Triển lãm 'Những tấm gương bình dị mà cao quý'

Ngày 15-5, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo T.Ư phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức khai mạc Triển lãm 'Những tấm gương bình dị mà cao quý', nhân kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2019) và sơ kết ba năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về 'Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh'.

Các đại biểu cắt băng khai mạc buổi triển lãm.

Các đại biểu cắt băng khai mạc buổi triển lãm.

Dự lễ khai mạc Triển lãm, có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Vũ Mạnh Hà cho biết: "Triển lãm trưng bày gần 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật, bài viết về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; giới thiệu những tấm gương tiêu biểu của tập thể, cá nhân trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được các tỉnh ủy, thành ủy, Đảng ủy khối, các doanh nghiệp T.Ư, Đảng ủy các cơ quan T.Ư, Tổng cục Chính trị Bộ Quốc phòng và Bộ Công an giới thiệu tôn vinh".

Ông Hà nhấn mạnh, triển lãm là hoạt động chính trị và văn hóa hết sức có ý nghĩa, không chỉ giới thiệu, tôn vinh những tấm gương người tốt, việc tốt trên khắp mọi miền đất nước, mà còn góp phần để người xem nhận thức sâu sắc hơn về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua đó, mỗi người có thể tìm ra cho mình những phương pháp học tập và làm theo Người trong công việc thiết thực hằng ngày.

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư cùng các đại biểu tham quan Triển lãm.

Mỗi hình ảnh, bài viết là một câu chuyện cảm động về những con người bình dị đã vượt lên hoàn cảnh, số phận, dám nghĩ, dám làm, dốc lòng, dốc sức vì lợi ích cộng đồng, bình yên và phồn vinh của đất nước...

Nội dung Triển lãm gồm hai phần, phần thứ nhất là "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là việc làm thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân ta", trưng bày khái quát lại những dấu mốc lịch sử, khẳng định việc học tập và làm theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Đảng và Nhà nước ta phát động ngay sau khi Người qua đời, với phong trào thi đua "Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại".

Phần thứ hai là "Những tấm gương bình dị mà cao quý", giới thiệu những hình ảnh, tài liệu của phần này nhằm giới thiệu tới công chúng các câu chuyện về 129 tổ chức, cá nhân tiêu biểu ở tất cả các ngành, cấp (56 tập thể và 73 cá nhân), là những tấm gương sáng trong các phong trào thi đua yêu nước trong các lĩnh vực: Xây dựng và phát triển kinh tế; văn hóa, xã hội; xây dựng Đảng, quốc phòng và an ninh. Họ là nhân tố góp phần đưa cuộc vận động vào cuộc sống, cổ vũ đông đảo các tầng lớp nhân dân cùng nỗ lực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cô giáo Trần Thị Thúy, công tác tại Trường THPT Đức Hợp, huyện Kim Động, Hưng Yên với nhiều giải thưởng cao quý.

Trong những cá nhân, tập thể tiêu biểu có cô giáo Trần Thị Thúy, công tác tại Trường THPT Đức Hợp, huyện Kim Động, Hưng Yên, với nhiều giải thưởng cao quý như: Giải nhì toàn quốc trong cuộc thi "Giáo viên sáng tạo nên nền tảng công nghệ thông tin năm 2016", lọt tốp 50 giáo viên nhận giải thưởng giáo viên toàn cầu (Global Teacher Prize) năm 2019... Ngoài ra, cô Thúy từng được mời tham gia Diễn đàn giáo dục toàn cầu do Microsoft tổ chức tại Canada. Trong quá trình công tác, cô cùng 45 học sinh đã xây dựng Dự án và tham gia cuộc thi "Bảo vệ cuộc sống của chúng ta khỏi thuốc trừ sâu độc hại". Đây là dự án liên môn, tích hợp kiến thức các môn học như: Tiếng Anh, Công nghệ, Sinh học, Hóa học, Văn học, Địa lý, Giáo dục công dân trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin.

Cô giáo Trần Thị Thúy chia sẻ: "Là một giáo viên dạy tiếng Anh, tôi luôn hy vọng học sinh luôn học tốt môn học, cùng những kỹ năng mềm khác. Với chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt cũng liên hệ nhiều trong việc giảng dạy của tôi và các giáo viên khác. Bởi, nếu các em đã có nền tảng tốt về tiếng Việt thì việc dịch và truyền tải ngôn ngữ khác, đặc biệt là tiếng Anh sẽ tốt hơn nhiều. Để làm được như vậy, bản thân tôi phải là tấm gương cho các em, sau đó tìm tòi tài liệu tham khảo để củng cố, hỗ trợ tốt nhất trong khả năng của mình".

Triển lãm diễn ra đến hết ngày 20-7.

PHÙNG TRANG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/40199602-trien-lam-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy.html