim lưu động, trưng bày triển lãm phục vụ công tác tuyên truyền và nhu cầu giải trí, thưởng thức nghệ thuật của nhân dân. Xuất bản tập san Văn hóa, Thể thao và Du lịch chào mừng các ngày lễ, kỷ niệm lớn trong quý III năm 2020.

Triển khai các hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan như: làm mới các cụm tuyên truyền, các loại cờ trang trí tại khu vực trung tâm các huyện, thị xã, thành phố; hướng dẫn các xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền trực quan. Tổ chức các hoạt động gặp mặt, tọa đàm, nói chuyện truyền thống, các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao chào mừng. Tuyên truyền, vận động nhân dân treo cờ Tổ quốc chào mừng ngày lễ lớn của đất nước.

Lan Phạm (t/h)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/trien-lam-nhung-buc-hinh-doc-dao-ve-cau-long-bien-20200713214810476.htm